xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nước sông Sài Gòn đang bị nhuộm đen

Đỗ Uyên

MÔI TRƯỜNG.- Nước sông bị ô nhiễm nặng, kéo dài cả tháng trời nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thật sự vào cuộc

Khoảng gần nửa tháng qua, nguồn nước từ đoạn sông Sài Gòn phía hạ lưu, thuộc khu vực bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh kéo dài đến bến cảng tàu khách Nguyễn Kiệu - Bạch Đằng, quận 1 có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng. Vào những lúc thủy triều xuống, nước sông trở nên đục sạm và tanh mùi nước cống. Ở phía hạ lưu đã như vậy, còn ngược dòng về phía thượng lưu của con sông Sài Gòn, đến tận khu vực thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương tình trạng ô nhiễm còn nặng nề hơn.

Dòng sông đen

   Được sự giúp đỡ về phương tiện của Khu Đường sông và Đoạn Quản lý Đường sông số 10, từ 8 giờ ngày 21-12, đoàn nhà báo chúng tôi được bố trí trên 2 chiếc ca nô đi ngược dòng sông Sài Gòn để mong được truy tìm tận nơi phát xuất của dòng nước đen. Từ trên bờ, bước xuống ca nô, cảm nhận đầu tiên là mùi tanh hôi bốc lên từ mặt nước. Ghé qua phía bên kia bờ sông, thuộc phường An Khánh, quận 2, anh nhân viên của trạm kinh doanh xăng dầu Ngọc Của cho biết: “Bây giờ thì chưa có gì đâu, một chút nữa, khi nước ròng ở đoạn sông này có lúc đen đục và hôi thối lắm, nhất là những lúc nắng nóng”. Mặt nước từ con kinh Thanh Đa dẫn lên ngã ba sông Sài Gòn bắt đầu trở màu đen nhờ nhờ. Anh lái tàu Duy Anh cho rằng có lẽ nguồn nước đen xuất phát từ sông Vàm Thuật, quận 12 vì đây là nhánh sông Sài Gòn đã bị ô nhiễm nặng nề từ nhiều năm qua, bởi các nhà máy sản xuất bột ngọt, chế biến cao su, dệt nhuộm thải trực tiếp xuống sông. Tuy nhiên, khi đến ngã ba sông Vàm Thuật thì màu nước sông Sài Gòn cũng tương tự như con kinh nước đen ở kinh Đôi, kinh Tẽ!

Khi chiếc ca nô vượt qua cầu Bình Phước, màu nước sông vẫn không thay đổi. Tiếp sau đó, chúng tôi quyết định đi ngược lên hơn 1 km thì dòng sông giảm dần màu đen và trở lại bình thường. Thật là may mắn, tôi nhủ thầm như thế. Bởi vì nếu tình trạng dòng nước đen này còn kéo dài lấn lên phía thượng nguồn khoảng chục km nữa, là đến khu vực đang xây dựng Nhà máy Nước sông Sài Gòn. Đây là dự án cung cấp 600.000 m3 nước ngọt/ngày cho TPHCM, với kinh phí trên 1.600 tỉ đồng!

Sự tắc trách của con người!

Chung quanh việc sông Sài Gòn biến thành “dòng sông đen” đã gây nhiều dư luận trong cộng đồng dân cư. Nhiều người dân nói rằng do bể bờ bao khu xử lý của một nhà máy lớn, cũng có dư luận cho rằng do ô nhiễm nguồn nước thải từ khu xử lý rác Đông Thạnh. Ông Bùi Văn Phú, nguyên là cán bộ ngành xây dựng, nay đã về hưu, mở quán cà phê Vườn Điều bên bờ sông Sài Gòn, cho biết: “Chưa bao giờ dòng sông này bị ô nhiễm như vậy. Trước đây, bà con khu xóm còn múc nước sông lắng phèn để tắm giặt. Nhưng bây giờ thì không dám sử dụng nữa. Nước sông ô nhiễm như thế này thì cây cối cũng khó sống được”.

Trưa 22-12, chúng tôi trở lại Rạch Tra, nơi có nguồn nước tiếp giáp sông Sài Gòn, nhưng màu nước ở đây không có gì lạ. Tuy nhiên, những hộ dân ở gần đây cho biết, có những lúc nước thải chảy ra làm đổi màu nước sông (?). Có lẽ tất cả chỉ là những ghi nhận tức thời, hoặc suy đoán và cần phải tìm hiểu một cách khoa học khách quan. Nhưng câu hỏi đặt ra là, trước sự kiện dòng sông Sài Gòn bị ô nhiễm nặng nề và kéo dài cả tháng trời như thế, vì sao chưa một cơ quan chức năng nào vào cuộc? Cùng đi thị sát với chúng tôi, ông Phạm Quang Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế GTVT phía Nam, cho biết: “Không còn gì phải nói nữa, trước thực tế hiển nhiên là sông Sài Gòn đã bị ô nhiễm nặng nề đến mức báo động khẩn cấp. Đến mức này cần phải có hành động cụ thể về mặt quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường. Cái giá phải trả cho sự hủy hoại tài nguyên môi trường thì không có gì tính hết được”.

Anh cán bộ ngành đường sông hướng dẫn khảo sát lại có ý kiến đáng ghi nhận như sau: Theo quy luật thủy triều trên đoạn sông này, tại ngã ba sông có dòng nước đen Vàm Thuật cũng khó có thể nhuộm đen cả dòng sông. Bởi vì khi thủy triều xuống, dòng nước từ sông Vàm Thuật bị hòa lẫn một phần với nước sông Sài Gòn, sau đó vì chế độ bán nhật triều nên khi nước lớn trở lại, thì nước sạch từ sông đẩy ngược dòng nước đen trở vào sông Vàm Thuật. Còn tại sao cả chục cây số phía thượng nguồn sông Sài Gòn vẫn bị nhuộm đen... vấn đề này xin dành cho các nhà khoa học, quản lý chuyên ngành môi trường... Như vậy, vấn đề tối hệ trọng không chỉ vì cứu lấy công trình cả ngàn tỉ đồng của dự án đầu tư khai thác nước sông Sài Gòn, và các dự án khác đang ấp ủ, mà còn là vấn đề môi trường sinh thái của con sông quan trọng liên quan đến nhiều địa phương, các tỉnh thành sẽ khó lòng khôi phục được.    

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo