xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông Sáu “sò”

Bài và ảnh: NGỌC TRINH

Về vùng biển Kiên Lương, hỏi thăm ông Sáu “sò”, ai cũng biết. Bởi lẽ, cái tên Sáu “sò” nghe mộc mạc nhưng nổi tiếng nhất ở vùng biển này, vì ông là người đầu tiên khởi xướng phong trào nuôi sò lông. Ông là Nguyễn Trường Sơn, 65 tuổi, ở ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang

Năm 1961, vì nhà nghèo, lại đông anh em, nên sau khi lập gia đình, ông Nguyễn Trường Sơn chỉ được cha mẹ cho 2 công đất làm vốn sinh nhai lúc ra ở riêng. Đời nhà nông ít ruộng cực khổ trăm bề, kéo dài đến hơn nửa đời người, gia đình ông Sơn vẫn không ngóc đầu lên được. Năm 2000, trong một lần ghé chơi nhà một người bạn làm nghề đánh bắt thủy sản khuyên ông Sơn nên chuyển sang nghề nuôi trồng thủy sản.

Ba năm học nghề

Nghe qua ý tưởng của bạn, thấy cũng hay hay, nên ông Sơn bàn với vợ bán hết số đất ruộng, cộng thêm ít vốn dành dụm bấy lâu được khoảng 120 triệu đồng. Bỏ ruộng, ông Sơn bắt đầu lặn lội từ Hà Tiên, Kiên Lương rồi xuống tận Mũi Cà Mau để đi tìm con gì thích hợp nuôi mà mang lại hiệu quả cao. Và thế là, qua nhiều lần đi thực tế học hỏi, người nông dân này quyết định chọn con sò lông, vì nó có nhiều đặc điểm nổi trội hơn các loài thủy sản khác. Một năm sau, ông Sơn nuôi sò lông ngay tại vùng đất đã sinh ra mình. Ban đầu, ông chỉ thuê 3 ha đất mặt nước nằm cập ven biển thuộc xã An Bình với giá 400.000 đồng/ha để nuôi sò lông.

Mọi chuyện cứ diễn ra theo hướng xuôi chèo mát mái như con sóng tháng 4 êm đềm. Cho đến một đêm khi thức dậy, vợ chồng ông như nhấc đôi chân không nổi khi phát hiện bọn “sò tặc” đã vét sạch bãi sò của ông lúc nào không biết. Ông Sơn nhớ lại: “Lúc đó tôi đã mất trắng gần 600 triệu đồng. Vì quá “sốc”, nên vợ tôi nhiều lần đòi tìm đến cái chết, nhưng cũng may tôi và mấy đứa con can thiệp kịp thời”.

Không nản chí, năm 2002, ông Sơn mượn giấy chủ quyền đất của cha mẹ và anh chị em ruột đem vay ngân hàng, được gần 200 triệu đồng để tiếp tục thuê 50 ha đất mặt nước biển nằm cặp theo núi hòn Đá Lửa và núi Lô Cốc nuôi sò lông. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này ông thuê người canh giữ bãi sò 24/24 giờ để đối phó với bọn “sò tặc”. Tuy nhiên, vụ đầu tiên ông chỉ thu hoạch được phân nửa, vì sò lông chết quá nhiều do ông chưa am hiểu kỹ thuật nuôi.

Trở thành tỉ phú

Đến năm 2003, sau khi học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước và qua báo, đài, sách..., ông Sơn tiếp tục mở rộng vùng nuôi sò lông lên 70 ha. Năm đó, con sò lông đã không phụ ông khi cho năng suất từ 23-25 tấn/ha. Trừ hết chi phí, ông lãi khoảng 1,4 tỉ đồng.

Có số vốn “lận lưng”, ông Sơn tiếp tục mở rộng diện tích nuôi sò lông. Đến nay, tổng diện tích nuôi sò của ông lên tới hơn 120 ha. Với diện tích này, mỗi kỳ nuôi ông bỏ túi trên 2 tỉ đồng sau khi trừ hết chi phí. Từ đây, cái tên Sáu “sò” (vì ông Sơn là con thứ 6 trong gia đình) được người dân Kiên Lương dành tặng cho ông Sơn.

img
Ông Sáu “sò” bên số sò lông vừa thu hoạch

Ông Sáu “sò” cho biết: Nghề nuôi sò lông trên biển không phải tốn thức ăn cho chúng, chỉ tốn tiền con giống. Hơn nữa, khi người nuôi đã am hiểu kỹ thuật thì khả năng sống của sò lông rất cao, chúng ít hao hụt hơn các loài sò huyết, nghêu... Thế nhưng, sò lông giống phải sang tận các huyện đảo khác như: Kiên Hải, Hòn Nghệ, Hòn Đất (Kiên Giang) mua của ngư dân đánh bắt trong tự nhiên mới có.

Về thời gian nuôi, ông Sáu “sò” bảo rằng sò lông từ ngày thả đến ngày thu hoạch phải mất 7-10 tháng. Muốn sò lông ít bị hao hụt thì trước tiên phải chọn bãi nuôi tốt. Bởi vì, sò lông sống “hạp” với đất bãi bồi ven biển có nhiều đất mùn lẫn với cát. Cụ thể, đất mùn phải chiếm 60%, còn cát chiếm 40% và độ sâu mặt nước biển từ 3-5 m; vùng nuôi lý tưởng nhất phải cách bờ từ 500 m đến 1 km.

Ngoài ra, chọn thời điểm thả giống cũng rất quan trọng. Thường vào tháng 8 âm lịch hằng năm - thời điểm nước lũ ở đồng bằng rút hết ra biển là xuống giống sò lông tốt nhất. Sau khi con sò lông giống thả xuống bãi nuôi được 2 tháng tuổi, sò mới nhả tơ cắm xuống đất 1-2 cm, rồi bắt đầu ăn các thứ bùn, rong rêu... Đây là thời điểm sò bắt đầu phát triển dần. Đặc biệt, sò lông là sinh vật sống ở một chỗ và không di chuyển đi nơi khác như sò huyết, nghêu, sò lụa, chem chép... nên thu hoạch chúng rất dễ dàng.

Sẵn sàng giúp người nghèo

Hiện nay, bãi sò lông của ông Sáu “sò” vẫn đang trong thời gian thu hoạch giai đoạn cuối để chuẩn bị xuống giống vụ nuôi tiếp theo. Ông Sáu “sò” khoe: “Bãi sò lông của tôi đã thu hoạch đến thời điểm này hơn 6 tháng rồi, nhưng vẫn chưa hết sò. Hiện nay tôi có 3 đội tàu và trên 30 người chuyên đi cào sò lông với sản lượng từ 150 - 300 tấn/ngày. Với giá bán từ 2.000-2.200 đồng/kg, sò của tôi được thương lái và các công ty chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh túc trực thu mua hết ngay tại bãi, không phải mất công vận chuyển”.

Liên tiếp thành công, tháng 5-2008, ông Nguyễn Trường Sơn được Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cấp bằng khen nông dân sản xuất giỏi. Điều quan trọng hơn nữa là, từ khi trở thành tỉ phú, mỗi năm ông Sáu “sò” đều bỏ ra một khoản tiền khá lớn để xây cầu, cất nhà cho người nghèo trên quê hương mình.

Ngoài ra, nếu gia đình nghèo nào muốn nuôi sò lông thì tỉ phú này sẵn sàng chỉ dẫn kỹ thuật và cho vay vốn không tính lãi hoặc với lãi suất thấp. Nhờ đó, diện tích nuôi sò lông ở Kiên Lương mỗi năm tăng lên theo cấp số nhân. Bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Kiên Giang, cho biết: “Hiện toàn tỉnh có trên 3.000 ha diện tích nuôi sò lông, nhưng tập trung chủ yếu ở huyện Kiên Lương. Chúng tôi đang phối hợp cùng Phòng NN-PTNT huyện Kiên Lương và cả ông Sơn khuyến khích nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi sò lông. Bởi lẽ, đây là loài thủy sản ít tốn chi phí nuôi trồng nhưng đem lại lợi nhuận cao và đầu ra luôn ổn định”.

Giữa tháng 9, xứ biển Kiên Lương mưa như trút do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Thế nhưng, từ những bãi sò lông trúng mùa của một số gia đình nghèo được ông Sơn hỗ trợ vốn lẫn kỹ thuật vẫn vang lên tiếng nói cười rộn rã lấn át cả tiếng mưa dông. Ngẫm lại, chúng tôi mới chợt hiểu ra rằng vì sao cái tên ông Sáu “sò” lại được người dân Kiên Lương gọi một cách triều mến như thế!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo