Nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt là 1,4 triệu m3/ngày đêm. Toàn TP HCM có 1,4 triệu hộ gia đình được sử dụng nguồn nước mặt đã qua xử lý của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), 62.000 hộ sử dụng nước ngầm đã qua xử lý, còn 360.000 hộ chưa được tiếp cận 2 nguồn nước đã qua xử lý.
Ô nhiễm vi sinh tăng đột biến
Các hộ thiếu nước phải tự tìm kiếm các nguồn nước khác nhau để sử dụng như: nước mưa, khoan giếng lấy nước ngầm, mua nước từ các xe bồn với giá cao… Thế nhưng, theo công bố mới đây từ Trung tâm Y tế dự phòng TP, hầu hết các mẫu nước ngầm đều không đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, hàm lượng sắt trong nước cao. Còn theo báo cáo quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường, tại 3 tầng nước trên cùng, chỉ tiêu coliform đều vượt quy chuẩn cho phép, nhiều vị trí quan trắc có dấu hiệu ô nhiễm vi sinh tăng đột biến.
Nước mưa vốn được xem là nguồn nước sạch nhưng khi tốc độ công nghiệp hóa cao, nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất không ngừng “đầu độc” môi trường khiến nguồn nước này cũng bị ảnh hưởng. Hơn chục năm nay, gần 150 hộ dân tổ 3, khu phố Trường Lưu, phường Long Trường, quận 9 không thể sử dụng nước sông khi các nhà máy ở thượng nguồn liên tục gây ô nhiễm.
Nhà nhà bắt đầu sắm bồn, xây hồ để chứa nước mưa hoặc mua nước từ ghe chở từ Đồng Nai qua với giá 60.000- 70.000 đồng/m3. Thế nhưng, nguồn nước mưa quý giá giờ lại bị “đầu độc” khi trạm nghiền của Nhà máy Xi măng Hà Tiên chuyển về đây.
Khoảng một tuần nay, Sawaco bắt đầu kéo đường ống cấp nước sạch về, người dân khu vực này như được “cứu”. Theo một số hộ dân, nguồn nước cấp từ Sawaco chỉ để ăn uống, còn sinh hoạt vẫn phải nhờ vào nguồn nước mưa để tiết kiệm chi phí.
Lưu lượng nước suy giảm
Để bảo đảm cuộc sống cho người dân, chính quyền TP đang đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, phấn đấu 100% người dân có nước sạch để sử dụng. Nguồn cung cấp nước chủ yếu cho TP là nước mặt từ hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, chiếm 95%. Năm 2013, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu cấp bộ của Trường ĐH Môi trường và Tài nguyên TP đã phát hiện nước và bùn lắng ở hạ nguồn sông Sài Gòn nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết.
Khi nguồn nước sông Sài Gòn bắt đầu ô nhiễm trầm trọng, các nhà máy nước dần dịch chuyển vị trí lấy nước lên phía đầu nguồn và sông Đồng Nai đang trở thành nguồn cung cấp nước đầu vào chủ đạo. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường, chất lượng nước sông Đồng Nai chỉ đỡ hơn sông Sài Gòn nhưng cũng đang dần “chết” vì rừng đầu nguồn bị tàn phá và nguồn nước thải đổ ra không được kiểm soát chặt chẽ.
Mới đây, các giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM cũng phát hiện chất gây ung thư trong nước đã qua xử lý của Nhà máy Nước Tân Hiệp. Do nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ, khi gặp chất chlorine - vốn sử dụng để khử trùng làm sạch nguồn nước - tạo ra một số chất sản phẩm phụ khử trùng có nguy cơ gây ung thư trong nguồn nước cấp. Tuy hàm lượng còn nằm trong tiêu chuẩn cho phép nhưng đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, bắt buộc Sawaco cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu sâu để có biện pháp xử lý kịp thời.
Không chỉ chất lượng nguồn nước mà lưu lượng cũng đang bị suy giảm trong khi nhu cầu sử dụng nước của TP ngày càng gia tăng. Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết trữ lượng nước đầu người toàn quốc vào khoảng 9.000 m3/người/năm. Trữ lượng nước đầu người lưu vực sông Đồng Nai chỉ gần 2.300 m3/người/năm. Nếu đối chiếu với chuẩn quốc tế: dưới 4.000 m3/người là thiếu nước thì lưu vực sông Đồng Nai đang ở mức thiếu nước trầm trọng.
Nguy cơ biến dạng mặt đất, sụt lún
Báo cáo của Sawaco cho thấy tổng công suất cấp nước đã nâng lên 2,1 triệu m3/ngày đêm, tỉ lệ thất thoát là 32%, tương đương mỗi ngày TP thất thoát hơn 672.000 m3 nước sạch. Theo Quyết định 729/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch cấp nước TP HCM đến 2025 thì đến năm 2015, nhu cầu sử dụng nước cho công nghiệp là 165.000 m3/ngày, cho các loại hình dịch vụ khác là 340.000 m3/ngày. Như vậy, lượng nước thất thoát hằng ngày của TP bằng 1,3 lần tổng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ.
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện tượng bê tông hóa bề mặt và khai thác nước ngầm tràn lan trong thời gian qua đã khiến nguồn nước ngầm không được bổ cập, dẫn đến phễu nước ngầm hạ thấp và các tầng nước bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, còn có cảnh báo về nguy cơ biến dạng mặt đất, sụt lún do suy giảm nước ngầm.
Ông Nguyễn Văn Ngà - Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM - cho biết sở đã đề xuất cấm khai thác nước ngầm tại các khu vực có nguy cơ cao, như: nằm trong phạm vi 2,5 km tính từ ranh mặn - nhạt, khu vực trong bán kính 2,5 km từ các bãi rác, khu vực có khả năng hạ thấp mặt đất theo kết quả quan trắc lún của Trung tâm Địa tin học (ĐHQG TP HCM).
Vừa qua, Sở TN-MT đã trình UBND TP dự thảo quyết định thay thế Quyết định 69 về quy định cấm và hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn. Tuy nhiên, trong dự thảo có điểm chưa phù hợp với Quyết định 15/2008 của Bộ TN-MT quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Theo Quyết định 15/2008 thì những nơi đã có mạng lưới cấp nước chỉ hạn chế khai thác nước dưới đất chứ không cấm, vùng cấm là vùng bị ô nhiễm hoặc bị lún do khai thác nước ngầm. Trong khi đó, hiện việc xác định và khoanh khu vực ô nhiễm nguồn nước ngầm cũng như các khu vực sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm chưa được làm rõ. Liên quan đến vấn đề này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT đã khởi động dự án nghiên cứu, đánh giá khai thác, sử dụng nước ngầm và tác động đến sụt lún nền đất khu vực Hà Nội, TP HCM và ĐBSCL, dự kiến hoàn thành năm 2020.
Hiện tại, Sawaco vẫn còn một nhà máy sử dụng nước ngầm tại huyện Hóc Môn với công suất trên 50.000 m3/ngày và 122 trạm nước sạch vệ sinh nông thôn, vốn là các giếng của UNICEF.
“Theo quy hoạch cấp nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, lượng nước ngầm cho mục đích sinh hoạt là 100.000 m3/ngày đêm nhưng sở đề xuất đến năm 2025, tổng lượng nước ngầm khai thác cho tất cả các mục đích chỉ ở mức 200.000 m3/ngày đêm, điều đó có nghĩa Sawaco cần có lộ trình giảm việc khai thác nước ngầm tại các công trình này” - ông Ngà nói.
Xây dựng các hồ chứa đa năng
Ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Sawaco, cho biết trong những năm qua, vào mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5, độ mặn nước sông ghi nhận tại các điểm lấy nước thô tăng lên do lưu lượng nước sông giảm, biên mặn lấn về phía thượng nguồn. Vì thế, để kiểm soát độ mặn cần bảo đảm lưu lượng xả từ các hồ Dầu Tiếng, Trị An.
Về giải pháp ngắn hạn, Sawaco tăng cường giám sát chặt chẽ chất lượng nước, bao gồm trang bị thiết bị quan trắc liên tục để cảnh báo sớm diễn biến chất lượng nước, đồng thời phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng- Phước Hòa, hồ Trị An tiến hành tăng lưu lượng nước xả kịp thời để đẩy mặn.
Về chiến lược lâu dài, Ban Chỉ đạo chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu đã đề xuất TP xây dựng các hồ chứa đa năng nhằm bảo đảm an toàn cấp nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, các hồ chứa này kết hợp giữa chức năng dự trữ và tiền xử lý nước thô cho các nhà máy của Sawaco với chức năng điều tiết, chống ngập cho TP do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thực hiện. Để bảo đảm nhiệm vụ dự trữ nước thô, các hồ này sẽ lấy nước vào các thời điểm chất lượng bảo đảm để dự trữ và cung cấp cho các nhà máy nước trong các tình huống khẩn cấp như xâm nhập mặn, ô nhiễm…
Ngoài ra, Sawaco cũng triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp: kỹ thuật, tài chính, vận động xã hội và tăng cường biện pháp quản lý - năng lực với mục tiêu đến năm 2020, giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch từ 32% còn 25%.
Bình luận (0)