Đây là tang vật của các đối tượng dùng để sản xuất bột ngọt giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Miwon, A-one, Thai Fermentation Ind. Co., Ltd…
Trước đó, lúc 16 giờ ngày 30-5, Công an TP Huế phát hiện ông Lê Quý Hiệp (63 tuổi, trú TP Huế) vận chuyển 200 gói bột ngọt giả nhãn hiệu Thai Fermentation Ind. Co., Ltd. Kiểm tra tại nhà ông Hiệp, công an phát hiện 765 gói bột ngọt loại 0,5 - 1 kg mang các nhãn hiệu: Miwon, A-one, Thai Fermentation Ind. Co., Ltd…; 11.400 mẫu vỏ bao bì có các nhãn hiệu trên cùng máy ép bao bì.
Kiểm tra tiếp, công an phát hiện và thu giữ 70 kg bột ngọt Trung Quốc nhập lậu ở nhà Nguyễn Thị Ánh Minh (trú TP Huế) và nhiều bao bì mang nhãn mác giả và máy ép bao bì ở nhà Lê Thị Lan (gần đó). Từ lời khai của ông Hiệp và bà Minh, công an thu giữ 1.067 gói bột ngọt giả các loại đã thành phẩm ở nhà bà Lê Thị Lập (49 tuổi). Đây là những gói bột ngọt do ông Hiệp, bà Minh làm giả giao cho bà Lập bán kiếm lời.
Thượng tá Trương Minh Tuấn, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP Huế, cho biết nguồn bột ngọt Trung Quốc và các bao bì nhái trên do bà Trần Thị Mỹ Hương (41 tuổi, trú TP Huế, hành nghề buôn bán tại chợ Đông Ba) cung cấp. Bà Hương khai mỗi bao bột ngọt Trung Quốc nhập lậu có trọng lượng 25 kg được bán cho các đầu mối với giá 830.000 đồng.
Sau khi mua hàng của bà Hương, các đối tượng trên đưa về nhà chia nhỏ, đóng gói vào các nhãn hiệu giả rồi đưa ra các chợ ở TP Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện Hương Trà, A Lưới, Phong Điền và tỉnh Quảng Trị tiêu thụ. Đặc biệt, để đánh lừa người mua, sau khi lấy bột ngọt Trung Quốc đóng gói hiệu Thai Fermentation Ind. Co., Ltd, các đối tượng này còn đưa hàng lên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), sau đó nhập trở lại TP Huế và các huyện lân cận.
Từ tháng 3-2013 đến nay, các đối tượng trên đã biến gần 8 tấn bột ngọt Trung Quốc nhập lậu thành các nhãn hiệu bột ngọt nổi tiếng và đưa đi tiêu thụ. Thượng tá Trương Minh Tuấn cho biết đang tiếp tục điều tra mở rộng, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.
Bình luận (0)