xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng

Bài và ảnh: THU SƯƠNG

Ngày 2-4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Thống kê từ năm 2002, toàn quốc có 4.295 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quá trình xử lý triệt để số cơ sở này chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2003-2007, tập trung xử lý 439 cơ sở nặng nề; giai đoạn 2 từ năm 2007- 2012, xử lý các cơ sở còn lại.

 
Cơ quan chức năng lúng túng
 
Báo cáo với hội nghị, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho biết đến nay đã xử lý được 338 cơ sở, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm trong giai đoạn 1 (chiếm 77%), trong đó có 35/63 tỉnh, thành xử lý trên 75% cơ sở ô nhiễm. Thời gian xử lý giai đoạn 1 đã phát sinh 548 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, đã xử lý được 232 cơ sở (chiếm 42%).
 
Theo các địa phương, việc thực hiện Quyết định 64 đang gặp rất nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam, cho rằng các hướng dẫn của bộ, ngành hiện nay chưa rõ ràng, phù hợp dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm lớn bị lọt lưới, nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải mang tính đối phó.
 
 
img
Các lò gạch thủ công tại quận 9-TPHCM gây ô nhiễm nghiêm trọng
nhưng chậm di dời gây bức xúc cho người dân sống gần đó


Trong khi đó, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết công nghệ sản xuất cũng như xử lý chất thải hiện nay đang là vấn đề “đau đầu” của không chỉ Hà Nội mà còn của cả nước. Rất nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, không phù hợp.
 
Thừa nhận đây là một “khoảng trống” mà nhiều đơn vị đang mong mỏi, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN – MT, đề xuất chuyển đầu mối nghiên cứu công nghệ kỹ thuật xử lý chất thải từ Bộ Khoa học - Công nghệ về Bộ TN - MT vì bộ này “có quá nhiều việc”. Ngoài ra, hội nghị cũng đề cập tình trạng xử lý các doanh nghiệp thuộc bộ, ngành đóng trên địa phương còn “nể nang nhau” hoặc thiếu gắn kết giữa các bộ, ngành với địa phương, thiếu cơ chế phối hợp giữa các địa phương…
 

60% – 70% khu công nghiệp không xử lý nước thải

Ông Vũ Tiến Lực, Thứ trưởng Bộ Công an, cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, thể hiện qua 6 lĩnh vực: khu công nghiệp, làng nghề, xuất nhập khẩu, y tế,  an toàn vệ sinh  thực phẩm và bảo tồn thiên nhiên. Ông Lực cũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể: Đến 60% - 70% trong tổng số 200 khu công nghiệp trong cả nước chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải  rắn; 279 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng xả thải trực tiếp vào môi trường. Bên cạnh đó, thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện 4.000 tấn ắc-quy chì đã qua sử dụng nhập vào Việt Nam, vi phạm Công ước quốc tế về môi trường…

Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng bên cạnh việc xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm, phải xử phạt cả cơ quan chủ quản nếu đó là doanh nghiệp Nhà nước. Ông Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: “Cơ sở nào không hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm phải kiên quyết đóng cửa, nhất là doanh nghiệp Nhà nước càng phải xử lý mạnh để làm gương, như thế mới tạo được hiệu quả”.
 
Xã hội hóa xử lý ô nhiễm
 
Theo ông Đỗ Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ô nhiễm tại các bãi khai thác than rất cao, từ khâu xử lý các bãi thải đến xử lý nước thải trước khi đổ vào đầu nguồn sông, suối… Những hạn chế trong công nghệ khai thác than có yếu tố lịch sử, trong khi kinh phí để cải thiện chỉ từ ngành than thì không đáp ứng được vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
 
Vấn đề kinh phí cũng khiến nhiều địa phương trăn trở. Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm của Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh cho rằng việc xử lý ô nhiễm là trách nhiệm của các chủ phát tán nguồn thải, vì thế các cơ sở này phải chịu trách nhiệm chính về kinh phí và ngân sách chỉ là hỗ trợ. Thực tế các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã chi gần 40 tỉ đồng cho công tác khắc phục hậu quả ô nhiễm.
 
Đồng ý với quan điểm của Hà Nội, đại diện Bộ Tài chính cho rằng chủ cơ sở phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc khắc phục, xử lý ô nhiễm. Song bộ này cũng nêu rõ các quy chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến khắc phục, xử lý ô nhiễm đã có và rất “hậu”, từ thuế (doanh nghiệp, nhập khẩu thiết bị…), lãi suất ưu đãi đến hỗ trợ tài sản trên đất (80%)… “Tôi cho rằng các địa phương nên chủ động tìm nguồn xã hội hóa trong công tác xử lý ô nhiễm mà thực tế một số địa phương đã làm được,  thay vì ngồi chờ vốn ngân sách đã chi cho quá nhiều việc” - đại diện Bộ Tài chính nói.
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá việc thực hiện Quyết định 64 đã kéo dài 8 năm là quá lâu. Mục tiêu đến năm 2020 cả nước phấn đấu không còn cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng nếu không làm kiên quyết sẽ xảy ra tình trạng xử lý hết số doanh nghiệp cũ lại “mọc” thêm các doanh nghiệp ô nhiễm mới.
 
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương phải xốc vác lại công tác quản lý vì mục tiêu bảo vệ môi trường. Đồng thời cũng giao Bộ TN - MT nhanh chóng hoàn thành các văn bản hướng dẫn cũng như triển khai các kế hoạch thanh, kiểm tra việc thực hiện Quyết định 64, xử phạt thật nặng các cơ sở vi phạm để răn đe.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo