Trước sự cố bất ngờ này, lẽ ra các cơ quan chức năng nên hoãn buổi xin lỗi hoặc ổn định trật tự mới tiếp tục tiến hành. Thế nhưng, mặc ai la ó, mặc ai lo sợ, vị đại diện pháp luật vẫn có người cố che chắn để ráng đọc nốt văn bản xin lỗi trong sự phản cảm khó ngờ. Tất nhiên, buổi xin lỗi được xem như hoàn tất nhưng người được xin lỗi - ông Hàn Đức Long - làm sao thấy nguôi ngoai nỗi oan ức của mình. Ông càng không thể cảm nhận được sự thành tâm của vị đại diện cơ quan pháp luật trước nỗi oan khuất mà ông phải chịu bao năm ròng.
Nào phải riêng vụ việc này, đã có không ít những vụ xin lỗi người bị oan sai được tổ chức rất hời hợt và vô cảm diễn ra khắp nơi. Vài người đại diện cơ quan chức năng cùng cán bộ địa phương đến nhà người bị tù oan đọc qua văn bản xin lỗi, gượng gạo bắt tay vài người thế là xong. Trong khi đó, người bị oan sai đã phải sống khổ sở, tương lai bị hủy hoại, gia đình mang tiếng nhơ, con cái mất cơ hội vào đời, sống trong mặc cảm tội lỗi... Nỗi đau đó đã không được thấu hiểu và chia sẻ qua những cuộc xin lỗi, thậm chí người được xin lỗi cảm thấy mình bị xem thường hơn, đau đớn và uất ức hơn.
Thực trạng này đã được chính Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong thừa nhận tại cuộc họp đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) vừa được tổ chức vào đầu tháng 4. Khi bắt người thì huy động các cơ quan rầm rộ vào cuộc. Tòa án hùng hồn kết tội đẩy người ta vào tù. Nhưng khi xin lỗi công khai thì chóng vánh chưa đầy 2 phút. Oái ăm hơn, đến nay, những quy định về việc tổ chức xin lỗi người oan sai như thế nào, quy chuẩn ra sao cũng chưa có. Bởi vậy, không ít cuộc xin lỗi chỉ là làm cho xong chuyện, cán bộ thở phào xem như hết trách nhiệm.
Hãy học văn hóa xin lỗi của người Nhật, nhìn cách họ cúi đầu trước người được xin lỗi để thấy sự thành tâm. Cách đây không lâu, khi Nhật Bản tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã xin lỗi những người nông dân nước này vì ông biết TPP sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Ông đã đến tận cánh đồng cúi đầu thật thấp trước một người nông dân đang làm ruộng và tỏ lời. Hình ảnh đó đã truyền ra khắp thế giới và mang thông điệp về sự chân thành, trách nhiệm trước người dân của vị thủ tướng.
Xin lỗi - điều cốt yếu nhất chính là sự chân thành. Từ đó, người xin lỗi thấu hiểu và sẻ chia với người bị oan, mang nỗi đồng cảm này tự nhận ra trách nhiệm của mình và không để những vụ việc tương tự xảy ra.
Xin lỗi phải có văn hóa. Nếu không làm được điều này thì cũng đừng mang sự vô cảm đến với người khác. Thiếu chân thành, một cuộc xin lỗi dễ trở thành một sự mai mỉa trên nỗi đau của người khác.
Bình luận (0)