Ông Nguyễn Phúc Khang, ngụ TP Cần Thơ, cho biết đang canh tác hơn 30 công ruộng và hằng năm, mỗi công đất phải chịu 200.000 đồng tiền bơm rút nước, 6.000 đồng thủy lợi phí, 10.000 đồng quỹ phòng chống lụt bão, 70.000 đồng hùn vốn mua đất làm đê bao chống lũ, hơn 250.000 đồng phí làm đường nông thôn…
Phí chồng phí
Vụ hè thu hằng năm, nông dân còn tốn thêm nhiều chi phí so với bình thường. Chẳng hạn như tiền công gặt tăng lên 2-3 lần (từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/công). Chưa kể tiền công vận chuyển, phơi sấy… Những hộ nghèo có ít vốn đầu tư sản xuất là những người nặng gánh hơn vì phải chịu cả lãi vay vốn ngân hàng lẫn lãi từ tiền mua vật tư nông nghiệp (1,8% đến 2%). Tính ra, nếu giá lúa dưới 5.000 đồng/kg thì sau mỗi vụ mùa, nông dân chỉ hy vọng hòa vốn là đã quá mừng.
Một nắng hai sương vất vả làm ra hạt lúa nhưng nông dân khó mà khá lên được vì gánh nặng thuế, phí. Ảnh: CA LINH
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, người nuôi cá tra ở An Giang, nỗi lo hiện nay của người nuôi cá là việc thức ăn bị đánh thuế GTGT quá cao (5%). “Diện tích nuôi cá tra của gia đình tôi là 1,5 ha. Để đạt sản lượng 1.000 tấn, tôi phải tốn khoảng 1.600 tấn thức ăn tương đương 17,6 tỉ đồng (giá thức ăn cá tra hiện là 11.000 đồng/kg). Với số lượng thức ăn đó, tôi bị đánh thuế khoảng 880 triệu đồng” - ông Nguyên nói và tỏ ra bức xúc về việc doanh nghiệp nuôi cá thì được khấu trừ tiền thuế GTGT còn nông dân thì không.
Ông Lê Văn Nước, ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang cho biết vừa qua, gia đình ông tốn 3 triệu đồng để trả tiền kiểm mẫu cho một ao cá tra chuẩn bị thu hoạch, tăng gấp đôi so với trước đây. “Chỉ vì vài chỉ tiêu về kháng sinh không đạt yêu cầu của công ty thu mua cá mà tôi phải trả tiền kiểm mẫu đến lần thứ hai. Thời gian chờ đợi tái kiểm, cá giữ lại trong ao phải tốn thêm chi phí thức ăn, tiền điện, tiền nhân công… trong khi giá cá chỉ 23.000 đến 23.500 đồng/kg, thấp hơn giá thành chăn nuôi khoảng 2.000 đồng/kg thì làm sao cầm cự nổi” - ông Nước nói.
Không thể phát triển nổi
Người nuôi cá tra điêu đứng vì giá thức ăn ngày một tăng và chịu thuế nhiều. Ảnh: CA LINH
Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành - Tiền Giang), tính toán: “Ngoài đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 25% hằng năm, nếu thu mua 1 tấn vú sữa (giá 30.000 đồng/kg) thì phải đóng thuế GTGT 1,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, 1 tấn vú sữa chỉ còn lãi 500.000 đồng. Một tấn vú sữa phải gánh 2 loại thuế với số tiền gần 1,7 triệu đồng. Cứ áp dụng thuế như hiện nay thì HTX không thể nào phát triển nổi”.
Còn ông Nguyễn Văn Điền, chủ cơ sở thu mua trứng ở xã Đại Ân II, huyện Trần Đề - Sóc Trăng, phân tích: “Một quả trứng trước khi đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều loại phí, riêng phí kiểm dịch đã có 4 loại, gồm: kiểm tra lâm sàng, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêu độc sát trùng phương tiện vận chuyển, hóa chất phun xịt… Từ đó, giá trứng làm sao mà rẻ được?
Đã ngặt lại thêm nghèo! Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, rất khó để bảo đảm cho nông dân đạt lợi nhuận 30% từ trồng lúa (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ) vì giá luôn bấp bênh, biến động và hàng loạt loại phí. Trong đó có những khoản hết sức vô lý như đã thu tiền phòng chống lụt bão lại còn phải hùn tiền mua đất làm đê bao chống lũ để sản xuất lúa vụ 3. TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cũng cho rằng nông dân đã ngặt lại thêm nghèo là do quá nhiều thuế, phí. Ngay cả các sản phẩm đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu hay thức ăn trong nuôi trồng thủy sản cũng phải chịu phí do phải qua quá nhiều khâu trung gian trước khi đến tay người sử dụng. |
Kỳ tới: GTVT “chở” 13 loại thuế, phí
Bình luận (0)