Vượt những con đường dốc dựng đứng uốn lượn quanh co, chúng tôi đến một căn nhà nằm trơ trọi trên đỉnh Mồ Côi thuộc núi Cấm (ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - An Giang). Nghe có khách đến, một bé trai kháu khỉnh khoảng 3 tuổi chạy ra cửa đón. Cu cậu gọi vọng vào nhà: “Nội ơi, có người tìm nè!”.
Không vợ mà có tới 11 con!
Bà cụ chừng 70 tuổi, gương mặt phúc hậu nở nụ cười thân thiện, lật đật ra đón chúng tôi. Bà tên Võ Thị Ba, mẹ ông Nguyễn Tấn Bông, 43 tuổi, người cưu mang 11 đứa trẻ mồ côi ở đây. Cậu bé gọi bà nội khi nãy đứng lấp ló sau vách nhìn chúng tôi đầy vẻ tò mò. Bà Ba cho biết ngôi nhà trên đỉnh Mồ Côi này hiếm khi có khách. Bà dặn cậu bé: “Con vô điện thoại cho ba, nói có mấy chú dưới núi lên chơi”.
Chưa đợi bà nội dứt lời, cậu bé đã hấp tấp chạy vào nhà, nhấc điện thoại bấm số một cách thuần thục, liến thoắng: “Ba ơi, về gấp, có khách tới nhà nè!”. Bà Ba vẫy cậu bé lại, xoa đầu như khen ngợi, rồi quay sang chúng tôi, khoe: “Nó tên Nguyễn Sơn Tiền, tuy còn nhỏ nhưng rất lanh lợi và quậy nhất nhà”.
Chúng tôi theo bà Ba ra gian nhà rộng, thoáng mát phía sau, nơi có kê nhiều giường, võng và nôi. Vài đứa trẻ còn say giấc ngủ trưa chưa chịu thức. Đứa lớn hơn nằm đưa võng cho đứa nhỏ. Chiếc võng lắc đều, dây treo cọ xát vào thân cột vang lên từng hồi kẽo kẹt nghe thật êm đềm.
Có tiếng xe máy dừng trước cửa nhà. Bé Tiền vội chạy ra rồi reo lên: “A, ba về tới rồi! Có khách đến thăm kìa ba!”. Ông Bông cười tươi, bế cậu bé đi vào nhà. “Tôi chở thằng nhỏ đi chích thuốc. Mấy bữa nay nó cứ bị cảm, sổ mũi, ho hen hoài” - ông Bông chỉ cậu bé đi theo sau, giải thích.
Chúng tôi hỏi về những đứa trẻ, ông Bông nở nụ cười chất phác, nhận xét: “Chắc là số phận đẩy đưa, tôi và tụi nhỏ có duyên sống với nhau”. Ông Bông vốn là bộ đội phục viên. Năm 1987, khi vừa xuất ngũ, ông về công tác ở phường đội phường Bình Thủy, quận Bình Thủy - TP Cần Thơ. Đến năm 1991, cảm thấy không thích hợp với cảnh nhộn nhịp nơi thị thành, ông Bông dẫn mẹ lên núi Cấm tìm mua một mảnh đất 3 ha rồi cất nhà, làm rẫy sinh sống. Mảnh đất nằm trên đỉnh Mồ Côi ở núi Cấm này từ đó gắn chặt đời ông Bông với số phận của những đứa trẻ mồ côi bất hạnh mà ông nhận nuôi tới bây giờ.
“Trước đây, tôi đâu có dự tính nuôi trẻ gì, chỉ toàn chuyện tình cờ đưa đẩy thôi”- ông Bông cho biết. Thoạt tiên, vào năm 2001, trong lần về Cần Thơ thăm người chị họ sắp sinh con, ông Bông và mẹ gặp một phụ nữ sắp sinh không có tiền nhập viện, hoàn cảnh rất khó khăn. Khi đã có dấu hiệu sinh mà chị vẫn ngồi oằn mình chịu đựng ở ngoài băng đá của bệnh viện vì trong túi chỉ còn 30.000 đồng.
Ông Bông kể: “Chị ta đã đứng tuổi, thôi chồng, rời quê đến Cần Thơ làm phụ hồ. Ở đó, chị quen và chung sống với một người đàn ông làm chung. Khi biết chị có thai, người đàn ông đã bỏ đi không một lời từ biệt. Một thân một mình, chị sống lay lắt đầu đường cuối chợ, làm mướn, làm thuê chờ ngày sinh nở. Thấy hoàn cảnh chị tội nghiệp quá, mẹ con tôi liền đưa chị nhập viện, bỏ tiền trả chi phí sinh nở, thuốc thang... Sau khi sinh, chị ta nài nỉ mẹ con tôi nhận đứa bé làm con nuôi.
Thoạt đầu, tôi không chịu, phần vì chưa có vợ, phần vì cuộc sống trên đỉnh núi Cấm rất khó khăn. Song, thấy chị van xin quá nên tôi nhận lời nuôi giúp đứa bé một thời gian với lời nhắn nhủ khi nào muốn nhận lại con, chị cứ tìm đến núi Cấm để mẹ con đoàn tụ". Ẵm đứa bé về đỉnh Mồ Côi, ông Bông tất bật cùng mẹ chăm lo cho nó, rồi đặt tên là Nguyễn Sơn Ngọc, theo họ của mình. “Nuôi lâu ngày rồi mến tay mến chân, rốt cuộc tôi đã coi nó như con ruột của mình”- ông Bông thừa nhận.
Sau đó một năm, ngày nọ có một cuộc điện thoại từ một bệnh viện ở Cần Thơ gọi đến ông Bông. Cô y tá quen với ông Bông thông báo có một trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi. Mẹ con ông lại vội vã lên đường đi Cần Thơ ngay trong đêm tối, nhận đứa bé về nuôi dưỡng. Cứ như vậy, lần lượt đứa trẻ thứ 2, thứ 3, rồi cả thảy 11 đứa đã được ông Bông nhận nuôi. Mỗi cháu một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng chung số phận bị cha mẹ bỏ rơi, tất cả đều được ông Bông làm khai sinh mang họ mình. Cách nay không lâu, bé Nguyễn Sơn Thành, vốn bị não úng thủy từ khi mới lọt lòng, đã qua đời sau khi được ông Bông nhận về chăm sóc suốt 3 năm.
Sống “mồ côi” để nuôi trẻ mồ côi
Thấy ông Bông và những đứa con nuôi quấn quýt bên nhau, ai cũng vừa thương mến vừa cảm phục. Không ít người đã ví ông như “ông bụt”, “ông tiên” trên núi Cấm, hiện thân cứu giúp những đứa trẻ bơ vơ, lạc loài. Càng lớn, đứa nào cũng lanh lợi, thông minh và rất ngoan.
Chúng gọi ông Bông bằng ba, kêu bà Ba bằng bà nội nghe thật ngọt ngào. Trong 10 đứa, hiện Ngọc, Thanh và Hương đã đi học lớp 1. Cứ mỗi sáng sớm, ông Bông và mẹ lại tíu tít lo cho tụi nhỏ ăn sáng; rồi ông vượt đường rừng đưa 3 đứa trẻ tới lớp. Ông hãnh diện: “Đứa nào cũng ham học. Có hôm mưa như trút nước nhưng chúng vẫn bắt tôi phải đưa tới lớp”.
Đường xa, dốc núi đi lại khó khăn nhưng ông Bông phải đi chợ mỗi ngày mua thức ăn cho đàn con. Chúng tôi thắc mắc sao ông đã đứng tuổi mà không lấy vợ để tìm hạnh phúc riêng tư. Ông Bông bộc bạch: “Chắc tôi sẽ không lấy vợ mà ở “mồ côi” như thế này để nuôi tụi nhỏ.
Tôi rất sợ lấy vợ sinh con rồi không lo được cho tụi nhỏ, để chúng phải mồ côi thêm lần nữa. Nhìn thấy chúng lớn lên khỏe mạnh, tươi vui, tôi đủ mãn nguyện, hạnh phúc rồi”. Bà Ba góp chuyện: “Hôm trước, có một cô ở Sài Gòn tìm đến, bảo muốn kết tình chồng vợ với thằng Bông, nhưng nó không chịu, cứ đòi ở vậy nuôi tụi nhỏ”.
Chỉ những đám rẫy quanh nhà, ông Bông cho biết làm bao nhiêu, ông đều dành dụm để lo cho đám trẻ. Chợt ông trăn trở: “Tôi chỉ mong lo được cho các con đến ngày chúng trưởng thành. Chỉ sợ đến lúc nào đó, tôi không còn đủ sức nữa...
Bình luận (0)