Làm khó nhà mạng nhỏ
Dịch vụ VoIP quốc tế chiều về từng được xem là nguồn thu béo bở của các nhà mạng vì đầu tư ít, nguồn thu cao. Nhiều nhà mạng còn “bán cái” dịch vụ này cho doanh nghiệp nước ngoài để ngồi không thu chênh lệch. Vì vậy, nhiều nhà mạng lớn đã đua nhau phá giá VoIP quốc tế chiều về để thu hút nhà mạng nước ngoài chuyển lưu lượng vào mạng của mình.
Trước thực trạng này, cơ quan quản lý Nhà nước đã phải ra chế tài ngăn chặn. Theo đó, một số nhà mạng có dịch vụ VoIP quốc tế chiều về đã phải ngồi lại tìm cách “liên thủ” để tránh rơi vào cảnh “cạnh tranh thái quá, cả nhà cùng khổ”. Tuy nhiên, vì lợi ích riêng, thay vì bắt tay nhau, các nhà mạng lại đua nhau phá giá.
Theo quy định của Bộ TT-TT, mức giá cho dịch vụ VoIP quốc tế chiều về là 855 đồng/phút và hành vi bán dưới 15% mức giá này là phá giá và sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, giá dịch vụ VoIP quốc tế chiều về của nhà mạng trong nước đã giảm xuống còn 2,65 cent/phút (khoảng 560 đồng/phút). Trong khi đó, mức cước mà người Việt Nam hoặc người nước ngoài gọi đến Việt Nam từ nước ngoài vẫn phải trả trung bình 1 USD/phút, thậm chí có nước “chặt” 2-3 USD/phút.
Ngược lại, cước bình quân kết nối từ Việt Nam đi 20 quốc gia khác mà nhà mạng trong nước phải trả cho nhà mạng nước ngoài là 5,4 cent/phút, thậm chí nhiều nước cao hơn như Philippines là 11,7 cent/phút, châu Âu là 10 cent/phút.
Theo nhận định của giới chuyên môn, việc đua nhau phá giá VoIP quốc tế chiều về đã làm nhiều nhà mạng nhỏ lâm vào khó khăn do giá bán quá thấp.
Sẽ xử nghiêm vi phạm
Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết chủ trương của Bộ TT-TT là quản lý bằng cơ chế thị trường, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. “Tuy giá bán dịch vụ do doanh nghiệp tự quyết định nhưng không được bán dưới giá thành” - ông Thắng nói.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng còn khẳng định hiện các văn bản pháp quy quản lý kinh doanh dịch vụ VoIP quốc tế chiều về đã khá chặt chẽ. Song thực tế, hầu hết nhà mạng lại không nghiêm túc thực hiện các quy định này. Vì vậy, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) phải có trách nhiệm giám sát và đề xuất xử lý nếu có sai phạm. “Bộ TT-TT sẽ chỉ đạo Cục Viễn thông thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh dịch vụ VoIP quốc tế chiều về trong thời gian sớm nhất. Căn cứ vào mức độ vi phạm của các doanh nghiệp để xử lý. Trong trường hợp cần thiết có thể thu hồi giấy phép” – ông Thắng quả quyết.
Còn theo tin từ Cục Viễn thông, cơ quan này vừa gửi văn bản yêu cầu tất cả các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về phải báo cáo tình hình kinh doanh dịch vụ này. Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cùng cơ quan này giải quyết triệt để việc bán phá giá dịch vụ VoIP quốc tế chiều về ngay trong tháng 9-2012.
Thiệt hại 43 triệu USD/năm
Theo số liệu dịch vụ VoIP quốc tế chiều về của Bộ TT-TT, tổng lưu lượng gọi về Việt Nam bình quân khoảng gần 250 triệu phút/tháng. Nếu các nhà mạng giữ đúng mức giá 4,1 cent/phút theo quy định của Bộ TT-TT, mỗi năm các nhà mạng thu về 123 triệu USD. Song thực tế, với mức giá chưa đến 2,7 cent/phút, số ngoại tệ thu về chỉ được gần 80 triệu USD, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước. Hiện cả nước còn 5 doanh nghiệp cung cấp VoIP quốc tế chiều về là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT (có 3 doanh nghiệp trực thuộc cung cấp dịch vụ là VTI, VASC, VDC), Viettel, Hanoi Telecom, CMC, FPT Telecom. |
Bình luận (0)