Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM): Bảo đảm quyền của bị can, bị cáo
Trong một vụ án hình sự, thông thường, những sai sót đều nằm ở giai đoạn điều tra. Trong giai đoạn này, nếu cơ quan điều tra (CQĐT) làm tốt, viện kiểm sát giám sát chặt chẽ theo đúng chức năng thì sai sót sẽ ít xảy ra và tạo thuận lợi cho quá trình xét xử.
Pháp luật hiện quy định đầy đủ người bị tạm giữ có quyền mời luật sư trong vòng 24 giờ, tạm giam trong vòng 3 ngày. Nhưng trên thực tế, quyền này trong nhiều trường hợp không được bảo đảm. Khi chưa có quyết định khởi tố bị can, các cơ quan tiến hành tố tụng nhiều nơi không tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, bị can trong việc nhờ người bào chữa. Chưa kể, cơ quan tố tụng có định kiến, thành kiến đối với bị can, bị cáo, không theo tư duy suy đoán vô tội.
Hơn nữa, việc tranh tụng tại phiên tòa cũng bị hạn chế bởi tình trạng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, như: nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án, nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa. Một số thẩm phán còn hạn chế thời gian trình bày lời bào chữa của bị cáo hoặc người bào chữa; không yêu cầu kiểm sát viên đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, chỉ chú ý tới chứng cứ buộc tội do viện kiểm sát đưa ra...
Dù là biện pháp nào đi nữa, quan trọng và trên hết phải là bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ, đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội một cách triệt để. Một khi quyền bào chữa của bị can, bị cáo không được bảo đảm thì sẽ mất đi tính đối trọng cần thiết giữa chức năng “buộc tội” và “gỡ tội” - yếu tố quan trọng góp phần cho HĐXX ra được những bản án khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM):Ghi hình hoạt động hỏi cung
Hiện nay, việc tiến hành hỏi cung diễn ra giữa cán bộ điều tra với bị can ít có sự giám sát của người thứ ba. Hầu hết hoạt động tố tụng của CQĐT, kiểm sát viên, thẩm phán hoặc luật sư biết được thông qua biên bản hỏi cung bị can hoặc bản tự khai của bị can (viết dưới sự giám sát của cán bộ điều tra).
Một số trường hợp, cán bộ điều tra do hạn chế về năng lực hoặc nôn nóng muốn kết thúc sớm việc điều tra đã ép cung, dùng nhục hình bắt bị can khai theo ý của mình hoặc theo định hướng điều tra. Bản thân bị can bị tạm giam, bị hạn chế về nhiều mặt nên có người phải nhận tội với suy nghĩ ra tòa sẽ phản cung. Nhưng trước câu hỏi của HĐXX: “Bị cáo có chứng cứ gì để chứng minh bị ép cung?”, họ đều không thể trả lời, vì vậy việc kêu oan bất thành mà còn bị gán cho “tội” ngoan cố, không được hưởng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” theo điểm p, khoản 1, điều 46 Bộ Luật Hình sự.
Đối với bị can bị khởi tố về tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình; bị can là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, luật sư được mời tham gia trong giai đoạn điều tra. Thế nhưng, việc này thường diễn ra sau khi CQĐT đã tiến hành hỏi cung bị can. Sự có mặt của luật sư thường ở giai đoạn chuẩn bị kết thúc điều tra nên mang nặng tính hình thức hơn là có ý nghĩa chứng minh tội phạm.
Đối với những vụ án mà người nhà bị can mời luật sư tham gia tố tụng lại càng phức tạp. Dù gần đây, nhiều CQĐT đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư từ giai đoạn điều tra, tạo điều kiện cho luật sư được tham dự các buổi hỏi cung nhưng vẫn còn không ít trường hợp luật sư bị làm khó. Câu trả lời luật sư thường nhận được là: “Bị can từ chối luật sư”. Việc điều tra viên “hỏi” bị can có cần luật sư hay không chỉ diễn ra giữa điều tra viên và bị can, luật sư không được dự nên sự thật về những lời từ chối của bị can vẫn là những dấu hỏi.
Ngoài ra, Bộ Luật Tố tụng Hình sự trong lần sửa đổi tới đây cần quy định sự có mặt của luật sư trong hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can (kể cả bị can tại ngoại) là bắt buộc; người bị tạm giữ hình sự, bị can có quyền từ chối làm việc với điều tra viên, kiểm sát viên nếu không có sự hiện diện của luật sư.
Kỳ tới: Chấn chỉnh hoạt động tố tụng
Bình luận (0)