Theo Sở KHCN&MT TP, ngoài hai nguồn ô nhiễm chính là nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, chất lượng nước của lưu vực sông SG-ĐN còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước thải từ hàng vạn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trung bình mỗi ngày, sông SG-ĐN phải hứng chịu trên 852.000 m3 lưu lượng ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt với các chỉ số BOD5, COD đều cao hơn mức cho phép. Dự báo, đến năm 2005, các chỉ số này sẽ tăng ít nhất là 250 đến 400%. Sự gia tăng nồng độ của tảo Chlorophyll-a trong nước sẽ dẫn đến hiện tượng tắc lọc trong quá trình xử lý nước tại các nhà máy (tình trạng này đã xảy ra tại Nhà máy Nước Thủ Đức). Ngoài ra, sự gia tăng ô nhiễm bởi các chất hữu cơ sẽ đẩy chi phí xử lý nước lên, giá thành một mét khối nước sẽ tăng đáng kể. Riêng hệ thống sông rạch trên địa bàn huyện Cần Giờ đang là nơi tiếp nhận toàn bộ chất thải như xăng dầu, những hóa chất độc, nguy hại từ hoạt động của hàng chục ngàn phương tiện vận tải thủy qua lại mỗi năm. Sự ô nhiễm này có khả năng tác động xấu đến vùng rừng sinh thái và ngập mặn ven biển. Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Văn Tri cho biết, tình trạng ô nhiễm đáng báo động của Cần Giờ sẽ được báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp tới nhằm tìm ra những giải pháp khắc phục thật cụ thể. Ông Tri cũng nhấn mạnh, trước mắt TP nên tập trung giải quyết ô nhiễm hệ thống kênh rạch để giảm bớt khả năng gây ô nhiễm nguồn nước chung. Hôm nay, 23-10, đoàn tiếp tục khảo sát thực tế tại khu vực sông Đồng Nai.
Bình luận (0)