Thuế môi trường thu được 11.160 tỉ đồng vào năm 2012, đã tăng lên 42.393 tỉ đồng vào năm 2016. Trong khi đó chi cho bảo vệ môi trường lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỉ đồng năm 2012 lên 12.290 tỉ đồng năm 2016. Đáng ngại hơn, người dân không biết cụ thể khoản chi này vào việc gì, hiệu quả ra sao và số tiền còn lại được sử dụng như thế nào, ai quản lý?.
Ô nhiễm môi trường hiện nay rất đáng ngại, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Nha Trang... Nặng nề nhất chính là ô nhiễm không khí. Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào ngày 17-2 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải thừa nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã đến mức báo động đỏ. Minh chứng cho nỗi lo ngại trên, báo cáo chất lượng không khí Việt Nam 2016 của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam công bố đầu tháng 1-2017 cho thấy bức tranh tổng thể về không khí ở Hà Nội và TP HCM rất đáng báo động. Chỉ số AQI (chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe) và nồng độ bụi PM 2.5 (bụi có đường kính động học ≤2,5µm) đều vượt tiêu chuẩn quốc gia và thế giới.
Trước thực tế này, các nhà quản lý đã làm gì để ngăn chặn khi trong tay có cả đống tiền? Hầu như không thấy giải pháp nào được đưa ra chứ đừng nói đến biện pháp cụ thể triển khai trên thực tế. Trước mấy chục ngàn tỉ đồng trên, chỉ nghe các quan chức thao thao hô khẩu hiệu: “Phải giảm ô nhiễm môi trường”, “Làm trong sạch bầu khí quyển”, “Quyết tâm xây dựng môi trường sống lành mạnh”... nhưng biện pháp cụ thể mà người dân mong ngóng từng ngày thì chẳng thấy đâu.
Một thành phố hiện đại nhưng ngày ngày chúng ta phải chạy cùng những xe chở rác bốc mùi hôi thối khắp phố phường. Những chiếc xe ba gác ngập rác, rơi vãi trên đường chẳng lạ gì trong mắt mọi người. Thậm chí rất nhiều các tỉnh, thành từ Nam chí Bắc còn chưa có nhà máy xử lý rác thải hiện đại. Rác được thu gom rồi chôn lấp. Sau một thời gian, bãi rác ngày càng phình to, rỉ rác nhuốm đặc các xóm làng, khu dân cư, mùi hôi thối tỏa khắp nơi nhưng giải pháp chống ô nhiễm vẫn còn nằm trong “ý tưởng” của các cán bộ lãnh đạo.
Thuế cao tất nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và cuộc sống của người dân. Dù cho Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rất hồ hởi và có đủ lý do để bảo vệ quan điểm này nhưng không thể phủ nhận thực tế thuế càng cao thì túi tiền của người dân càng eo hẹp và mức sống của họ sẽ càng thấp.
Mọi chuyện đã được các cơ quan chức năng quyết định nên không thể thay đổi. Thế nhưng người dân có quyền đặt câu hỏi họ bị đóng thuế cao như thế thì cơ quan chức năng làm gì để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ? Không có câu trả lời cho vấn đề trên thì người dân có quyền nghi ngờ về sự minh bạch trong việc sử dụng nguồn tiền này.
Đây là nguồn tiền dùng để bảo vệ môi trường, xin đừng quên và đừng cố tình sử dụng nó vào mục đích khác.
Bình luận (0)