Ngày 11-7, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước thông xe toàn dự án. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều đoạn đi qua các tỉnh Gia Lai và Kon Tum xuất hiện vết nứt, mặt đường bong tróc.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Kon Tum có hiện tượng sụt lún, bong tróc lớp mặt cục bộ ở Km 1544, phần mặt đường hướng Đà Nẵng - Kon Tum. Điểm bong tróc có chiều dài khoảng 2 m, rộng 1 m. Sau khi được phát hiện, đơn vị thi công đã “vá” đoạn bong tróc bằng lớp nhựa mới. Một cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ) cho biết đoạn đường trên mới chỉ hoàn thành phần mặt đường, những hạng mục khác vẫn đang trong giai đoạn thi công nên chưa nghiệm thu và bàn giao cho chi cục quản lý. “Sau này sẽ phát sinh nhiều vấn đề như không thẩm mỹ... Tuy nhiên, trước mắt đang bảo đảm giao thông không thể để ổ gà. Trước khi bàn giao, chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị thi công hoàn thiện lại” - vị này nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thọ, Giám đốc Ban Quản lý dự án I - Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum, cho biết vị trí bị sụt lún có diện tích khoảng 1 m2. Phát hiện cách đây 2 tháng, hiện tượng sụt lún đã được khắc phục, từ đó đến nay vẫn đang theo dõi.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Kon Tum - Pleiku (tỉnh Gia Lai) có chiều dài 35 km, tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng, thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc ở cả hai làn đường. Tại Km 1586, thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, có những vết nứt kéo dài hàng chục mét, rộng chừng gần 1 cm. Tại đoạn qua phường Yên Thế, TP Pleiku có một số điểm bong tróc lớp nhựa mặt đường rộng khoảng 60 cm.
Ông Nguyễn Ngọc Báu, Giám đốc hiện trường Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Gia Lai - Kon Tum, cho biết đoạn đường này được thảm nhựa từ năm 2013, vết nứt chạy dài là do vệt dầu của máy rải rò rỉ. “Đầu năm 2014, chúng tôi đã phát hiện. Đơn vị thi công đã cho người đun nóng nhựa đường rải xuống để khắc phục, ngăn không cho nước ngấm” - ông Báu nói.
Thanh tra 4 dự án BOT
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Kon Tum - Bình Phước do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Trong đó, có 6 dự án vốn trái phiếu Chính phủ với tổng chiều dài 212 km, vốn đầu tư 7.080 tỉ đồng. Năm dự án còn lại được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), dài 207 km với tổng mức đầu tư 5.994 tỉ đồng. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có quyết định thanh tra 4 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Với những dự án thuộc vốn trái phiếu chính phủ đang được trình hồ sơ để chuẩn bị thanh tra trong thời gian tới.
Bình luận (0)