Trong tuần thì lo in báo chí, bản tin, truyền đơn, áp phích. Tối và cuối tuần thì in lai rai vài ấn phẩm thương mại vừa đủ để kiếm sống.
Thât ra, nếu muốn, PCK không thiếu hợp đồng, vì những năm 60, nhà in PCK là nhà in duy nhất ở Paris có trang bị hai máy linotype tiếng Việt. Trong lúc nhiều nhà in khác còn sắp chữ tay, máy linotype đúc chì theo tốc độ đánh máy. Nét chữ của nhà in PCK rất sắc, vì mỗi lần in xong, bản kẻm được bỏ vào lò nung để đúc chữ mới.
Yêu cầu trong cuộc sống của ông bà chủ nhà in thật giản dị. Mỗi ngày, cứ đến 12 giờ trưa, là bà lại dọn ra bữa cơm văn phòng : một bát canh, một món kho mặn và một món xào.
Ông bà chủ nhà in, anh Phùng Bá Ngà, cháu và thợ đánh linotype, anh Phùng Công Phái, cháu và thợ in, cùng hai biên tập của báo Đoàn Kết cùng nhau đánh chén. Lâu lắm ông chủ mới thưởng cho một ly rượu vang loại thường.
Thỉnh thoảng, nếu có xem phim, ông bà chỉ xem khi có phim về Việt Nam, như của bà Madeleine Riffaud, hay Joris Ivens…Xem văn nghệ thì cũng chờ khi có sinh hoạt Hội. Khi đó, bà lại làm thêm vài cái bánh mang theo để bán lấy tiền gây quỹ Hội.
Hoạt động thông tin báo chí ở Paris trong thời gian Hội nghị Paris khá sôi nổi. Mỗi tuần, sau phiên họp báo của các đoàn đàm phán, ban biên tập báo Đoàn Kết phải mất 2 ngày để soạn bản tin, hai ngày để đúc chì, làm bản kẽm, một ngày để in ấn và gởi đi khắp nơi. Mỹ, Canada, Tây Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Nhật…Và tiếp theo, các báo chí của từng địa bàn như Thời báo Gà (Mỹ), Kết hợp (Bỉ) , Thế Hệ (Canada), Hòn Kẻm (Tây Đức), Sứ Mệnh (Nhật Bản) lại tiếp tục truyền đi những tin tức nóng hổi của Hội nghị.
Một mặt trận ngoại giao nhân dân đã kết hợp thanh niên sinh viên khắp các nước Âu Mỹ Á Úc, mà trong đó, nhiều anh chị phải chờ đến sau ngày giải phóng mới gặp mặt nhau, mặc dù đã tham gia « nối vòng tay lớn » suốt bao năm dài.
Ngày 27.01.1973, ngày ký kết Hiệp định Paris, là một ngày trọng đại. Những văn bản được mở ra dưới ngòi bút của các trưởng phái đoàn đàm phán cũng được in tại nhà in PCK.
Trước sự lùng sục của hàng trăm phóng viên báo chí quốc tế, người nào cũng muốn có trong tay sớm nhất nội dung của bản hiệp định, ông Khải đã phải một mình, thức suốt đêm vừa đánh linotype, vừa làm bản kẻm, vừa in và đóng bìa.
Bản in được chuyển từ nhà in đến hội nghị qua nhiều chặng xe khác nhau để tránh trường hợp có người tìm cách gây sự cố hòng có được văn bản trước giờ ký kết.
Người thợ già Phùng Công Khải, như thường lệ suốt hơn 50 năm hoạt động trong Phong trào Việt kiều ở Pháp, không hề để lọt ra ngoài bất cứ một tài liệu, văn kiện nào trong tay ông.
Viết về một sự kiện, một thành tích thì dễ. Viết về một cuộc đời bình dị, kiên trì, khiêm tốn, tượng trưng được cho phong cách của Phong trào Việt kiều tại Pháp như cuộc đời ông bà Phùng Công Khải là một việc rất khó.
Nhưng tưởng nghĩ chỉ một vài dòng cũng đủ kỷ niệm một thời chưa xa.
Bình luận (0)