xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ðời phu khuân vác

VĨNH TÙNG

Tâm sự: Nhiều phu khuân vác bộc bạch: Ðiều đáng sợ nhất với họ là khi về già. Do phải làm việc với cường độ cao, có khi phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, nhưng ăn uống kham khổ, nên về già nhiều phu khuân vác thường mắc bệnh hậu như: lao phổi, tiêu ra máu, đau nhức cột sống.

Trong cái nóng oi bức của tiết trời tháng 7, dọc bến sông Trần Văn Kiểu (quận 5, 6 - TPHCM), nhịp sống vẫn diễn ra nhộn nhịp.  Những chiếc ghe bầu từ lục tỉnh chở đầy ắp hàng nông sản cứ liên tục nối đuôi nhau cập bến để xuống hàng. Tiếng phu khuân vác (PKV) gọi nhau í ới làm không khí bến sông thêm rộn rịp.

 

Chúng tôi theo chân anh Phạm Công Tiến, quê ở huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An, với lời dặn dò: Nếu ai có hỏi, cứ nói đại là em của tôi ở dưới quê lên thăm, không thì rầy rà đó nghe! Áo vắt trên vai, mặc độc một chiếc quần cụt, Tiến xăng xái bắt đầu với công việc. Với vóc dáng to khỏe kiểu lực điền, vác trên vai bao gạo nặng trên 150 kg, Tiến vẫn bước đi băng băng. Theo sau Tiến, từng PKV với cái lưng bóng lưỡng nối bước khiến miếng gỗ dài nối thuyền và bờ cứ nhịp nhịp liên tục. Chỉ trong vòng non 1 giờ đồng hồ, ghe gạo nặng hơn 5 tấn đã được bốc vào kho. Trong lúc chờ cai thầu tính công, tốp PKV chủ động tản vào bóng râm ngồi uống nước và tán dóc. Rít thật sâu một hơi thuốc, Tiến nói: “Nghề này là vậy! Khi có hàng thì làm bất kể giờ giấc. Mình không làm thì người khác cũng làm hà”.

 

Cực lắm ai ơi!.- Người đến với nghề khuân vác đủ mọi thành phần, thường là lao động nghèo, cũng có khi là viên chức bị giảm biên, bộ đội xuất ngũ, nhưng nhiều nhất vẫn là lao động nông nhàn từ các tỉnh miền Tây. Không ai biết đích xác nghề này có từ khi nào, nhưng theo lời của chú Tám Hơn, một người có hơn 20 năm trong nghề thì có lẽ cùng tuổi thọ với mấy cái nhà kho cũ kỹ được người Hoa xây dựng dọc hai bến sông. Họ chẳng cần lục tìm nguồn gốc, chỉ biết rằng nhiều người lấy đây làm kế sinh nhai thực thụ hay chí ít cũng để kiếm thêm chút đỉnh sau việc đồng áng ở quê. Sau nữa, thủ tục xin việc cũng chẳng khó: Chỉ cần người quen giới thiệu (nếu là dân nhập cư) hoặc nộp sơ yếu lý lịch (người TP).

Sức khỏe dẻo dai là yêu cầu đầu tiên để có thể theo nghề và cũng chỉ vậy mới có thể chịu đựng cường độ lao động cao,  diễn ra liên tục trong nhiều giờ. Anh Phan Văn Trương, 41 tuổi, quê ở Ðức Hòa, tỉnh Long An, cho biết anh đã vào nghề gần 6 năm. Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng là phải có mặt ở bến để tổ trưởng bố trí công việc. Trung bình mỗi ngày anh làm 12 giờ. Nhiều hôm hàng nhiều làm đến 11-12 giờ đêm là chuyện bình thường. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều anh em PKV tâm sự: Cực chẳng đã mới vô nghề. Vì do yêu cầu muốn giải phóng tàu nhanh của chủ hàng, bất kể trời mưa hay nắng, PKV cũng phải làm việc cật lực. Dịp Tết, khi hàng nông sản đổ lên TP nhiều, công việc càng vất vả. Có khi PKV phải làm việc liên tục 24 giờ trong ngày. Do đó, nếu ai không biết cách giữ gìn sức khỏe thì khó lòng trụ nổi. Nhớ lại những ngày đầu, anh Nguyễn Lạc Chung, 30 tuổi, quê ở huyện Vị Thủy, tỉnh Cần Thơ, vẫn còn ngán ngẩm: “Ỷ mình là dân làm ruộng, lúc đầu tôi làm hăng lắm. Nhưng tối về, mình mẩy đau ê ẩm, dậy không muốn nổi”. Hơn một tháng sau, Chung mới quen dần công việc của mình. Không ít PKV vì quá ham công mà cố hết sức làm. Ðến khi xong lê bước về nhà không nổi, đành ngủ tạm trên ghe hàng chờ trời sáng.

 

Bấp bênh và rủi ro.-  PKV thường tập trung lại thành từng nhóm (từ 15 đến 60 người), chỉ định một người có uy tín làm tổ trưởng chịu nhiệm vụ “thương lượng” với chủ hàng và phân chia tiền công. Sau ngày làm nộp lệ phí bến bãi xong, toàn bộ số tiền công được chia đều cho anh em trong tổ. Công việc nặng nhọc là vậy, nhưng thu nhập của PKV lại hết sức bấp bênh. Anh Chung cho biết: Ngày hàng nhiều, làm giỏi lắm thì kiếm được gần 100.000 đồng. Bữa nào “hẻo” quá thì từ 15.000- 20.000
đồng, tạm đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày. Nửa năm trở lại đây, khi các tỉnh miền Tây có thể trực tiếp xuất khẩu gạo và một số hàng hóa nông sản khác mà không phải qua trung gian, lượng hàng hóa về TP càng ít, đời sống PKV càng khó khăn hơn. Anh Nguyễn Hữu Minh, 45 tuổi - người có thâm niên hơn 17 năm trong nghề, nói vui: Ðã là PKV thì đừng mong làm giàu, đủ ăn là mừng rồi. Gia đình tôi hai đời làm nghề khuân vác có ai giàu đâu. Như để chứng minh, anh Minh liền dẫn chúng tôi đi thăm “nhà” của mình. Hóa ra, đó chỉ là một cái chốt dân phòng bằng gỗ rộng hơn 8 m2 được xây dựng tạm bợ trên bến sông ở phường 1, quận 6, TPHCM. Tương tự là trường hợp của anh Trần Danh Nhận ở phường 13, quận 5 - TPHCM. Hơn 1 năm nay, do hàng hóa quá ít, anh phải chạy xe ôm kiếm thêm mới đủ đắp đổi qua ngày. 14 năm trong nghề, nghèo vẫn hoàn nghèo. Ðiều anh quan tâm là cuối tháng 8 này, TP tiến hành giải tỏa toàn bộ nhà ven bến sông để làm đường Ðông- Tây, không biết cuộc sống mai này sẽ ra sao. Anh Nguyễn Lạc Chung cho biết: Ðể có thể trang trải chi phí sinh hoạt cho vợ và 2 con ở TP, cả tháng nay, vào ngày cuối tuần, anh phải đón xe ra tận Khu Công nghiệp Ðồng An, tỉnh Bình Dương để làm thêm. Với những PKV xa quê kiếm sống như anh Phan Văn Trương, chỗ ngả lưng qua đêm của anh là cái nền nhà kho trống ven bến sông. Chung và bạn bè chỉ phải trả 2.000 đồng/ngày để thuê chỗ ngủ. Xem ra, đó cũng  là cách tốt nhất để anh và bạn bè  tiết kiệm tiền.

Làm quanh năm chỉ đủ ăn, nên hầu hết PKV không có dư để dành dụm. Rủi ro khác là tai nạn lao động, như chuyện té sông, té từ trên xe xuống đất xảy ra như cơm bữa. Hiểu được hoàn cảnh và cực nhọc nghề, ở một số tổ bốc xếp đã hình thành quỹ trợ giúp anh em khi hữu sự. Do kinh phí hạn hẹp nên quỹ trên chỉ có tác dụng động viên là chính, còn lại phải tự bỏ tiền túi ra chữa trị.

 

Một thực trạng đáng buồn khác là nạn cai đầu dài ở các bến bãi. Lợi dụng sự quản lý chưa nghiêm, một số phần tử xấu đã tự lập nhóm, hù dọa chủ hàng phải thuê mướn lực lượng bốc xếp của mình, tạo “lãnh địa riêng” để tự tung tự tác, chèn ép PKV. Gần đây nhất, Nghiệp đoàn Bốc xếp phường 2, quận 6-TPHCM đã có công văn gởi lãnh đạo địa phương về việc xuất hiện của một nhóm bốc xếp mới hoạt động theo kiểu xã hội đen ở khu vực đường Chu Văn An và Tháp Mười.

Qua khảo sát ban đầu của chúng tôi, chỉ tính riêng tại khu vực phường 13, quận 5 và phường 1, quận 6 - TPHCM, đã có trên 15 tổ bốc xếp hoạt động. Ðể hạn chế tình trạng cai đầu dài, chèn ép PKV, từ nhiều năm nay, UBND các phường đều đặt các tổ bốc xếp này dưới sự quản lý của công an địa phương. Các tổ này đều hoạt động theo kiểu tự quản. Tuy nhiên, việc quản lý các tổ này chỉ mang ý nghĩa tương đối vì trong thực tế, nội bộ nhiều tổ vẫn bộc lộ không ít dấu hiệu bất ổn, rõ rệt nhất là phân chia tiền công, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập PKV. Thời gian gần đây, ở các khu vực quanh chợ Bình Tây, hoạt động bốc xếp tái xuất hiện tình trạng tranh giành hàng hóa giữa các nhóm, đánh nhau gây thương tích. Thực trạng này không chỉ gây xáo trộn tình hình an ninh trật tự địa phương, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống các PKV kiếm sống lương thiện.

 

 

 Ý KIẾN

 

Ông Phạm Minh Thắng, Phó Ban Tổ chức LÐLÐ TPHCM:

Nên tập hợp PKV vào nghiệp đoàn”

Ðặc điểm của PKV là lao động tự do, kiếm sống bằng hình thức lao động giản đơn. Việc thành lập các nhóm bốc xếp tự quản hiện nay chỉ có tác dụng quản lý trật tự và chỉ có ý nghĩa trong một giai đoạn nhất thời, về lâu dài khó có thể tồn tại. Theo tôi, nghiệp đoàn (NÐ) là mô hình khả thi nhất để tập hợp và bảo vệ quyền lợi những người hành nghề bốc vác. Với việc gia nhập NÐ, PKV sẽ được đảm bảo đầy đủ các quyền lợi tối thiểu; được giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng.

 

Bà Lê Thị Vuôn, Chủ tịch LÐLÐ quận 6, TPHCM:

Thiết lập quy chế phối hợp với chính quyền để hoạt động”

Chúng tôi hiểu rất rõ đời sống của anh em khuân vác ở trên địa bàn, do đó LÐLÐ quận đã có kế hoạch thành lập NÐ. Ðặc điểm của mô hình NÐ là không có chính quyền đồng cấp. Do đó, muốn duy trì hoạt động, nhất thiết phải thiết lập quy chế phối hợp hoạt động với UBND các phường. Ðây cũng là điều kiện cần để duy trì hoạt động các NÐ. Trong thực tế, các NÐ hoạt động được trên địa bàn quận hiện nay đều xây dựng quy chế này.

 

Bà TẠ THỊ THỜI, Chủ tịch NÐ Bốc xếp chợ Mai Xuân Thưởng:

Gia nhập NÐ, PKV được đảm bảo quyền lợi”

Bằng việc thiết lập quy chế phối hợp hoạt động với Ban Quản lý chợ, NÐ được tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi, đưa hoạt động bốc xếp vào nền nếp. Ngoài việc được ký hợp đồng lao động, hiện 109 lao động tại NÐ còn được đảm bảo thu nhập (trên 2 triệu đồng/người/tháng) và một số chế độ phúc lợi khác (cấp đồng phục, khám sức khỏe, nghỉ mát hàng năm, bảo lãnh vay vốn CEP làm kinh tế phụ gia đình). Ðặc biệt, khi gặp hữu sự, đoàn viên còn được trợ cấp; về hưu do mất sức lao động còn được hưởng một khoản trợ cấp nhất định.   V.T

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo