Ngày 6-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ, TP Hà Nội để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội (QH) khóa XIII.
Sai phạm mức nào, xử lý mức đấy
Vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Cử tri Nông Quang Lập, Ủy viên Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm, bày tỏ: Cử tri mong Đảng, Chính phủ làm rõ vụ việc ông Truyền, đồng thời đề nghị kiểm tra hơn 60 trường hợp được bổ nhiệm trước khi ông này về hưu.
“Có cán bộ cao cấp, 8 năm nghỉ hưu nhưng con cái không trả nhà, sau vụ ông Truyền thì trả nhà ngay. Cán bộ, đảng viên rất hoan nghênh việc xử lý vụ ông Truyền. Mong rằng chúng ta quyết liệt hơn, tích cực hơn để tìm ra được nhiều ông Truyền nữa” - cử tri Nông Quang Lập kỳ vọng.
Quyết liệt hơn, cử tri Bùi Văn Lang (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) bức xúc: “Ông Trần Văn Truyền nguyên là Tổng Thanh tra Chính phủ, người đứng đầu cơ quan tham mưu chống tham nhũng. Ông Truyền là người canh đền nhưng lại tự tay đốt đền!”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Trung (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) phản ánh cử tri vẫn chưa hài lòng với việc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay vì tính quyết liệt chưa cao. “Phải chăng chúng ta vẫn có những vùng cấm?” - cử tri này băn khoăn.
Trả lời cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thái độ của Đảng ta là kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng và cả lãng phí”. Theo Tổng Bí thư, quan trọng là phương pháp, cách làm để có hiệu quả. Chống được tham nhũng nhưng phải bảo đảm ổn định xã hội để phát triển đất nước, cho nên không có “vùng cấm”. “Như vừa rồi có vụ việc của ông Trần Văn Truyền thì chúng ta đã báo cáo công khai kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Làm phải theo đúng pháp luật, đúng quy định của Đảng và nhà nước, không để bị lợi dụng” - Tổng Bí thư đúc kết.
Tổng Bí thư cho biết: “Tập trung xử lý vấn đề này cho tốt, cho nghiêm nhưng cần phải có thời gian. Ban Bí thư đã chỉ đạo từ một năm nay nhưng phải qua xác minh, điều tra, xem xét chứng cứ, kết luận thế nào cho đúng để tâm phục khẩu phục. Đến mức nào thì xử lý mức đấy, kể cả khai trừ khỏi Đảng. Chuyện này Ủy ban Kiểm tra trung ương đang làm tiếp”.
Bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh tổng hợp
Về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cử tri Nguyễn Minh Trung (quận Ba Đình) nêu ý kiến: “Cử tri rất chú ý đến hành động của Trung Quốc cơi nới, tôn tạo, xây dựng căn cứ quân sự tại các đảo. Đề nghị QH có hình thức đấu tranh cao hơn, có thể đưa ra tòa án quốc tế để kiện Trung Quốc”.
Cử tri Nguyễn Văn Hiệp trăn trở: “Sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc càng có nhiều hành động cho thấy dã tâm cướp trọn Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta và độc chiếm biển Đông. Chúng ta phải bảo vệ bằng được chủ quyền, phải có lộ trình để từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc”.
Cũng liên quan vấn đề chủ quyền, một cử tri ở quận Hoàn Kiếm bày tỏ lo ngại với việc tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép dự án du lịch trên đèo Hải Vân cho nhà đầu tư Trung Quốc. “Chính phủ đã yêu cầu dừng dự án này nhưng vấn đề là nếu vừa qua báo chí không phản ánh, dư luận không lên tiếng thì sẽ ra sao? Không thể vì lợi ích cục bộ của một địa phương mà làm tổn hại, gây nguy cơ tới an ninh - quốc phòng của quốc gia” - cử tri này bức xúc.
Đánh giá cao ý kiến tâm huyết của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chủ quyền biển Đông là vấn đề rất lớn, phải phối hợp nhiều biện pháp, huy động sức mạnh tổng hợp để đấu tranh. “Chúng ta phải cân nhắc, thận trọng để giữ cho được độc lập chủ quyền, giữ cho được chế độ, bảo đảm môi trường hòa bình cho phát triển” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Thực tế vừa qua, các nước đánh giá cao cách xử lý của chúng ta, rất mềm dẻo, khôn khéo mà đạt được yêu cầu. Bây giờ vẫn cần phải chuẩn bị lâu dài, không phải chỉ một mặt trận là xong”.
Lấy phiếu tín nhiệm 3 mức để răn đe
Đánh giá cao hiệu quả các lần lấy phiếu tín nhiệm những chức danh do QH bầu và phê chuẩn nhưng nhiều cử tri vẫn băn khoăn. Cử tri mong muốn nên có 2 mức phiếu: tín nhiệm và không tín nhiệm, thay vì 3 mức: tín nhiệm thấp, tín nhiệm và tín nhiệm cao như hiện nay.
Tổng Bí thư cho rằng lấy phiếu tín nhiệm cao hay thấp là để kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh, răn đe người làm chưa tốt; kịp thời khuyến khích, động viên người làm tốt. “Sở dĩ quy định 3 mức tín nhiệm là mở đường cho anh tiến bộ. Còn nếu tín nhiệm thấp rồi đưa luôn ra bỏ phiếu tín nhiệm theo luật thì khi đó, một là anh làm, hai là bãi nhiệm” - Tổng Bí thư nhìn nhận.
Bình luận (0)