xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ô tô, xe máy sẽ được chạy nhanh hơn

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nhiều chuyên gia giao thông và doanh nghiệp vận tải cho rằng việc điều chỉnh tăng tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới lưu thông trên đường trong điều kiện hạ tầng đã được cải thiện là đem lại nhiều lợi ích

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư nhằm thay thế Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17-7-2009 của Bộ trưởng Bộ GTVT “Quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ”. Dự thảo sẽ lấy ý kiến đến hết ngày 25-10.

Tăng bình quân 10 km/giờ

Theo dự thảo, quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, tốc độ phương tiện sẽ được căn cứ theo hiện trạng đường và loại phương tiện. Tuy nhiên, tốc độ dự kiến sẽ tăng là 10 km/giờ với mỗi loại đường khác nhau (trừ đường cao tốc).

Việc sửa đổi Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT giúp tăng tốc độ bình quân mỗi loại đường là 10 km/giờ. Trong ảnh: Quốc lộ 1 qua tỉnh Đồng Nai được nâng cấp, lắp dải phân cách cứng
Việc sửa đổi Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT giúp tăng tốc độ bình quân mỗi loại đường là 10 km/giờ. Trong ảnh: Quốc lộ 1 qua tỉnh Đồng Nai được nâng cấp, lắp dải phân cách cứng

Cụ thể, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường trong khu vực đông dân cư là 60 km/giờ đối với đường đôi (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên; 50 km/giờ đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới. Quy định hiện hành là 40-50 km/giờ tùy loại phương tiện.

Ngoài khu vực đông dân cư, theo dự thảo, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông được điều chỉnh: ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn có thể được chạy với tốc độ tối đa 90 km/giờ (đường đôi có dải phân cách giữa; đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên) và 80 km/giờ (đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có 1 làn xe cơ giới). Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn có thể được chạy tối đa 80 km/giờ (đường đôi có dải phân cách giữa; đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên) và 70 km/giờ (đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có 1 làn xe cơ giới).

Ô tô buýt, ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, ô tô chuyên dùng, mô tô được quy định tốc độ tối đa lần lượt là 70 km/giờ và 60 km/giờ; ô tô kéo rơ-moóc, ô tô kéo xe khác, xe gắn máy được quy định tốc độ tối đa lần lượt theo loại đường là 60 km/giờ và 50 km/giờ.

Đối với các loại xe cơ giới khác như máy kéo, các loại xe tương tự, xe máy chuyên dùng và xe đạp máy thì tốc độ tối đa không quá 40 km/giờ trên mọi đoạn đường, kể cả trường hợp có biển hạn chế tốc độ có giá trị lớn hơn 40 km/giờ (quy định hiện nay tối đa không quá 30 km/giờ).

Trên các tuyến cao tốc, người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ nhưng không vượt quá tốc độ tối đa cho phép là 120 km/giờ. Riêng ô tô trên 30 chỗ ngồi, xe buýt, xe tải (có trọng tải trên 3,5 tấn), xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc, xe chuyên dùng, xe kéo rơ-moóc, ô tô kéo xe khác không được phép chạy quá 100 km/giờ, kể cả trường hợp có biển hạn chế tốc độ có giá trị lớn hơn 100 km/giờ.

Không gây tăng tai nạn giao thông

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho rằng sau 6 năm thực thi Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT và cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, của phương tiện đã nảy sinh một số bất cập cần điều chỉnh, như: chưa quy định rõ tốc độ tối đa cho phép đối với từng loại đường, đặc biệt là đường cao tốc, đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều; tình trạng đường sá đã được đầu tư cải tạo nâng cấp, chất lượng mặt đường tốt hơn; phương tiện tham gia giao thông có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, hệ thống an toàn, hệ thống phanh, điều khiển hiện đại hơn.

“Cần quy định rõ cách xác định tốc độ tối đa cho phép làm căn cứ cắm biển hạn chế tốc độ để các cơ quan quản lý đường bộ thực hiện thống nhất. Ngoài ra, việc chia thành hai nhóm tốc độ 40 km/giờ và 50 km/giờ trên đoạn đường trong khu vực đông dân cư như quy định cũ dẫn đến thao tác vượt xe nhiều trong điều kiện đường sá đông đúc tiềm ẩn nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông, kìm hãm năng lực thông hành chung” - ông Huyện nói.

Ông Huyện khẳng định việc điều chỉnh tăng tốc độ trong dự thảo hoàn toàn theo thiết kế và sẽ không gây tăng tai nạn giao thông.

“Tổng cục Đường bộ cũng cập nhật tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra, nhất là trên đường cao tốc thì phần lớn nguyên nhân không phải chạy quá tốc độ mà chủ yếu do các tình huống lái xe xử lý không đúng” - ông Huyện nói.

Cục CSGT sẽ có ý kiến

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 21-10, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (C67, Bộ Công an), cho biết Bộ GTVT đã gửi dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT sang C67 để xin ý kiến. C67 sẽ nghiên cứu và cho ý kiến dựa trên các cơ sở khoa học cũng như căn cứ vào thực tiễn của giao thông tại các đô thị. Ng.Quyết

 

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông:

Sau điều chỉnh phải giám sát chặt chẽ

Hoan nghênh việc sửa đổi mà Bộ GTVT đang lấy ý kiến bởi mục tiêu là vừa bảo đảm an toàn giao thông vừa giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí khi di chuyển cũng như vận chuyển được nhanh hơn, thuận lợi hơn. Việc điều chỉnh tốc độ là hợp lý.

Trong thực tế, cơ quan quản lý đều hạ tốc độ khai thác ở hầu hết các tuyến đường thấp hơn tốc độ thiết kế, có thể là do những năm trước kinh tế khó khăn, việc bảo trì không tốt nên hạ tốc độ để hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, xu hướng chung của thế giới là trong quá trình khai thác, họ đo độ nhám, tình hình tai nạn nhưng tựu trung là điều chỉnh tăng tốc độ khai thác chứ không hạ. Mục đích của việc này là để giảm chi phí cho phương tiện vận tải vì thời gian giảm, phát huy hiệu quả con đường cao hơn.

Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh tăng tốc độ thì việc quản lý cần được giám sát chặt hơn nhằm nâng cao trách nhiệm của ngành giao thông để bảo đảm phát huy hiệu quả của chính sách. Trên thế giới, trước khi điều chỉnh tăng tốc độ, họ sẽ điều tra, khảo sát về tình hình tai nạn giao thông. Sau khi điều chỉnh tăng tốc độ, họ tăng cường thiết bị công nghệ để quản lý thiết bị giám sát hành trình nhằm theo dõi, phân tích dữ liệu giao thông; camera phạt nguội và các phần mềm quản lý giao thông mới. Làm được như vậy, chúng ta vừa phát huy hiệu quả kinh tế vừa có dữ liệu một cách khoa học để bảo đảm an toàn giao thông.

Khi tăng cường thiết bị công nghệ giám sát, nếu xảy ra tai nạn giao thông thì sẽ phân tích được nguyên nhân vì sao, có phải do tốc độ hay do nguyên nhân nào khác, tránh đổ thừa lẫn nhau.

Ông KHÚC HỮU THANH HẢI, GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP VẬN TẢI, THƯƠNG MẠI

VÀ DỊCH VỤ ĐẤT CẢNG (HẢI PHÒNG):

Nhiều lợi ích thiết thực

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc điều chỉnh tăng tốc độ tối đa của xe cơ giới ở các loại đường khác nhau. Cơ sở hạ tầng giao thông trong những năm qua đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nên tốt lên rất nhiều. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng tốc độ xe cơ giới rất có lợi cho dân, doanh nghiệp vận tải và toàn xã hội. Khi tốc độ điều chỉnh theo hướng tăng, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí nhiên liệu, thời gian quay đầu xe nhanh hơn, tăng khả năng chuyên chở nên doanh thu cũng sẽ tăng.

Anh Nguyễn Văn Thông, lái xe ở quận Tây Hồ (Hà Nội):

Đỡ bị phạt oan

Tai nạn giao thông do nhiều nguyên nhân, có chủ quan và khách quan, không phải vụ nào cũng do lái xe chạy quá tốc độ. Những năm gần đây, nhiều tuyến đường được cải tạo, nâng cấp, làm mới như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên… đã giúp hạ tầng có chất lượng tốt hơn nhiều, cơ quan quản lý cũng đã lắp dải phân cách cứng trên các tuyến đường để giảm tai nạn giao thông. Vì vậy, việc dự thảo cho phép tăng bình quân 10 km tốc độ tối đa trên những tuyến đường (trừ cao tốc) là hợp lý và mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng tốc độ ở ngoài khu vực đông dân cư sẽ giúp lái xe đỡ bị phạt oan khi đường thì rất tốt, thưa dân mà phải chạy tốc độ “rùa bò” khiến chúng tôi tốn thời gian, chủ xe thì thiệt hại vì tăng chi phí nhiên liệu và tăng thời gian vận chuyển hàng.

Nguyễn Thế ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo