Ông Nguyễn Xết đã có 5 nhiệm kỳ làm trưởng vạn (tức 15 năm), trở thành người có thâm niên giữ chức trưởng vạn lâu nhất của làng chài thôn Hải Tân, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. "Ban đầu được tín nhiệm cũng khoái. Nhưng sau cái sự khoái ấy là trách nhiệm với bà con, với cộng đồng" - ông Xết bộc bạch.
Kết nối cộng đồng
Tôi về thôn Hải Tân, một làng biển nằm bên cửa biển Mỹ Á. Nghe tôi hỏi thăm về ông Nguyễn Xết, nhiều người chỉ ra mé biển. Ông Xết đang bắt tay làm loa gọi những chủ tàu trẻ tuổi ra khơi nên cẩn thận tay lái kẻo tàu va đá ngầm.
Nghe hỏi chuyện, ông Xết nheo mắt, cười: "Thì dân ở đây sống cùng biển. Mình làm trưởng vạn là để kết nối cộng đồng".
Ông Nguyễn Xết
Ông nhớ nhất là cái năm đầu tiên làm trưởng vạn. Năm đó, cát bồi lấp dữ dội cửa biển Mỹ Á. Nhiều con tàu mắc cạn, ngư dân phải bỏ tàu cố sức bơi vào bờ. Rồi thủy triều lên, sóng đánh vô, nhiều ngư dân bất lực nhìn tàu tan từng mảnh.
Thấy biển bồi dữ quá nên trên 150 con tàu trong vạn đã bỏ cửa biển Mỹ Á mà đi vào các cửa biển Sa Huỳnh, Sa Kỳ bán hải sản và tiếp nhiên liệu.
Tàu không về, cửa biển trống không. Hàng quán dọc cửa biển vắng khách hơn "chùa bà Đanh". Trước đây, sau mỗi chuyến biển, ngư dân tu sửa máy tàu nên cánh thợ sửa máy làm không hết việc, giờ thì khoanh tay nhìn ra cửa biển.
Khổ nhất là những người mẹ, người vợ, trước đây mỗi khi tàu về là tất bật chuyển cá tôm lên bờ rồi lo quang gánh chạy chợ kiếm thêm ít đồng cùng chồng san sẻ nuôi con. Giờ tàu không về, họ đâm ra thừa thãi, trong khi gia đình tứ bề thiếu thốn. Cánh dân chài đi bạn dở khóc, dở cười là làm ăn kiếm sống trên biển nhưng muốn về thăm nhà phải thuê xe thồ chở về quê chứ tàu có vào cửa biển Mỹ Á được đâu.
Ông Xết thấy biển bồi ngày càng dữ nên vội báo chính quyền xã, rồi xã báo cấp trên. Báo cáo thì nhiều nhưng chưa được hồi đáp nên thay vì chất vấn địa phương, bà con xoay qua chất vấn trưởng vạn. Ông Xết đâm bực mình, cự nự: "Bà con sốt ruột chứ tui không à? Nhưng chờ mà chưa có, hay bà con mình góp tiền nạo vét cửa biển đi". Ý của ông Xết bất ngờ nói ra lúc bực mình ai dè được nhiều người đồng thuận. Thế là ông xin ý kiến chính quyền rồi đi vận động bà con.
Cái khó là biển bồi khá lâu nên nhiều chủ tàu rơi vào cảnh khó khăn. Ông Xết cùng các thành viên trong ban vạn phải tốn công vận động bà con nhiều bận lắm. Rồi tiền vận động cũng được trên 40 triệu đồng. Có tiền, ông cùng ban vạn thuê xe đến nạo vét luồng cửa biển. Hôm cửa biển thông luồng, nhiều người tấm tắc khen ông Xết coi vậy mà được việc!
Nhưng rồi mùa đông đến, sóng ồ ạt tấn công vào cửa biển. Những hòn đá mồ côi lổm ngổm khiến cửa biển thành nơi bẫy tàu. Ông Xết lại mất ăn mất ngủ cùng cánh dân chài lo ứng cứu.
Thoát nạn nhờ trưởng vạn
Ngư dân Võ Đồng nói: "Không nhờ ông Xết thì tui phải đi bạn chứ còn tàu đâu mà làm chủ". Ấy là vì cách đây vài năm, khi tàu của anh Đồng vào cửa biển, mắc cạn rồi sóng lớn đánh chìm. Nghe tin, ông Xết tức tốc điều tàu của mình cùng 3 chiếc tàu của anh em trong vạn chạy ra cửa biển. Họ hụp lặn mắc dây kéo tàu bị nạn lên trong sóng gió quăng quật. Có lúc sóng bổ mạnh quá, tàu của ông Xết tưởng đâm vào bãi cạn.
Không chỉ riêng tàu anh Đồng, tàu ông Nguyễn Mai, Trần Cu Ly… cũng đều thoát nạn nhờ trưởng vạn Nguyễn Xết huy động bà con ra ứng cứu.
Tranh thủ khi không bận việc vạn, ông Nguyễn Xết lại cùng vợ vá lưới chuẩn bị ra khơi
Ở cửa biển Mỹ Á cũng như nhiều cửa biển của tỉnh Quảng Ngãi, khi tàu bị nạn, bà con chung sức cứu giúp mà chẳng ai đòi tiền công cán, xăng dầu. Nhưng sau khi được cứu, nhiều tàu hư hỏng nặng, ngư dân phải chạy tới chạy lui vay tiền sửa chữa nên khó khăn lắm. Ông Xết là người hay động lòng nên biết bao lần âm thầm đi vận động bà con "lá lành đùm lá rách".
Nhiều lần vận động, ông nghĩ ra cách xin phép chính quyền cho ngư dân lập cái quỹ hỗ trợ ngư dân trên cơ sở tự nguyện. Cứ mỗi chuyến biển kéo dài từ 15 đến 20 ngày, tàu nào trở về mà khấm khá thì tự nguyện đóng tiền vào quỹ. Tàu nào hỏng bánh lái hay bị "tàu lạ" tông hư hỏng thì quỹ hỗ trợ 5 triệu đồng. Còn như trường hợp tàu của ngư dân Nguyễn Vũ hư hỏng nặng thì ngoài khoản hỗ trợ của quỹ, ông Xết còn vận động bà con góp thêm 35 triệu đồng. Số tiền không nhiều nhưng đó là cái tình của bà con với nhau và sáng kiến của ông Xết.
Dân biển quen "ăn sóng, nói gió" nên đã thành lệ, cứ sau chuyến ra khơi đối mặt với sóng gió trở về là chén chú chén anh. Nhiều khi anh em quá đà nên ồn ào say sưa mất trật tự trong thôn. Nghe bà con than, ông Xết lại cùng công an thôn đi động viên anh em vui nhưng nên có chừng mực.
Ông Xết bộc bạch: "Dân biển mà. Sống nhờ biển khơi nên cần thành tâm". Bấm ngón tay, ông nhẩm tính một năm có 3 lần làm lễ "xuất binh" ra khơi, rồi tổ chức lễ hát hầu ông Nam Hải, lễ hoàn nguyện tạ ơn Ông phù hộ độ trì làm ăn vượt qua sóng gió.
Cứ mỗi dịp lễ thì nửa tháng trước đó, ông cùng ban vạn họp bàn rồi tỏa đi vận động đóng góp. Tiếp đến, ông lại cùng ban vạn lo mở cửa dọn dẹp miếu bà lăng Ông Nam Hải, rồi lau sửa trống chiêng. Cực nhọc cả tháng trời nhưng đến ngày lễ, thấy bà con trong làng tề tựu đông đúc, ông mừng ra mặt. Bởi theo ông, người làng giàu hay nghèo thì việc đóng góp tùy thuộc vào từng phương tiện làm ăn. Có ngày lễ vạn thì tình làng nghĩa xóm mới bền chặt, mới giúp nhau vượt qua khó khăn trên biển.
Tránh né sao được
Ông Xết nhậm chức trưởng vạn không lương nhưng tính ra bận rộn thật nhiều. Đến mùa, ông cũng là dân biển lên tàu vươn khơi. Trở về chưa kịp nghỉ ngơi thì đã bận rộn chuyện làng, chuyện xóm. Biết vậy nên lúc vợ con phàn nàn chuyện "vác tù và hàng tổng", ông hay trần tình: "Bà thấy đó, tui cũng cố gắng làm ăn, từ con tàu gỗ đánh bắt gần bờ bây giờ đã có tàu công suất 150 CV cũng đánh bắt ở ngoài khơi đảo Lý Sơn hay ra tận vùng ngư trường Quảng Nam, Đà Nẵng. Con cái mình cũng học hành rồi làm ăn bài bản chứ có kém ai".
Tháng năm đi qua. Cửa biển thường bị cát bồi giờ nhà nước đầu tư xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền vững chãi. Trong vạn chài, nhiều hộ đóng được tàu to. Chỉ cái chức trưởng vạn của ông Xết thì vẫn chưa có ai thay thế.
Ông Xết nói vui: "Thấy làm ông trưởng lâu quá nên có lần mình thoái thác nhưng rồi bà con tín nhiệm lại bầu. Thôi thì chuyện xóm, chuyện làng tránh né sao được".
Vợ ông Xết biết sự thành tâm của ông với người làng nên có muốn cũng chẳng thể bắt bỏ chức trưởng vạn. Nhiều lúc dân trong vạn còn thấy bà thay ông đi quyên góp tiền của.
Tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Quang, khẳng định: "Có một người làm trưởng vạn như ông Nguyễn Xết là may lắm. Nhờ có ông nên tình làng nghĩa xóm ở làng biển này thêm bền chặt".
Ông Mai Cho, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang, thì nói: "Nghiệp đoàn nghề cá của xã được hình thành và phát huy vai trò của mình trong việc giúp ngư dân vươn khơi bám biển là nhờ có những người như ông Nguyễn Xết. Không có những người như ông tập hợp bà con trong vạn, động viên và nêu rõ mục đích ý nghĩa của nghiệp đoàn thì bà con làm sao mà hưởng ứng được".
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)