icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ở đâu có người cần giúp đỡ, tôi sẽ đến!

Gia Linh

Bác sĩ Tadashi Hattori - chuyên gia phẫu thuật tình nguyện Nhật Bản - đã đem lại ánh sáng cho hơn 3.000 bệnh nhân VN trong 4 năm với hơn 40 lần sang VN. Đó là các ca bệnh khó và hầu như miễn phí. Bác sĩ Hattori nói rằng, VN là điểm đến của ông chỉ đơn giản là vì ở đây có nhiều bệnh nhân cần đến mình

Sinh tại Osaka (Nhật Bản), bác sĩ Hattori hiện là Giám đốc điều hành Chương trình Phòng chống mù lòa Đông Nam Á - Hiệp hội Phòng chống mù lòa châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Prevention of Blindness Association). Ông nói rằng mình đến với VN hoàn toàn tình cờ, nhưng có lẽ đó cũng là mối “tơ duyên” của ông với đất nước này.

Trong một hội thảo về nhãn khoa được tổ chức tại Nhật vào tháng 4-2002, có một bác sĩ VN tiếp xúc với ông và nói rằng ở VN kỹ thuật nhãn khoa bây giờ rất thấp, đặc biệt về lĩnh vực dịch kính võng mạc - lĩnh vực chuyên môn của Hattori. Ngay sau hội thảo, Hattori đến VN theo lời mời ấy.

Hattori, "Bác sĩ nhãn khoa VN"

Lần đầu tiên đến VN và tận mắt chứng kiến sự thiếu thốn của người bệnh, Hattori đã cảm nhận rằng mình sẽ là một người có ích ở nơi đây. Ông nhanh chóng quyết định dùng thời gian, tiền bạc và công sức của mình chỉ đạo về kỹ thuật cho các bác sĩ Viện Mắt Trung ương, đồng thời chữa trị hầu như miễn phí cho các bệnh nhân.

GS-TS Tôn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Mắt Trung ương, nơi bác sĩ Hattori đang cộng tác, nói về người đồng nghiệp của mình: “Bốn năm - quãng thời gian không phải là nhiều nhưng những việc mà bác sĩ Hattori đã làm khiến những đồng nghiệp VN cảm thấy những gì mình dành cho người bệnh quả là quá ít ỏi. Hattori với Viện Mắt Trung ương và trong mắt những người bệnh đã không còn là bác sĩ người Nhật. Với cách sống giản dị, bình dân và bầu nhiệt huyết vì người bệnh, Hattori giờ đã thành một “bác sĩ nhãn khoa của người Việt”.

Đã có lúc bị coi là không bình thường

Với thời gian biểu nửa tháng ở Nhật và nửa tháng ở VN, bác sĩ Hattori cũng phải trải qua những giây phút căng thẳng để thuyết phục gia đình. Ông rất cần sự cảm thông của gia đình khi muốn dành nhiều công sức cho người bệnh VN. Cười rất tươi, Hattori kể: “Ban đầu mọi người cũng cho hành động của tôi là không bình thường, vì thế tôi đã phải thuyết phục rất nhiều. Dần dần gia đình cũng hiểu và thông cảm với công việc của tôi”.

Thời gian đầu sang VN, bác sĩ Hattori cho bà xã đi cùng. Nhưng với lịch làm việc kín mít từ 8 giờ đến 21 giờ thì rồi đến lúc ông cũng phải thú nhận: Gần như không có thời gian để mắt tới vợ và đành chấp nhận cảnh một chốn đôi nơi. Hattori năn nỉ vợ: “Em cứ ở Nhật Bản có lẽ sẽ dễ sống hơn cho cả hai”.

Bác sĩ Hattori nói: “Tôi cũng là một người đàn ông và tôi cũng rất muốn sống cạnh gia đình, nhưng ở VN có nhiều bệnh nhân đang chờ tôi. Cái đó tuy không phải là trách nhiệm và nghĩa vụ trực tiếp của tôi mà với lương tâm của một bác sĩ, tự tôi cảm thấy muốn giúp đỡ người bệnh, vì thế mà tôi sang VN”.

Ở Viện Mắt Trung ương, bác sĩ Hattori vừa trực tiếp phẫu thuật cho các bệnh nhân vừa hướng dẫn lại cho các đồng nghiệp VN những kỹ thuật và kinh nghiệm. Mặc dù Viện Mắt Trung ương cũng muốn gửi tiền thù lao nhưng Hattori từ chối. Ông nói rằng, mục đích của ông sang VN là để giúp đỡ chứ không phải để được trả lương.

Chẳng những không lấy thù lao, bác sĩ Hattori còn mang sang VN một số tiền lớn giúp người bệnh. Để có 200.000 USD giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, bác sĩ Hattori đã phải dùng hết những ngày nghỉ hiếm hoi của mình để làm thêm bên Nhật.

Có lẽ vì cảm phục tấm lòng của người đồng hương, tập đoàn Canon (Nhật Bản) đã quyết định trao tặng bác sĩ Hattori tiền mặt và thiết bị kỹ thuật trị giá hơn 100.000 USD nhằm giúp hiện đại hóa kỹ thuật y học ngành nhãn khoa tại VN. Bác sĩ Hattori cho biết: “Sự hỗ trợ của Canon không những giúp đỡ được các bệnh nhân, đặc biệt là các vùng nông thôn VN, nơi mà bệnh viện và các thiết bị y tế còn nghèo nàn thiếu thốn mà còn sẽ được đưa vào điều trị cho các bệnh nhân tiểu đường- căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho mắt”.

“Bệnh nhân có thiết bị, thuốc men còn tôi có thêm ngày nghỉ vì bớt phải làm thêm kiếm tiền” - ông nói.

Ở đâu có người cần giúp đỡ tôi sẽ đến

Hiện bác sĩ Hattori đang cùng các đồng nghiệp thực hiện dự án xóa mù của Chương trình Phòng chống mù lòa Đông Nam Á - Hiệp hội Phòng chống mù lòa châu Á - Thái Bình Dương ở 4 tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế và Tuyên Quang. Ông sẽ lại cùng các đồng nghiệp rong ruổi đến các tỉnh, thành này tiếp tục giúp đỡ những bệnh nhân nghèo tìm lại ánh sáng cuộc đời.

Được hỏi tại sao ông lại bỏ tiền túi của mình để chữa trị cho người dân VN chứ không phải là người dân Nhật Bản, bác sĩ Hattori tâm sự: “Trong quan niệm của tôi, người VN hay Nhật Bản đều như nhau, không có sự phân biệt nào vì tất cả đều sống chung trên trái đất”.

Vị bác sĩ nhân hậu này cho rằng, ranh giới về địa lý quốc gia chỉ có ý nghĩa nhất định nào đó và ở đâu cũng vậy, những người bất hạnh đều mong muốn sống hạnh phúc hơn. Khi được hỏi ông sẽ ở lại VN bao lâu nữa, Hattori hóm hỉnh: “Ở lại VN bao lâu là câu hỏi rất khó trả lời nhưng có một điều chắc chắn là còn sức khỏe thì còn đến VN”. Ông cũng khẳng định: “Bất kỳ ở đâu có người cần sự giúp đỡ của tôi là tôi sẽ đến”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo