PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng Ban Phản biện - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), lý giải thị trấn Di Linh nằm trực tiếp trên lớp đất đỏ basalt nên dù bơm hút nước ngầm nhiều cũng không thể sụt lún gây nứt đất trên bề mặt.
Vết nứt trên đường Hai Bà Trưng (khu phố I, thị trấn Di Linh). Ảnh: Báo Lâm Đồng
Mặt khác, nứt đất liên quan đến bơm hút nước ngầm thường có dạng vòng cung bao quanh tâm sụt lún. Trong khi đó, dải nứt đất ở Di Linh dạng tuyến, cắt qua tất cả các loại vật cản trên đường đi của nó. Như vậy, đây là hệ thống khe nứt tách giãn, liên quan đến hoạt động trượt êm không động đất của đứt gãy đang hoạt động dưới sâu.
Còn theo TS Đỗ Văn Lĩnh, Phó trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, nhận xét nứt đất tại Di Linh có liên quan đến đứt gãy Bảo Lâm – Tam Hiệp đang hoạt động trở lại.
TS Lĩnh phân tích thêm tuy không gây ra động đất nhưng nứt đất loại này tạo năng lượng cực lớn, có thể cắt qua và gây sụp vỡ bất kỳ kết cấu nào dù là tự nhiên hay nhân tạo.
Các nhà khoa học thống nhất rằng hiện tượng nứt đất ở Di Linh cho thấy vùng đất núi lửa Tây Nguyên vẫn đang "cựa quậy". Vì thế, theo TTXVN, cần giám sát chặt các kho xăng dầu, hóa chất, các trạm xử lý nước thải, đập nước… trên tuyến phát triển của nứt đất ngầm.
Bình luận (0)