icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông Phạm Văn Thọ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Ðảng: Sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc luân chuyển cán bộ

Minh Nghĩa ghi

NHÂN SỰ.- “Xảy ra vụ án Năm Cam, suy cho cùng là do đánh giá cán bộ chưa đúng”

img Phóng viên: Thưa ông, xin ông giải thích thêm về việc có một số cán bộ chưa qua các nhiệm kỳ là bí thư tỉnh ủy được bầu làm bộ trưởng?

 

- Ông Phạm Văn Thọ: Việc chuẩn bị nhân sự của Chính phủ, bố trí cán bộ vừa qua đã thực hiện theo đúng quy trình về tổ chức cán bộ. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, có hai đồng chí được bầu làm bộ trưởng mà chưa qua các chức vụ liền kề. Ðó là ông Hoàng Văn Phong, 54 tuổi, Hiệu trưởng Trường ÐH Bách khoa Hà Nội, được bầu làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và bà Lê Thị Thu, 53 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, được bầu là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em. Việc bố trí cán bộ được căn cứ trên đánh giá về trình độ, khả năng quản lý, tổ chức, phẩm chất chính trị, đạo đức... Ngoài ra còn phải chú ý đến yếu tố là phụ nữ hoặc người dân tộc.

Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên (UV) Trung ương Ðảng (TƯÐ), Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính, đã được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, thay ông Nguyễn Văn Chiền, UVTƯÐ, được cử làm Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Ông Hồ Nghĩa Dũng, UVTƯÐ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thép VN, được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, thay ông Võ Ðức Huy, UVTƯÐ, được điều về làm Phó Trưởng Ban Kinh tế TƯ. Và ông Nguyễn Tuấn Khanh, UVTƯÐ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh An Giang, được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, thay ông Ksor Phước, UVTƯÐ, mới được điều chuyển về giữ chức Bí thư Ban Cán sự Ðảng - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Những người được điều chuyển về làm bí thư các tỉnh nói trên đều còn trẻ, có năng lực, là UVTƯÐ và nằm trong chương trình luân chuyển cán bộ theo chủ trương của Ðảng và Nhà nước. Trong thời gian tới, việc luân chuyển cán bộ sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.

imgThưa ông, trong một số vụ án lớn gần đây được phanh phui, ví dụ như vụ án Năm Cam có sự tham gia của nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý. Vậy phải chăng là công tác đánh giá cán bộ đang có kẽ hở? Hiện nay việc đánh giá cán bộ dựa trên những tiêu chí nào?

- Hiện nay việc đánh giá cán bộ còn khó và là khâu còn yếu. Do chưa nắm rõ cán bộ, chưa sát, cụ thể nên có một số trường hợp đánh giá chưa đúng. Khi đề bạt cán bộ chúng ta chưa nhìn hết được các mặt có liên quan. Cho nên trong vụ án Năm Cam đã bung ra một số trường hợp. Nhưng phải đến khi bắt được một số đối tượng, qua sự phát giác của quần chúng và qua điều tra xác minh mới tìm ra được chứ không phải là dễ dàng. Tôi nói ví dụ quan hệ về kinh tế phải chú ý tới bản thân cán bộ, vợ con cán bộ trong gia đình... Mà không dễ dàng gì có thể nắm hết các quan hệ đó. Cho nên, trong kết luận Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi cũng nêu vấn đề quản lý cán bộ còn yếu. Tới đây, nhất định phải tăng cường công tác quản lý cán bộ. Bởi lẽ đây là khâu rất quan trọng nhưng lại khó nhất. Có đánh giá đúng thì bố trí cán bộ mới đúng được, nếu đánh giá không đúng sẽ dẫn đến bố trí cán bộ sai. Tất nhiên, phải nói rằng thời gian qua công tác đánh giá cán bộ đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Nhưng không phải là không có sai. Vụ án Năm Cam, suy cho cùng là do đánh giá cán bộ chưa đúng. Hiện nay, chúng tôi đang tìm lời giải làm thế nào để đánh giá cho đúng cán bộ. Mong là có sự phát kiến của quần chúng, của báo chí. Trong hội nghị sắp tới, đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra thảo luận. Dự kiến Ban Tổ chức Trung ương Ðảng sẽ đề xuất một chủ trương là phải đánh giá kết quả hoạt động, điều hành của thủ trưởng cơ quan đó theo năm, theo nhiệm kỳ và trước khi đề bạt chức vụ hay thực hiện luân chuyển cán bộ. Tiến tới đưa hoạt động này vào nề nếp.

img Thưa ông, dư luận đặt vấn đề có một số người sai ở cấp dưới lại được điều chuyển lên cấp cao hơn, ý kiến của ông như thế nào?

- Ðúng là có chuyện đó đấy. Tuy nhiên, tất cả những trường hợp đó đều có những tình tiết cụ thể của nó. Ví dụ như trường hợp đồng chí đó chuyển lên trên, dễ phát huy hơn, sửa chữa tốt hơn hoặc giúp cho bố trí cán bộ ở dưới tốt hơn... Nếu để đồng chí đó ở dưới có thể làm tốt mặt nào đó nhưng lại khó cho công tác khác thì việc điều chuyển đó được xem xét. Gần đây, Bộ Chính trị đã kiên quyết những cán bộ bị kỷ luật ở cấp dưới thì nhất quyết không điều lên. Việc điều cán bộ, bổ nhiệm cán bộ phải theo yêu cầu và tiêu chuẩn quy định.

img Về vụ án Năm Cam, sau khi xảy ra, Ban Tổ chức Trung ương Ðảng có xem xét lại quy trình đánh giá cán bộ và có lý giải được tại sao lại xảy ra tình trạng đó không, thưa ông?

- Phải xem xét lại chứ. Vụ án Năm Cam đã xảy ra từ những năm 1995 kéo dài đến gần đây. Phải đến khi bắt một số đối tượng, đi sâu điều tra mới phát hiện được. Ðã phát hiện được thì phải xử lý nghiêm. Tôi phải nhấn mạnh lại rằng, đánh giá cán bộ không phải là đơn giản. Nó đòi hỏi phải khách quan, công tâm, đúng quy trình và phải làm một cách thường xuyên, nghiêm túc dựa trên những tiêu chí nói trên. Thời gian qua làm chưa tốt thì tới đây phải làm cho tốt hơn. Cần thảo luận để tìm ra những sáng kiến tốt hơn, có những cách đánh giá cán bộ tốt hơn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo