RỪNG CHẾT
Rừng ngập mặn Cần Giờ, còn gọi là rừng Sác, ở phía Đông Nam Sài Gòn, hình thành từ hàng ngàn năm nay, có diện tích hơn 40.000 héc-ta. Trong chiến tranh chống Mỹ, hơn 4,62 tỉ lít hóa chất khai quang, trong đó 62% là chất độc màu da cam, đã được ném xuống, hủy diệt hoàn toàn hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Cố GS-TSKH Thái Văn Trừng- một nhà sinh thái thực vật rừng lỗi lạc của Việt Nam- mô tả khu rừng Sác Cần Giờ khi ông đặt chân đến đây sau ngày giải phóng: “Toàn bộ khu rừng Sác bị phá trụi bởi chất diệt cỏ, chỉ còn trơ gốc, cảnh vật hoang vu vắng lặng, không còn thấy một bóng chim, tăm cá”. Các nhà sinh thái học người Mỹ như Pleifer, Wasting sau khi tận mắt xem khu rừng Sác bị tàn phá đã phát biểu: “Để khôi phục hệ sinh thái rừng Cần Giờ ước tính phải cần khoảng 100 năm”.
ÔNG SÁU DÂN GỌI TÔI GIAO NHIỆM VỤ
Ông Khôi nhớ lại: “Một đêm, khoảng 11-12 giờ tối, ông Sáu Dân (tên gọi thân mật ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy lúc đó) gọi tôi đến nhà hỏi về kế hoạch trồng rừng Cần Giờ. Tôi báo cáo và năm đầu xin trồng thử 100 héc-ta để rút kinh nghiệm”. “Trồng 100 héc-ta thì chừng nào mới xong!”- ông Sáu Dân vặn lại. Thành ủy và UBND TPHCM quyết định “phải khôi phục ngay khu rừng Sác trong thời gian từ 20 - 30 năm nhằm tạo ra môi trường, cảnh quan hài hòa, góp phần cải thiện bầu không khí TP chen chúc 7 triệu dân này”.
Trọng trách quá lớn. Ông Khôi nhớ lại: Ngay năm đầu ra quân 1978, nhân dân TP đã trồng được 4.000 héc-ta rừng đước. Các năm kế tiếp, diện tích trồng khoảng 2.000-3000 héc-ta mỗi năm. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ không biết dùng từ nào để diễn tả cho hết. Toàn bộ công trình cần 6.000 tấn cây giống. Cây giống thu mua trong dân ở Năm Căn, tỉnh Minh Hải (cũ), chở về TP trên đoạn đường dài 500 km đường biển. Những chuyến ghe liên tục đi về ròng rã 20 năm. Đó là số năm trưởng thành của một đời người. Rừng cây cũng cần từng ấy năm để sống lại.
THÀNH CÔNG NÀY LÀ CỦA NHÂN DÂN
![]() |
Tiến sĩ khoa học Lê Văn Khôi bên bảng chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh 2005 |
Tháng 8-1978, thời điểm phát lệnh trồng rừng, chỗ đi lại ăn ở của hàng ngàn lao động từ nội thành ra cực kỳ khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Họ ở trong lán trại tuềnh toàng, gạo không đủ ăn, thuốc men không có bao nhiêu làm sao chống chọi với đàn muỗi đói chực chờ. Nhưng khổ nhất là nước ngọt thiếu khiến sức người mau suy kiệt. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu tổ chức không tốt, con người dễ thối chí.
Sau hơn 20 năm (1978-1998), trên 30.000 héc-ta rừng đã được trồng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Rừng ngập mặn Cần Giờ đã được phủ xanh, bảo vệ tốt và phát triển đa dạng sinh học gần như hồi trước chiến tranh. Ngày 21-10-2000, Tổ chức UNESCO công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự tái sinh của rừng ngập mặn Cần Giờ. “Thành công này là của nhân dân. Vai trò của nhân dân hết sức quan trọng. Ngày công lao động nhiều lắm. Nay nếu theo kinh tế thị trường thì không biết bao nhiêu tiền mà kể, chú thử tính đi!”- ông Khôi bồi hồi nói.
Một ngày Vàm Sát Từ cầu Dần Xây theo thuyền máy vào khu Đầm Dơi. Lênh đênh trên vùng nước rộng mênh mông của sông Đinh Ba, sông Lò Rèn, ngắm nhìn các loài cây ngập mặn như đước, mắm, bần, sú... Ghe đưa tôi vào khu Đầm Dơi với hàng trăm con dơi treo mình lủng lẳng trên cành cây. Để tăng thêm phần mạo hiểm cho chuyến tham quan, khách được dẫn bộ xuyên rừng dài 200 m. Rồi chinh phục tháp Tang Bồng ở độ cao trên 25 mét, chiêm ngưỡng toàn cảnh rừng ngập mặn và tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành với bầu trời xanh bao la. Thật tuyệt! Lên chiếc thuyền câu đến đầm Cá Sấu, có dịp hồi hộp với đàn sấu 40 con tranh nhau đớp mồi câu. Tắm ở hồ Biển Chết. Không cần bơi nhưng vẫn nổi lềnh bềnh. Chuyện gì vậy? Thì ra độ mặn trong hồ cao 30%, gấp 10 lần nước biển. Khối lượng riêng của cơ thể con người nhỏ hơn của nước trong hồ, thế là tự nhiên nổi. Nhưng chiều rồi, đến Tràm Chim với rất nhiều tổ chim cò các loại trên ngọn cây chà là. Ngắm hoàng hôn trên tháp canh, các đàn chim cò bay về tổ ấm. Sự hồi sinh tuyệt diệu! Lê Đông |
Bình luận (0)