Cuối tuần qua, các cơ quan: An ninh, Công an, Hải quan cửa khẩu Nội Bài, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đều nhận được đề nghị cho ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương, vào khu vực cách ly sân bay. Tuy nhiên, cuối cùng, đề nghị này đã không được giải quyết.
Cụ thể, đề nghị trên của ông Vũ Huy Hoàng là xin được tạo điều kiện cấp thẻ an ninh cho vào khu vực cách ly sân bay để tiễn người thân đi công tác nước ngoài.
Rời ghế Bộ trưởng, nghỉ hưu chưa lâu, người ta vẫn thấy ông Vũ Huy Hoàng đi nước ngoài bằng hộ chiếu công vụ - Ảnh: CTV
Đề nghị trên cũng đã được Bộ Công Thương hỗ trợ bằng một công văn gửi tới các cơ quan: An ninh Sân bay Nội Bài, Công an Cửa khẩu Nội Bài, Hải quan sân bay, Cảng vụ Hàng không Miền Bắc, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và cả Tổng công ty Hàng không Việt Nam đề nghị giải quyết cho ông Hoàng.
Theo đó, các cơ quan này nhận được đề nghị tạo điều kiện cấp thẻ an ninh, cho phép nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được vào khu vực cách ly để tiễn người thân đi nước ngoài. Bộ này cam kết sẽ có người của bộ đi kèm ông Vũ Huy Hoàng.
Nguồn tin cũng cho hay chuyến bay có người thân của ông Vũ Huy Hoàng đi nước ngoài mà ông này muốn vào khu vực cách ly để "đưa tiễn" có số hiệu VN 512 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), khởi hành lúc 10 giờ 10 phút sáng ngày 5-5-2017.
"Thực tế là cả ngày hôm đó (5-5) không có ai được vào khu vực cách ly cả. Tất nhiên là không có cả ông Vũ Huy Hoàng", nguồn tin (xin giấu tên) từ một cơ quan nhận được văn bản đề nghị cấp thẻ an ninh cho ông Hoàng khẳng định.
"Không có một cơ quan nào giải quyết chuyện này cả: Tổng công ty Hàng không cũng không, An ninh cũng không, Hải quan cũng không có thông báo, không có ý kiến gì nên không có hoạt động nào được triển khai ở khu vực cách ly hôm đó", một nguồn tin chính thức của cho biết thêm.
Việc đề xuất cho ông Vũ Huy Hoàng có quyền đi vào khu vực cách ly sân bay tại thời điểm này được cho là "nhạy cảm". Vì ông Vũ Huy Hoàng vừa phải nhận các mức kỷ luật chưa từng áp dụng với một cựu thành viên Chính phủ trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, ông Hoàng đã bị Ban bí thư Trung ương Đảng thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016).
Thời điểm đó, Ban bí thư kết luận ông Vũ Huy Hoàng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016 với vai trò Bí thư Ban cản sự Đảng. Ông Hoàng còn được cho là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, điều động con trai tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sabeco.
Những điều này được cho là vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Hoàng còn được cho là đã buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố. Trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh (đã bỏ trốn ra nước ngoài và bị truy nã quốc tế).
Ngay sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng là xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương do ông Hoàng "đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng".
Do đó, việc ông Hoàng đã bị xoá tư cách "nguyên Bộ trưởng" nhưng vẫn được đề nghị cấp thẻ an ninh với tư cách này có thể là một lý do mà các cơ quan chức năng từ chối không để cho ông này được quyền ra vào khu vực cách ly sân bay.
Bình luận (0)