Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi tìm đến xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Nơi đây có một bãi vàng mà không ai trong giới phu vàng các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên không biết tới: bãi vàng “Hốc Pờ Tó”.
Lật tung rừng tìm vàng
Hóa ra biệt danh “Hốc Pờ Tó” mỗi khi người ta nói đến nơi cùng cực của sự hẻo lánh là đây. Anh H. - một người dân địa phương - dẫn nhóm chúng tôi theo con đường mòn lên đỉnh núi, tiếp cận những bãi vàng.
Theo anh H. trước đây không có con đường này. Chỉ từ ngày phát hiện ra khu vực có vàng thì “vàng tặc” mới mở đường để tiện cho việc khai thác, vận chuyển. Ngay đầu đường vào, vô số cành cây đã bị chặt xuống phủ các lối đi để ngụy trang, nhìn thoáng qua sẽ không phát hiện được. Đi khoảng chừng hơn 2 km, chúng tôi đã tiếp cận được bãi vàng rộng lớn, như một công trường xây dựng hiện ra trước mắt. Cạnh đó, một đỉnh núi lớn cũng bị máy xúc đào sạt lở. Phần thân núi, các phu vàng đã san ủi từng vạt rừng rồi đào đường hầm dẫn sâu vào lòng núi. Tại những hầm vàng này, cửa hầm chỉ rộng khoảng 1 m, cao chừng 2 m, được chống tạm bợ bằng những cây gỗ nhỏ. Trung bình mỗi hầm sâu chừng 15-20 m, càng đi sâu vào trong thì hầm càng có nhiều ngách.
Theo anh H., sau khi đào sâu vào lòng núi, vàng tặc sẽ đào các vỉa đất có vàng rồi mang ra ngoài đãi. Đến khi hết vỉa đất có vàng thì ngừng đào. “Cứ đào sâu vào trong, vỉa đất có vàng “ăn” theo hướng nào thì họ tiếp tục đào theo hướng đó. Nhiều hầm chỉ có 1 cửa nhưng vào trong thì có nhiều ngóc ngách như một địa đạo” - anh H. nói.
Nhìn các dấu vết để lại tại hầm vàng chúng tôi tiếp cận, anh H. khẳng định hầm vàng vẫn đang hoạt động. Tại khu vực này có rất nhiều hầm vàng cả cũ lẫn mới. Sở dĩ thời điểm hiện tại không có người đào vàng vì vào tháng 9-2016, chính quyền địa phương đã tổ chức truy quét. “Tuy nhiên, cứ một thời gian sau khi truy quét là vàng tặc lại tiếp tục hoạt động trở lại” - anh H. nói thêm.
Chưa truy quét, “vàng tặc” đã biết
Theo Công an huyện Ia Pa, ngày 29-9, đơn vị này đã cùng các ngành liên quan kiểm tra khu vực suối Đek. Tại Tiểu khu 1147 thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa (làng Bi Yông, xã Pờ Tó) đã phát hiện bãi vàng này. Tuy nhiên, tại hiện trường không có máy móc, phương tiện và đối tượng nào mà chỉ có bạt, ván gỗ, ống bơm nước, dấu vết dầu mỡ, nghi có khai thác vàng…
Trước vấn đề này, ông Hoàng Văn Tư, Chánh Văn phòng UBND huyện Ia Pa, nghi ngờ trước mỗi lần cơ quan chức năng truy quét đã bị rò rỉ thông tin. Chính vì vậy “vàng tặc” mới biết mà tẩu tán vật dụng. “Vì không bắt được người đào vàng và máy móc nên rất khó xử lý. UBND huyện sẽ phải tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình để triệt phá các tụ điểm này” - ông Tư khẳng định.
Trước đó vào năm 2015, Công an huyện Ia Pa đã phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra khu vực này thì phát hiện 1 máy đào, 1 máy ủi, 1 vị trí bị đào xới với diện tích 1.350 m2 và sâu khoảng 10-12 m để đãi vàng. Bên cạnh đó cũng phát hiện 5 lao động làm thuê từ tỉnh Hòa Bình vào đào vàng tại đây. Sau đó, tất cả phu vàng đều bị trục xuất, các hầm vàng bị phá hủy, phương tiện bị thu giữ.
Đến tháng 1-2016, Công an huyện Ia Pa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa kiểm tra khu vực suối Đek một lần nữa thì lại phát hiện một nhóm đối tượng đang đãi vàng trái phép. Khi thấy lực lượng chức năng, nhóm này đã bỏ chạy và để lại 2 máy nổ, 1 máng đãi vàng.
“Làm gì có vàng mà khai thác!”
Mặc dù Công an huyện Ia Pa đã kiểm tra và xác định có tình trạng khai thác vàng tại khu vực suối Đek nhưng trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 21-11, ông Lê Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Pờ Tó, khẳng định: “Làm gì có vàng mà khai thác”. Theo ông Nam, các hầm vàng đã bỏ từ lâu, bị san phẳng hết rồi, khoảng 2 năm nay bãi vàng không còn khai thác. “Còn chuyện dân đào bằng tay thì họ thích thì làm. Mình phát hiện thì tịch thu dụng cụ, đuổi luôn chứ máy móc thì không có” - ông Nam nói.
Bình luận (0)