Đường ống dẫn nước sạch sông Đà (do Vinaconex làm chủ đầu tư) vừa vỡ 2 lần liên tiếp vào ngày 25 và 26-9. Như vậy, đã 15 lần đường ống này vỡ, trong đó chỉ 1 lần duy nhất bởi lý do khách quan. Trong khi đó, giải pháp cấp bách nhằm giải quyết tình trạng này là xây dựng đường ống nước sạch số 2 vẫn chưa tiến hành.
Dở khóc dở mếu vì bị cắt nước
Đã 3 ngày nay, nhà anh Trần Văn Cường ở ngõ 426 đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa nước lúc cúp, lúc có. Gia đình có bể chứa nước khoảng hơn 1 m3 nên phải cử người túc trực, hễ khi nào có nước thì bơm ngay. Cách đây khoảng 1 tháng, khu vực nhà anh cũng bị cúp nước kéo dài hàng chục ngày. Đến ngày thứ 4, sau khi dùng hết nước sạch cũng như mua rất nhiều nước bình 20 lít về sinh hoạt, cả gia đình 6 người từ người già đến trẻ nhỏ nhà anh Cường phải sang ở nhờ nhà ông anh trai suốt 2 ngày. Đến khi nhà anh này cũng bị cắt nước, cả nhà lại chạy qua nhà bà con sống dưới phường Tứ Liên, quận Tây Hồ tắm giặt.
Đến chiều 27-9, gia đình bà Nguyễn Thị Lý (ngụ đường Quan Nhân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) vẫn chưa được cấp nước trở lại. “Hai ngày nay, nhà tôi phải đi xin từng xô nước nhỏ để sinh hoạt. Các cháu nhỏ được ưu tiên còn người lớn thì nhiều khi phải nhịn. Bản thân tôi cũng 2 ngày nay chưa tắm rồi, rất khó chịu!” - bà bức xúc.
Cũng trên đường Quan Nhân, chị Nguyễn Thị Huệ - chủ một quán ăn - tỏ ra rất bực bội vì nước lúc có lúc không nên nhiều khi bát đĩa phải xếp đó không rửa được. Chị Huệ không dám nghỉ bán hàng vì sợ mất khách nhưng cũng chỉ dám làm cầm chừng bởi lỡ bị cắt nước dài ngày, nước dự trữ hết thì không biết tính sao.
Một trường hợp khác sống tại tòa nhà Vimeco (đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy) thì kể một tình huống dở khóc dở cười: Đợt đường ống nước sông Đà bị vỡ lần thứ 13, cả tòa nhà bị ngừng cấp nước. Hàng xóm của anh là một doanh nhân Nhật Bản ở nhà trông con 2 tuổi thì con bé vệ sinh ra rồi bôi lung tung mà không có nước rửa. Con bé quá, doanh nhân này không thể bỏ ra ngoài đi mua nước được. Đợi vợ đến chiều tối mới về thì khắp nhà đã bốc mùi, phải chạy đi mua mấy chai nước lọc và bọc con sang nhà trẻ gần đó tắm rửa!
Chuyện người dân nhiều khu vực ở Hà Nội phải mua nước lọc, nước khoáng tinh khiết với giá rất cao để dùng mỗi lần đường ống nước sông Đà bị vỡ là quá bình thường. Nhiều người bức xúc song không hề nhận được sự chia sẻ, đền bù thiệt hại nào từ phía các đơn vị hữu trách.
Bên nào cũng đòi làm “người thiệt hại”
Đặt vấn đề người dân quá sốt ruột và bức xúc trước “điệp khúc” cúp nước do vỡ đường ống với ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Vinaconex, ông cho biết đến ngày 7-10-2015 sẽ khởi công đường ống nước sạch số 2 nhằm giảm áp lực cho tuyến ống hiện tại.
Về việc từ khi có quyết định xây dựng tuyến ống số 2 đến khi khởi công quá lâu, suốt thời gian đó người dân liên tiếp chịu cảnh bị ngừng cấp nước do vỡ ống, ông Tốn giải thích: “Lâu là do luật. Luật bắt phải chuẩn bị từng việc một, hết việc nọ đến việc kia, không thể làm sai luật được. Tóm lại, để khởi công được tuyến ống này thì phải chuẩn bị nhiều bước và những việc gì cần làm thì chúng tôi đã làm được rồi”.
Theo ông tổng giám đốc, chất liệu đường ống dùng để thi công lần này là gang dẻo (tuyến số 1 bằng ống sợi thủy tinh). Hiện tại, trong nước không sản xuất được ống gang nên phải đấu thầu quốc tế rộng rãi. Công ty đang bán hồ sơ thầu và đến ngày 30-9 sẽ mở thầu.
“Chúng tôi cũng là người bị thiệt hại nhiều. Người dân mà bị ngừng cấp nước trong vòng 1 ngày cũng không ảnh hưởng lắm. Còn những đợt ngừng cấp nước kéo dài thì do bên phân phối chứ có phải do chúng tôi đâu. Chúng tôi chỉ ngừng cấp nước để xử lý trong vòng 1 ngày, chưa bao giờ xử lý sang ngày thứ 2 cả. Luật cũng cho phép được ngừng cấp nước trong vòng 1 ngày. Giờ cứ xem lại khi đường ống nước vỡ đến khi sửa chữa xong hết bao nhiêu giờ, còn người dân không có nước trong bao nhiêu ngày thì sẽ biết là do ai” - ông Tốn phân trần.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động qua điện thoại, ông Nguyễn Anh Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) - đơn vị phân phối nước sạch sông Đà - lại khẳng định công ty ông chỉ là đơn vị phân phối nước mà thôi. Trước câu hỏi Viwaco có biện pháp nào hỗ trợ, cùng san sẻ với người dân không, ông Việt chỉ nói: “Viwaco chỉ nhận lại nước để bán thôi. Chúng tôi cũng là người thiệt hại”.
Nước cúp hoài, giá vẫn tăng!
Ngay từ ngày 14-9, Viwaco đã thông báo giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội tăng khoảng 20% so với biểu giá cũ kể từ ngày 1-10. Việc tăng giá nước sạch được giải thích là theo lộ trình đã được TP phê duyệt từ năm 2013. Tuy nhiên, đơn vị cung ứng nước không hề có động thái nào cho thấy chất lượng dịch vụ cung cấp nước sẽ tăng theo.
Bình luận (0)