Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo tóm tắt về việc phá rừng phòng hộ ở thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, gửi tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Thanh Hóa. Hiện cơ quan này đang tiếp tục phối hợp với cấp cơ sở kiểm tra lại số rừng bị tàn phá để củng cố hồ sơ, xử lý trách nhiệm của những người liên quan.
Gỗ “vô chủ” đầy rừng
Để chứng kiến những khu rừng bị tàn phá ở thôn Cụt Ạc, chúng tôi phải đi bộ 10 km đường rừng từ thôn Cụt Ạc mới đến được điểm tập kết gỗ. Dọc lối mòn hun hút, thấy rất nhiều khúc gỗ tươi rói, chất đống nằm bên đường hay dưới những suối nhỏ chưa được lâm tặc đưa ra khỏi rừng.
Sau nhiều giờ luồn rừng dưới mưa và con đường nhầy nhụa đất đỏ, trước mắt chúng tôi là bãi gỗ vừa được bóc vỏ trắng tinh, cắt khúc dài khoảng 5-7 m nằm la liệt dưới lòng suối. Xa xa, một số người lúi húi đưa những khúc gỗ dưới suối lên bờ. Theo người dẫn đường, tình trạng phá rừng phòng hộ diễn ra khoảng 1 tháng trở lại đây vì thời điểm này nhiều mưa, họ đốn hạ rồi thả xuống suối, gỗ trôi đến bìa rừng thì sẽ có đội quân tập kết lại rồi đêm khuya đưa ô tô vào chở.
Men theo một lối mòn khoảng vài trăm mét, trước mắt chúng tôi là hàng loạt gốc cây mới đốn hạ đang rỉ nhựa. Đếm sơ qua có trên 20 gốc đường kính 30-50 cm, có gốc ôm không xuể.
Ông Cầm Bá Nhang, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, cho biết người dân lợi dụng vào việc một số hộ được xã cấp phép khai thác để phá rừng. “Tôi đã cấp phép cho 4 hộ dân khai thác gỗ nhưng họ khai thác không đúng cây, đúng vị trí nên lợi dụng việc này lâm tặc đã khai thác tràn lan, chính quyền không kiểm soát được nên sinh ra phá rừng” - ông Nhang thừa nhận.
Tham mưu không đến nơi, đến chốn
Theo người dân bản địa, lâm tặc khét tiếng ở khu Cụt Ạc chính là Tùng “điếc” (ngụ xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân), là cháu ruột của một phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân. Theo ông Nhang, khi phát hiện phá rừng, chính quyền địa phương đã lập đoàn đến kiểm tra và đưa số gỗ trên về, Tùng “điếc” đứng ra nhận là gỗ của mình và còn đe dọa cả tài xế (được chính quyền địa phương thuê vào chở gỗ), bắt phải đổ xe gỗ xuống cho y.
Bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cho biết xã Xuân Chinh ký giấy xác nhận cho người dân vào rừng khai thác là sai nguyên tắc. Đây là rừng phòng hộ, không phải rừng trồng nên người dân muốn khai thác thì phải lập danh sách số cây, vị trí khai thác; khi được huyện đồng ý và cán bộ kiểm lâm xuống đo đếm vị trí và số cây thì mới được khai thác. Cấp xã tham mưu không đến nơi đến chốn còn người dân thì hiểu biết ít nên mới xảy ra tình trạng phá rừng.
Liên quan đến người có tên là Tùng “điếc”, bà Hường khẳng định Tùng là cháu ruột của bà. Tuy nhiên, bà Hường nói không dung túng cho Tùng làm những việc trái pháp luật và sẽ xử nghiêm những người vi phạm, dù đó là ai.
Ông Lê Phú Vẽ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, thừa nhận việc khai thác rừng trái phép ở Cụt Ạc là có thật. “Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện có hơn 20 m3 gỗ được khai thác trái phép trong thời gian này. Trong đó, hơn 10 m3 đã được tập kết về UBND xã Xuân Chinh để xử lý, số còn lại khoảng 9 m3 đã bị “lâm tặc” lấy mất khỏi rừng. Đây toàn là gỗ tạp thuộc nhóm 7-8, chúng tôi đang cùng với công an huyện xuống địa bàn để điều tra, vận động người dân tố giác để tìm ra thủ phạm” - ông Vẽ nói.
Liên quan đến vụ này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết đang chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân hoàn thiện hồ sơ, xem xét trách nhiệm của trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đồn, kiểm lâm viên địa bàn xã Xuân Chinh.
Nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật
Trong năm 2013 và đầu năm 2014, ở tỉnh Thanh Hóa xảy ra 2 vụ phá rừng quy mô lớn. Tháng 5-2013, tại khu vực rừng phòng hộ xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, lâm tặc triệt hạ và san phẳng 10 ha rừng. Sau đó, nhiều cán bộ kiểm lâm tại Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân bị xử lý và thuyên chuyển công tác.
Đầu năm 2014, trên địa bàn bản Na Đang, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh xảy ra phá rừng phòng hộ Sông Lò. Qua kiểm tra, có gần 10 m3 gỗ bị khai thác trái phép. Đến ngày 22-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã cách chức đối với ông Trương Tiến Quân, Trạm trưởng Trạm Hón Sài (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lò).
Bình luận (0)