xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”

Dương Trung Quốc

Có một chi tiết ít ai để ý. Đó là sự chênh nhau về giờ giấc giữa Sài Gòn và Hà Nội vào thời điểm kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đó là do lịch sử để lại vì đất nước bị chia cắt và sự tồn tại hai chế độ chính trị khác nhau có sự lựa chọn khác nhau về múi giờ. Sau khi miền Nam giải phóng cùng với tiến trình thống nhất quốc gia trên phương diện Nhà nước, cả nước chung một múi giờ của thủ đô Hà Nội

Để có được một sự thống nhất tưởng chừng đương nhiên như vậy, dân tộc Việt Nam đã phải đi một chặng đường dài đầy hy sinh và gian khổ. Bởi vậy, khi nói đến chiến thắng 30-4-1975 thì ý nghĩa của nó không chỉ là dấu mốc toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam sau hai thập kỷ phấn đấu, nó còn là kết quả cuộc chiến đấu trường kỳ 30 năm để “đánh thắng hai đế quốc to” nhằm bảo vệ những thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Thành quả đó là nền độc lập dân tộc giành lại từ tay phát xít Nhật và đế quốc Pháp sau 80 năm bị đô hộ. Đó là nền dân chủ - cộng hòa được xác lập bằng một chiếu thoái vị của ông vua cuối cùng thuộc triều đại nhà Nguyễn, cũng là thời khắc cáo chung nền quân chủ từng ngự trị cả ngàn năm trên đất nước ta.

“Nước VN là một, dân tộc VN là một”

Nhưng ở một tầm nhìn cao hơn, ngày 30-4-1975 còn là biểu tượng cho sự toàn thắng, một ý chí vô cùng mạnh mẽ từng là động lực cho cuộc phấn đấu ngàn năm cùng với những hy sinh vô bờ bến của nhiều thế hệ người dân Việt Nam để có được một lãnh thổ hoàn chỉnh, một giang sơn thu về một mối thể hiện trên tấm bản đồ lãnh thổ hiện tại của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Một dân tộc từng hình thành trên một vùng lãnh thổ phương Nam của không gian văn hóa Bách Việt. Dựa vào thế đất và tinh thần tự chủ tự cường, những tộc Việt ấy đã từng bước xây dựng thành một quốc gia về lãnh thổ, văn hóa và một cộng đồng ngày càng gắn kết để tồn tại và phát triển bên cạnh một đế chế có sức bành trướng mạnh mẽ đã Hán hóa rất nhiều tộc người phương Nam vốn gần gũi với chúng ta. Chính nhu cầu tồn tại và phát triển ấy đã đòi hỏi và hun đúc cho dân tộc ta một bản lĩnh biết ngăn chặn sức tràn từ phương Bắc xuống, đồng thời miệt mài tiến hành cuộc Nam tiến thần thánh của dân tộc.

Từ châu thổ của hệ thống sông Hồng và sông Mã, nền tự chủ được hình thành từ sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền (năm 938) đã từng bước định đô tại Thăng Long tạo dựng nên các triều đại Lý, Trần, Lê và nền văn minh Đại Việt. Chính các triều đại tự chủ này đã đặt định phương hướng phát triển của đất nước xuống phương Nam không phải bằng vũ lực mà bằng sức mạnh của nền văn minh lúa nước và nền văn hiến Đại Việt. Quá trình ấy đã diễn ra trong nhiều thế kỷ gắn quá trình mở rộng lãnh thổ với công cuộc khai phá đất đai, hòa đồng với các cộng đồng dân cư và văn hóa bản địa tạo nên một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa luôn có nhu cầu đoàn kết để cùng tồn tại và phát triển. Ý thức dân tộc và đoàn kết dân tộc đã trở thành một đòi hỏi sống còn. Ngay trong thử thách của một thời kỳ Nam Bắc phân tranh kéo dài nhiều thế kỷ, thì các đời Chúa Trịnh trấn trị ở phương Bắc từ ranh giới sông Gianh, hay các đời Chúa Nguyễn khai phá ở phương Nam đều thờ chung nhà Lê. Các chúa tranh giành quyền lực nhưng trung thành với quốc gia Đại Việt.

Chính nhờ thế mà sau khi nhà Tây Sơn với thủ lĩnh hàng đầu là hoàng đế Quang Trung dẹp được nạn phân tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài thì lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia Đại Việt đã hình thành suốt từ ải Nam Quan đến mũi Hà Tiên. Nhưng chỉ không đầy nửa thế kỷ sau, dân tộc ta đã đứng trước mối đe dọa của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Triều đại kế thừa nền thống nhất quốc gia đã được người anh hùng dân tộc Quang Trung xác lập lại chính là nhà Nguyễn. Triều Nguyễn đã tiêu diệt nhà Tây Sơn nhưng lại kế tục sự nghiệp của Vua Quang Trung. Một quốc gia Đại Nam được khẳng định bằng tấm “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được họa dưới triều vua Minh Mạng, đã tạo dựng được cả một giang sơn từ Bắc chí Nam và vươn ra cả biển cả với dải “vạn lý Trường Sa” (mà ngày nay là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

Trong suốt quá trình xâm lược và áp đặt chế độ thuộc địa trên đất nước ta, chủ nghĩa thực dân Pháp luôn coi việc chia rẽ sức mạnh dân tộc và chia cắt lãnh thổ quốc gia của nước Việt Nam là một chính sách hàng đầu và một âm mưu không khoan nhượng. Cơ thể Tổ quốc Việt Nam bị chia cắt làm ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ với những chế độ chính trị khác nhau. Kẻ thù đã tìm mọi cách khoét sâu vào những vết ranh của lịch sử để mong biến thành những nếp nhăn và để rồi thành những nếp gãy trên tấm bản đồ Việt Nam.

Chính vì vậy, một trong những ý chí tạo nên bản lĩnh của dân tộc Việt Nam chính là phải gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ thống nhất của Tổ quốc. Hình ảnh của vị lão tướng Nguyễn Tri Phương, từ quê hương Thừa Thiên đã Nam chinh Bắc chiến chống Pháp giữ thành Lũy Chí Hòa (Đồng Nai) và thành Cửa Bắc (Hà Nội), câu chuyện những đạo quân “Nam tiến” của Phạm Văn Nghị (Nam Định) hay cái chết của nghĩa sĩ Đỗ Quang sinh Bắc tử Nam từ chiến trận chống Pháp cuối thế kỷ 19... đã là những biểu tượng sớm cho ý chí thống nhất quốc gia.

Mục tiêu thiêng liêng: Thống nhất đất nước

Sau này, sức mạnh của Đảng Cộng sản cũng bắt nguồn từ cuộc thống nhất ba tổ chức Cộng sản ở ba kỳ thành một tổ chức thống nhất của toàn dân tộc. Có thể nói bản chất thế kỷ 20 của dân tộc Việt Nam chính là thế kỷ đấu tranh cho chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Chân lý ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết từ trong thực tiễn thử thách vô cùng cam go và quyết liệt vào thời điểm nước Việt Nam đã giành được độc lập bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Đó là một cuộc cách mạng do một tổ chức chính trị thống nhất trên cả ba kỳ lãnh đạo. Nó được diễn ra như một cao trào thống nhất trên cả nước. Nó được khẳng định và long trọng tuyên bố trước toàn thế giới bằng bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh chế độ dân chủ-cộng hòa. Tiếp theo là một cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội thống nhất ba miền và một bản hiến pháp khẳng định tính pháp lý của nền thống nhất quốc gia...

Kể từ đó sự nghiệp bảo vệ độc lập gắn chặt với nền thống nhất quốc gia. Tất cả nỗ lực bảo vệ nền độc lập thực sự không tách rời khỏi nguyên tắc “nước Việt Nam là một” và “Nam Bộ là máu của máu, là thịt của thịt Việt Nam” . Cuộc kháng chiến bùng nổ ở Nam Bộ chỉ 3 tuần sau ngày tuyên bố độc lập (23-9-1945), cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ từ Hà Nội cũng bắt nguồn từ sự không nhân nhượng trước âm mưu của kẻ thù: Tách Nam Bộ khỏi cơ thể Tổ quốc Việt Nam.

Cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm kết thúc bằng sự kiện ngày 30-4-1975 cũng là sự kế tiếp sự nghiệp giữ gìn nền thống nhất đất nước. Trong suốt 20 năm của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, mục tiêu giải phóng miền Nam gắn chặt với mục tiêu thống nhất đất nước. Đó là mục tiêu thiêng liêng và cũng là một sứ mệnh lịch sử mà thời đại của Hồ Chí Minh trở thành một đỉnh cao vì nó đã hoàn thành được sứ mệnh đó một cách vẻ vang. Độ lùi của thời gian lịch sử đã cho phép chúng ta thấy rằng vào thời điểm cách đây 32 năm, sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam đã nằm ngoài sự mong muốn của các nước lớn và chỉ một dân tộc có ý chí sắt đá như dân tộc Việt Nam mới đủ bản lĩnh để đạt tới mục đích cuối cùng khi vận hội đã tới.

Một câu nói hay nhất gần như đồng thuận ở tất cả những người chiến thắng vào giây phút chiến thắng ấy là: Trong sự nghiệp này mọi người Việt Nam đều chiến thắng. Nhắc đến tầm vóc lịch sử to lớn của sự kiện cách đây 32 năm chúng ta sẽ thấu hiểu được cái giá trị mà cùng với thời gian sẽ ngày một sáng tỏ: Thống nhất là sức mạnh của dân tộc cả trong chiến tranh giữ nước cũng như trong công cuộc làm cho giang sơn Tổ quốc thống nhất ngày một đẹp giàu.

Tháng 4-2007

“Thắng lợi hôm nay của chúng ta rất vĩ đại. Chúng ta đã giải phóng được miền Nam, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp này, nhân dân ta ở miền Nam cũng như ở miền Bắc đều hy sinh vô bờ bến. Vì vậy, thắng lợi này là thành quả của cả dân tộc. Chúng ta không một ai được quyền kể công tôi, công anh. Có chăng chúng ta chỉ góp một phần nhỏ mà thôi. Ai đánh giá công lao của mình quá cao, công thần chủ nghĩa thì người đó có tội với lịch sử...”.

Đồng chí Lê Duẩn tại cuộc gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự lễ mừng đại thắng ở Hội trường Thống Nhất, sáng 15-5-1975 (theo lời kể của ông Nguyễn Văn Hoành, nguyên Cục phó T.78 – Sách: Lê Duẩn – Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 2002)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo