xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông Sáu về quê mẹ

Bài và ảnh: Hoàng Hùng

Từ sáng sớm 25-12, con đường đất vào ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội (trước đây là xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đã đông nghịt người đến đón GS Trần Văn Giàu về quê mẹ

Đoàn người kéo dài trên 2 km đến nhà thờ họ Trần với mong muốn thắp nén hương tiễn đưa linh cữu ông lần cuối.

 
Đến 9 giờ, khu vườn thanh long nhà họ Trần đã kín cả người. Ông Đỗ Hoài Nghĩa (74 tuổi, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) xúc động: “Ra đi ở tuổi 100 là quá mãn nguyện đối với một người bình thường. Nhưng với ông Giàu, tôi cảm thấy nuối tiếc, bởi đây là một con người giàu lòng nhân ái, thủy chung, son sắt, một trí thức lớn của dân tộc. Vì vậy, tôi không nghĩ ông đã chết, mà xem đây là lần ông trở về quê cha đất tổ sau chuyến đi dài ngót một thế kỷ. Tôi lúc nào cũng dạy con cháu mình phải noi gương ông Giàu biết sống vì mọi người như ông đã tận hiến cho đời”.
img
Người dân Long An chờ đón đưa GS Trần Văn Giàu về nơi an nghỉ cuối cùng
 
Sắt son nghĩa vợ chồng
 
Theo cụ Nghĩa, người ta hay gọi bác Sáu Giàu là gọi theo thứ của bà Đỗ Thị Đạo, vợ của ông. Còn ông là con trai út trong gia đình có tới 13 người con. Ông Giàu còn có tên là Ký nên những người cùng thời với ông hay gọi ông là Mười Ký hoặc Út Ký. Sở dĩ ông lấy thứ của vợ là vì gia đình bên vợ là một gia đình yêu nước, đã có nhiều người tham gia nghĩa quân Trương Định, rồi tiếp tục theo Thủ Khoa Huân khởi nghĩa chống Pháp, hy sinh rất anh dũng. Cha vợ ông, cụ Đỗ Tường Ninh, là người đồng chí hướng với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ. Cụ Sắc thường xuyên lui tới nhà cụ Ninh bàn việc nước.
 
Khi GS Trần Văn Giàu tham gia kháng chiến chống Pháp, bà là trợ thủ đắc lực. Trong thời gian ông Giàu bị giặc bắt cầm tù rồi tung tin ông đã chết, bà vẫn một lòng tin chồng mình sống đến ngày đất nước sạch bóng quân thù. Trong thời gian bị cầm tù, không biết sống chết ra sao, ông thấy vợ còn quá trẻ nên nhờ người chuyển lời ông động viên bà lấy chồng khác để không vì ông mà tuổi xuân qua đi. Nhận được tin này, bà nói “nếu chồng tôi chết thì tôi sống vậy đến suốt đời”. Từ đó, GS Trần Văn Giàu không dám nói đến chuyện này nữa. Sau này dù ở đâu, lòng ông vẫn luôn hướng về người vợ miền Nam.
 
Hiếu thuận, nhân ái
 
Từ xã Long Trì (huyện Châu Thành), từ sáng sớm, bà Trần Ngọc Sương, một người dân, đã đón xe lên tiễn đưa GS Trần Văn Giàu. Bà Sương kể trong xúc động: “Mỗi lần về quê, hễ nghe ai có con mắc bệnh hiểm nghèo thì bà Đạo và ông Giàu lặn lội đến thăm, giúp đỡ hết mình. Với tinh thần thương trẻ như con đẻ của mình, vợ chồng ông Giàu đã góp phần cứu sống rất nhiều đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo”. Bà Sương cho biết thêm khi sinh thời, ông bà đã trích cả trăm cây vàng giúp xã Phú Ngãi Trị (quê của vợ GS Trần Văn Giàu) xây dựng một nhà trẻ lớn để chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ kém may mắn.
 
Ông Huỳnh Văn Sánh, một nông dân xã An Lục Long, nói: “Tôi rất ngưỡng mộ tình nghĩa vợ chồng sống chết có nhau của vợ chồng ông Giàu”. Ông cho biết năm 2004, bà Đạo lâm bệnh nặng, ông Giàu âm thầm về quê xây mộ để khi bà quy tiên sẽ được chôn cất tại đó. Biết vậy, bà gọi ông lại bên giường bệnh nói “tôi không muốn xa ông”. Hiểu ý vợ, khi bà Đạo mất, ông Giàu cho hỏa thiêu rồi đưa tro cốt vào cái hộp bằng đồng để cạnh cửa sổ nơi bàn làm việc của ông. Khi ông sắp đi xa, không quên căn dặn người thân mang cái hộp đồng đó chôn dưới ngôi mộ mà ông xây từ trước, đồng thời chôn ông bên cạnh mộ phần của vợ.
 
Nhiều người dân nơi đây còn nhắc mãi lòng hiếu đễ của ông. Hằng năm, vào dịp thanh minh, ông đều về An Lục Long và Phú Ngãi Trị viếng mộ cha mẹ, ông bà, gia tộc hai bên. Ngôi mộ nào bị hư hỏng ông đều cho tu sửa lại hoàn chỉnh. Mỗi lần thăm mộ, ông luôn nhắc nhở làm người phải biết nguồn cội, phải biết công ơn ông bà, cha mẹ mà hiếu thuận, đền đáp.
 
11 giờ, linh cữu GS Trần Văn Giàu về tới quê nhà. Hàng ngàn người dân nơi đây ra bên đường chào đón. Linh cữu của ông quyện trong hương khói và nước mắt nhiều người đã thành dòng.

Tấm gương để soi rọi chính mình

 
Nhiều cán bộ, đảng viên ở địa phương cho biết GS Trần Văn Giàu là tấm gương sáng để họ soi rọi chính mình. Ông Đỗ Hữu Lâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, nói: “Tôi gọi bà Đạo bằng cô, gọi ông Giàu bằng dượng. Lúc tôi được phân công làm Bí thư huyện Cần Giuộc, ông có gửi cho tôi một gói trà kèm theo lời nhắn “bảo thằng Lâm không được ăn hối hộ mà hư cả đời, bị dân xa lánh”. Cho dù gói trà đó tôi đã uống hết nhưng mỗi khi đưa một tách trà lên môi, tôi đều nhớ đến lời răn dạy của ông, không ngừng kiểm điểm lại bản thân đã làm điều gì không phải với dân hay chưa”.
 
Ông Nguyễn Tấn Thành, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành, nói: “Hễ mời ông Giàu về quê dự khánh thành một trường học là ông đi ngay, còn mời về dự lễ khánh thành công sở thì ông thẳng thừng từ chối. Ông còn bảo xây công sở để làm việc là cần thiết nhưng không nên xây to, còn trường học xây to bao nhiêu cũng tốt, vì đó là nơi đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. Nhờ những lời răn đó mà huyện Châu Thành ngày càng có nhiều ngôi trường đạt chuẩn quốc gia”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo