xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Ông thần” trị rắn độc cắn

Bài và ảnh: MINH HẢI

Ngoài việc sưu tầm văn hóa Tây Nguyên, làm từ thiện..., ông cụ phong trần ấy còn nổi tiếng khắp Lâm Đồng nhờ bí quyết chữa trị rắn độc cắn độc đáo. Ông đã cứu sống nhiều người bị “bệnh viện chê” mà không đòi hỏi bất cứ điều gì

Đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Đỗ Văn Toàn ở phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vẫn nói cười rổn rảng, đi lại huỳnh huỵch như thanh niên trai tráng. Tóc “nửa tiêu nửa muối” búi tó cột lại bằng dây thun, chạy mô tô 250 phân khối, nhìn ông thật phong trần. Thấy chúng tôi ngạc nhiên khi nghe người xung quanh gọi ông là “già K’Toàn”, ông quả quyết: “Tôi là con nuôi của buôn làng mà!”.

Được xem như già làng

Dựng vội chiếc mô tô phân khối lớn bên hiên nhà, ông Toàn nhanh nhẹn đi pha trà mời khách. Bên ly trà nóng hổi mang đậm hương vị xứ B’Lao, câu chuyện thú vị về người “con nuôi của buôn làng” ngay lập tức cuốn hút chúng tôi.

Năm 1954, cậu bé Đỗ Văn Toàn theo gia đình rời làng quê Ninh Bình vào Bảo Lộc lập nghiệp. “Như duyên tiền định, tôi cùng gia đình đã gắn bó cả đời với vùng đại ngàn thâm u, kỳ bí và đầy mê hoặc. Khi ấy, vùng Tây Nguyên và Lâm Đồng nói riêng rất khắc nghiệt. Trên vùng đất mới, tôi và gia đình đã phải chật vật để lo cái ăn và lúc nào cũng nơm nớp sợ bị thú rừng tấn công. Đêm nằm ngủ nghe tiếng cọp gầm mà nhiều lúc thót tim, còn rắn rết thì nhiều vô kể. Nhiều lúc gia đình tôi đã phải tính đến chuyện đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, sự đùm bọc, cưu mang của bà con địa phương đã níu kéo chúng tôi” - ông Toàn nhớ lại.

Vùng đất Bảo Lộc lúc bấy giờ chủ yếu là người K’Ho, Châu Mạ, Châu Ro, S’Tiêng, Cil, Lạch… sinh sống. Ở nơi xa lạ, gia đình cậu bé Toàn luôn gặp khó khăn, cuộc sống thiếu ăn từng ngày. Thấy vậy, bà con đã không ngần ngại xắn tay vào giúp.

 

Ông Đỗ Văn Toàn chữa trị cho một người bị rắn độc cắn nguy kịch
Ông Đỗ Văn Toàn chữa trị cho một người bị rắn độc cắn nguy kịch

 

“Khi gia đình tôi dựng nhà, bà con kéo nhau đi tìm gỗ, người cho tấm ván, người cho tre, người thì giúp công sức. Khi gia đình tôi thiếu cái ăn, bà con cho từng mụt măng, củ sắn, trái bắp để vượt qua khó khăn. Nhờ sự giúp sức chân tình đó, chẳng bao lâu, gia đình tôi đã dần ổn định cuộc sống. Tôi cũng bắt đầu tìm cách để trả ơn buôn làng, trả ơn đại ngàn” - ông tâm sự.

Từ năm 1977, khi cuộc sống gia đình đã bớt phải lo toan, ông Toàn bắt đầu đi sưu tầm văn hóa bản địa Tây Nguyên và làm từ thiện. Ngày ấy, huyện Bảo Lộc (nay là thành phố) phát động phong trào định canh, định cư trong vùng đồng bào dân tộc ít người. Biết ông Toàn thường “ăn dầm nằm dề” trong những cánh rừng thẳm để hái thuốc, lặn lội vào các buôn làng để sưu tầm và nghiên cứu văn hóa, lại có khả năng tổ chức, có uy tín với bà con, ông Lâm Hồng Sơn (tức K’Sen), Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lộc lúc bấy giờ, nhờ ông thuyết phục người dân định canh định cư. Được lời như cởi tấm lòng, ông Toàn hăng hái lao vào công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Lấy xã Lộc Lâm anh hùng làm điểm, ông Toàn khăn gói lặn lội đến từng căn chòi, khu lán, túp lều của đồng bào nơi nương rẫy mù xa, ân cần hỏi han chuyện hạt gạo, hạt muối, cái khố… của bà con. Ông gặp những già làng uy tín nhất để trò chuyện, để nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ông giải thích rằng do bà con đốt rừng nhiều quá nên muôn thú không còn đất sống; cây lúa, cây bắp không mọc được trên đất cằn. Rồi ông thuyết phục già làng nên khuyên người dân xuống thung lũng lập làng sống ổn định. Ông hứa sẽ đề nghị cơ quan chức năng mang giống lúa cho bà con trồng, heo bò để bà con nuôi...

“Gặp ai tôi cũng ân cần như thế nên chẳng mấy chốc, người nọ chuyền tai người kia, đồng bào dần ưng cái bụng với chủ trương lập làng, định canh, định cư mà Đảng và nhà nước kêu gọi. Được dân tin mà bỏ rừng về làng rồi, tôi lại đề đạt lên lãnh đạo huyện Bảo Lộc cho xây dựng những căn nhà tiêu biểu. Những căn nhà ấy được xây cao cho bà con ở, có vườn trồng cây, có chuồng nuôi trâu bò, lợn gà. Dần dà, bà con các dân tộc Châu Mạ, K’Ho, Chu Ru… thuộc các buôn Kơi Đạ, B’Ru, B’Riêng, R’Năng, R’Nua, B’Đạ, Kời Đăng, Sa Voa, Rín Đạ, Xavadăn, Tanca ở xã Lộc Lâm đã về quây tụ bên dòng suối Đạ Cơi để sinh sống” - ông hồi tưởng.

Thời gian rảnh rỗi, ông Toàn lại về nhà, xới đất ươm cà phê, chè, mít, bơ… rồi tận tay đưa đến buôn làng cho bà con. Ông còn chỉ họ cách trồng, chăm bón cây. Từ đó, bà con toàn xã Lộc Lâm xem trọng ông như già làng. Và cái tên K’Toàn cũng được bà con thân thương đặt cho ông.

Trả ơn buôn làng

Câu chuyện giữa chúng tôi đang hào hứng thì một nhóm người hối hả chạy đến, nhốn nháo cả một góc sân. Ông Toàn vội chạy ra xem. Hóa ra, một phụ nữ đi hái chè bị rắn độc cắn đang trong tình trạng nguy kịch. Toàn thân chị co giật, miệng sùi bọt, tiểu tiện không thể làm chủ được nữa.

Ông Toàn đỡ người phụ nữ lên thềm nhà rồi nhanh chóng dùng dao rạch một vệt chỗ rắn cắn cho máu độc chảy ra. Sau đó, ông vào nhà lấy một viên đá nhỏ màu xanh lục áp vào chỗ vết thương. Khoảng 5 phút, ông bỏ viên đá ra rồi đi hái thuốc sắc một bát nhỏ cho chị uống.

 

Chân dung “già làng” K’Toàn
Chân dung “già làng” K’Toàn

 

Thật kỳ diệu, sau khi uống thuốc khoảng 10 phút, người phụ nữ hồi tỉnh và bắt đầu nói chuyện. Những người đi cùng thở phào mừng rỡ, cảm ơn “già K’Toàn” rối rít. Dặn dò người phụ nữ cách chăm sóc để mau bình phục, ông còn cẩn thận bốc thêm vài thang thuốc đưa cho chị mang về uống.

Tận mắt chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng dù trước đó từng nghe người dân các vùng Bảo Lộc, Bảo Lâm ở Lâm Đồng xưng tụng tài chữa trị rắn độc cắn như thần của “già K’Toàn”.

Nghe chúng tôi thắc mắc về viên đá nhỏ màu xanh và những thang thuốc, ông tiết lộ: “Sau thời gian dài gần gũi bà con dân tộc ít người, tôi được một già làng cảm kích nên truyền cho phương thức để chữa trị rắn độc cắn. Già làng ấy buộc tôi thề độc rằng không được dùng nó để thu lợi cho bản thân. Tôi đã dùng bài thuốc bí truyền này cứu rất nhiều người bị rắn độc cắn nguy kịch”.

Nghe ông Toàn kể về những lần chữa trị rắn độc cắn thì cả ngày vẫn chưa xong. Chính ông cũng chẳng thể nào nhớ nổi mình đã chữa cho bao nhiêu người trong 30 năm qua. Có những trường hợp rắn độc cắn rất nặng, bị “bệnh viện chê”, đã về nhà chờ chết nhưng khi được ông Toàn chữa trị liền cải tử hoàn sinh.

Anh K’Brìu - người K’Ho ở buôn Xây Xàng, huyện Bảo Lâm - cho biết  trong một chuyến đi săn, anh bị 2 con rắn hổ mang cắn vào chân. Khi người nhà đưa anh tới bệnh viện huyện thì các bác sĩ đều lắc đầu.

“Đang trong cơn tuyệt vọng thì người nhà mình được một bác chạy xe ôm giới thiệu về già K’Toàn. Khi tới được nhà ông thì toàn thân mình đã thâm tím, khó thở, sùi bọt mép. Như một phép mầu, mình đã được già K’Toàn cứu sống” - anh K’Brìu cảm phục.

Lần khác, ông Toàn nhận chữa trị cho anh K’Lim, ở Bảo Lộc, bị rắn lục cắn vào chân. Đã vài năm trôi qua sau khi thoát chết nhưng mỗi khi nhắc lại, anh K’Lim luôn thể hiện sự kính trọng về ân nhân của mình.

Lúc ấy, do không sơ cứu đúng cách, chân của K’Lim nơi bị rắn cắn đã bị hoại tử, bệnh viện trả về để chuẩn bị lo hậu sự. Vợ anh đang loay hoay than khóc thì được một người quen giới thiệu đến “ông thần” trị rắn độc cắn. Chị liền nhờ người thân chở chồng tới xin ông cứu giúp.

Ông Toàn cho biết K’Lim là trường hợp hiếm hoi ông phải nhờ một bác sĩ cùng chữa trị, bởi vết rắn cắn đã hoại tử. “Tôi dùng bài thuốc của mình để giải nọc độc rắn, còn vị bác sĩ kia dùng kháng sinh phối hợp để chống viêm và tái tạo vết thương. Sau một thời gian, vết thương trên chân K’Lim bắt đầu mọc da, hồi phục. Hai tháng sau, cậu ta đã đi lại được và trở về với cuộc sống bình thường” - ông kể.

Rất nhiều người bị rắn độc cắn như vậy đã được ông Toàn chữa trị. Có người ở tận miền Bắc, miền Trung xa xôi bị rắn độc cắn, tưởng chừng không thể qua khỏi nhưng khi đến với ông đều được cứu sống. “Có người khỏi bệnh quay lại thăm hỏi tôi nhưng cũng có người đi biệt tăm... Thế nhưng, tôi không xem trọng điều đó, chỉ biết rằng chữa trị cho bà con bị rắn độc cắn như là cách để tôi trả trả ơn buôn làng, trả ơn đại ngàn đã cưu mang gia đình mình” - ông thổ lộ.

Khi chúng tôi chào ra về, “già làng” K’Toàn vẫn sôi nổi: “Khi nào rảnh, tụi mày đi vào buôn với tao. Khi  về Đà Lạt nhớ xem ai có quần áo cũ, sách vở hay bánh kẹo thì gửi xuống, cuối tuần này tao mang vào buôn cho bà con”.

 

Chữa trị miễn phí

Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng là vùng đất của rừng núi, người dân đa phần sống bằng công việc làm rẫy, trồng chè, cà phê... Chuyện đi nương rẫy bị rắn độc cắn luôn là nỗi ám ảnh của những người dân nơi đây. Đã không biết bao chuyện thương tâm về những cái chết oan uổng bởi nọc rắn do không được cứu chữa kịp thời.

“Những người bị rắn độc cắn chỉ cần còn thở là tôi có thể cứu sống. Tôi không bao giờ lấy một đồng nào hay đòi hỏi ở họ điều gì” - ông Toàn khẳng định.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo