Hai tháng trước, chị Trần Mai Anh, mẹ nuôi của “chú lính chì” Thiện Nhân, vui mừng khoe với chúng tôi: “Thiện Nhân đã có bộ phận sinh dục”. Sau khi gặp được bác sĩ Robeto De Castro người Ý cách đây một năm và được phẫu thuật tại Bệnh viện Bologne, Thiện Nhân tìm lại được thứ mà mọi bé trai sinh ra trên đời lẽ ra đều phải có.
Suýt thành… bé gái !
Bốn năm trước, chuyện một cậu bé bất hạnh ở huyện Núi Thành - Quảng Nam bị mẹ bỏ rơi và bị súc vật cắn đứt một chân lẫn bộ phận sinh dục khiến dư luận bàng hoàng.
Vợ chồng anh Phùng Quang Nghinh và chị Trần Mai Anh ở Hà Nội đã đón cậu bé ấy về nuôi và đặt tên là Thiện Nhân với tâm niệm duy nhất: Cứu giúp đứa trẻ này là một việc thiện mà con người ta phải làm.
Khi Thiện Nhân lớn lên, những thắc mắc trẻ con của cậu bé nhiều lần khiến chị Mai Anh rớt nước mắt. Có lần bé hỏi: “Mẹ ơi, sao con không có cái đó như anh Thiên Minh và anh Hải Minh (hai con ruột của chị Mai Anh - PV)?”. Những lần như thế, chị Mai Anh đều an ủi: “Không phải không có, cái của con mọc chậm hơn các anh thôi.
Sau này con sẽ có mà”. Điều đó thôi thúc chị Mai Anh làm một điều gì đó để bù đắp cho cậu con nuôi tội nghiệp, giúp bé không quá thiệt thòi và mặc cảm trước bạn bè.
“Lúc đầu, tôi không bao giờ dám nghĩ là sẽ tìm lại bộ phận sinh dục cho con. Tôi như người mò mẫm trong đêm tối với hy vọng và niềm tin mong manh, chưa biết đâu là cái đích phải đến”- chị Mai Anh kể lại.

Chị Mai Anh, bác sĩ De Castro và bé Thiện Nhân (từ trái sang)
Từ năm 2008, chị Mai Anh đã bắt đầu hành trình tìm lại bộ phận sinh dục cho con, đầu tiên là qua Thái Lan, Singapore, tiếp đó sang Úc, Đức rồi cả Mỹ. Tất cả những nơi chị Mai Anh đi qua dù có đưa ra được giải pháp hay không cho vấn đề của bé Thiện Nhân thì người phụ nữ này vẫn không lụi tắt hy vọng.
“Ở Thái Lan, các chuyên gia phẫu thuật giới tính hàng đầu nói với tôi rằng nên để Thiện Nhân trở thành một bé gái. Tôi không hề muốn điều đó vì con mình sinh ra là con trai nhưng thú thực đã có lúc tôi thoáng nghĩ hay là biến Nhân thành con gái”- chị Mai Anh tâm sự.
Cuối năm 2010, chị Mai Anh được các bác sĩ ở Mỹ giới thiệu một công trình khoa học về tái tạo bộ phận sinh dục của bác sĩ De Castro. Chị Mai Anh như người đang bơi giữa đại dương đã đuối sức thì tìm được chiếc phao cứu sinh.
Thiện Nhân được đưa sang Ý phẫu thuật vào đầu năm 2011 và đến thời điểm này, chị Mai Anh đã có thể tự hào mà khoe rằng: “Thiện Nhân đã có bộ phận sinh dục nhưng không phải là thứ giả lắp đặt. Bộ phận sinh dục mới của Nhân là máu thịt, được nối với các dây thần kinh, tạo được cảm giác cho cậu bé và sẽ lớn lên cùng với Nhân”. Lần nào khoe xong chuyện ấy, hai khóe mắt của chị cũng đỏ hoe.
Ngoài sức tưởng tượng
Biết tin Thiện Nhân đã tái tạo được bộ phận sinh dục bị mất, nhiều ông bố, bà mẹ có con bị khuyết tật hiếm này đã tìm đến gặp chị Mai Anh. Họ xin chị lời khuyên cũng để tìm lại cho con mình bộ phận sinh dục như “chú lính chì”.
Chị Mai Anh tập hợp được chừng 10 bộ hồ sơ và chuyển sang Ý cho bác sĩ De Castro. Vị bác sĩ có bàn tay vàng và công trình y học độc nhất vô nhị phẫu thuật thành công cho con chị đã xúc động mạnh bởi nghĩa cử và tấm lòng của mẹ Thiện Nhân.
Ông quyết định sang Việt Nam thăm khám cho những đứa trẻ tội nghiệp. Chương trình được chị Mai Anh cùng ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á - cha nuôi của bé Thiện Nhân, khởi động từ tháng 6-2011.
Ngày 12-8 vừa qua, bác sĩ De Castro đã có mặt ở Việt Nam để bắt đầu chương trình khám miễn phí cho trẻ em không may mất bộ phận sinh dục. Sau 2 tháng, vượt ngoài sức tưởng tượng của chị Mai Anh, hơn 100 bộ hồ sơ trên khắp cả nước đã gửi về “cầu cứu” chị. Tất cả đều ước ao một lần được gặp bác sĩ De Castro.
Được sự giúp đỡ của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, trong 4 ngày, từ 16 đến 19-8 vừa qua, bác sĩ De Castro đã khám cho 120 trẻ khiếm khuyết bộ phận sinh dục, cả bé trai lẫn bé gái.
“Những khiếm khuyết này có nhiều nguyên nhân khác nhau và mức độ cũng không giống nhau. Thông thường, khiếm khuyết bộ phận sinh dục bẩm sinh là rất hiếm gặp, chỉ chiếm tỉ lệ 1/25 triệu người. Trong 4 ngày vừa qua, tôi đã nắm được tình hình sơ bộ của các bệnh nhi để tiếp tục bước tiếp theo là phân loại dị tật và tiến hành phẫu thuật”- bác sĩ người Ý cho biết.
Bác sĩ De Castro được ví như “ông Bụt” mang đến phép mầu cho những đứa trẻ không may
Nhiều người mẹ đã khóc khi vượt một hành trình dài để gặp được bác sĩ De Castro. Vị bác sĩ người Ý cũng đã trải qua một hành trình dài để đến với Việt Nam.
Ông tâm sự: “Tôi đã phẫu thuật thành công cho 30 trẻ bị mất bộ phận sinh dục. Ca phẫu thuật đầu tiên tôi tiến hành là ở Ả Rập Saudi 11 năm trước. Tôi đã chứng kiến nhiều trẻ em bất hạnh khi mất bộ phận sinh dục và hòa vào niềm vui của các em cũng như gia đình khi tìm lại được thứ đã mất khi đi qua các quốc gia Nam Phi, Brazil, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia”.
Trước khi đến Việt Nam, bác sĩ De Castro không nghĩ rằng có nhiều người đang chờ đợi ông đến thế. Ông xúc động: “Tôi muốn làm một điều ý nghĩa cho tất cả các em chứ không phải chỉ một vài em”.
Để làm được điều ấy, bác sĩ De Castro sẽ chuyển giao kỹ thuật và phương pháp tái tạo mà ông đã dày công nghiên cứu cho các đồng nghiệp Việt Nam. Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cũng đã sẵn sàng trợ giúp về cơ sở vật chất cũng như chất xám cho chương trình phẫu thuật từ thiện và giàu ý nghĩa nhân văn này.
Giấc mơ có thật
Ban đầu, chị Mai Anh và bác sĩ De Castro định lấy tên chương trình là “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may” nhưng khi chính thức bắt đầu, hoạt động này được mang tên “Ngôi sao tươi sáng”. Tên chương trình đã nói lên tất cả ý nghĩa và sự kỳ vọng của chị Mai Anh và bác sĩ De Castro vào nó.
Bác sĩ De Castro thổ lộ: “Phía trước chúng tôi là rất nhiều việc phải làm. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ tất cả các trường hợp đã được khám để lần sau, khi trở lại Việt Nam vào tháng 11 tới, các em sẽ lần lượt được phẫu thuật”.
Nhiều đứa trẻ đã coi De Castro như “ông Bụt” trong chuyện cổ tích, dù để đến được lúc chúng có thể có cảm nhận và cảm giác với cơ quan sinh dục mới được tái tạo sẽ còn rất nhiều đau đớn, chông gai nhưng phép mầu là điều đã có thực. “Giấc mơ này là giấc mơ có thật của tôi và rất nhiều ông bố, bà mẹ khác”- chị Mai Anh bộc bạch.
Từ trái sang: “Chú lính chì” Thiện Nhân, MC - á hậu Thụy Vân,
bác sĩ Roberto DeCastro và chị Trần Mai Anh tại buổi giới thiệu chương trình “Ngôi sao tươi sáng”
Mẹ của cậu bé Đặng Quốc Trường, 10 tuổi, quê Hưng Yên, đã thổ lộ với bác sĩ De Castro: “Tôi gần như đã khóc hết nước mắt khi đứa con trai mình sinh ra lành lặn nhưng lại mất hai tay và bộ phận sinh dục trong một vụ tai nạn điện cao thế. Trường sẽ không bao giờ tìm lại được hình hài trước kia nhưng ước ao lớn nhất của cháu và gia đình là tìm lại được phần cơ thể mà đứa con trai nào cũng có, để cháu không quá thiệt thòi trong cuộc đời sau này”.
Quyết tâm năm nào của chị Mai Anh có thể thực hiện được nhờ những nỗ lực của bản thân chị nhưng với số lượng trẻ cần được phẫu thuật lớn như hiện nay, chương trình cần một sự chung tay của xã hội và những nhà hảo tâm.
“Tôi sẽ xin gặp lãnh đạo Bộ Y tế để có được những lời khuyên, những hỗ trợ. Nhưng hơn hết, nếu không có những tấm lòng của toàn xã hội, chúng tôi rất khó biến tất cả những giấc mơ thành hiện thực, bởi hầu hết gia đình các em nhỏ không may đều nghèo”- chị Mai Anh trăn trở.
Không thể đứng ngoài
Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, thông báo khi khởi động chương trình tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may: “Bệnh viện ĐH Y Hà Nội sẽ hỗ trợ tối đa các trang thiết bị cùng với đội ngũ giáo sư giỏi nhất của nhà trường và các bệnh viện lớn ở Hà Nội tham gia chương trình phẫu thuật rất phức tạp này. Khi nghe về chương trình từ chị Mai Anh, chúng tôi đã biết với trách nhiệm và lương tâm của mình, chúng tôi không thể đứng ngoài một sự kiện có ý nghĩa như thế”.
Trước khi tạm biệt Việt Nam trở về Ý, bác sĩ De Castro rất tự tin nói: “Các bác sĩ Việt Nam rất giỏi và chắc chắn họ sẽ tiếp nhận thành công phương pháp của tôi để hoàn thành sứ mệnh đầy ý nghĩa này”. |
Bình luận (0)