Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2016, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp (DN) trên cả nước là 7.580 tỉ đồng, chiếm 3,22% so với số phải thu (số nợ cùng kỳ năm 2015 là 9.920 tỉ đồng). Trong tổng số nợ trên, nợ về BHXH lên đến hơn 6.551 tỉ đồng.
Chiếm dụng hàng ngàn tỉ đồng
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, phân tích hiện có một số hình thức nợ như: DN nợ toàn bộ số BHXH phải đóng nên người lao động (NLĐ) không được thụ hưởng chính sách BHXH; một số DN làm ăn được nhưng cố tình không đóng BHXH; một bộ phận DN thực sự khó khăn, không có khả năng đóng BHXH.
Công nhân một doanh nghiệp tại quận 7, TP HCM ngừng việc đòi quyền lợi về BHXH Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Theo ông Liệu, khởi kiện chỉ là một bước của án dân sự. Trước đó, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các địa phương chủ động thanh tra tất cả đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên. Thời gian qua, cơ quan BHXH rất quyết liệt và chỉ đạo sát tình hình khởi kiện, xử lý nợ đọng BHXH. Cơ quan BHXH đã phân loại cụ thể DN nào cần thanh tra, DN nào cần khởi kiện và cung cấp đầy đủ hồ sơ khởi kiện cho tổ chức Công đoàn (CĐ) để chuyển lên tòa án.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết từ ngày 1-1-2016, khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực, đặc biệt từ ngày 1-7-2016, khi Luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực, việc khởi kiện DN vi phạm pháp luật về BHXH làm mất quyền lợi của NLĐ, tập thể NLĐ đã được chuyển giao từ ngành BHXH sang tổ chức CĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã ký kết quy chế phối hợp với BHXH Việt Nam về cung cấp thông tin định kỳ (số tiền nợ, thời gian nợ...). Đến nay, đã có 59/63 LĐLĐ tỉnh, TP ký kết quy chế phối hợp với BHXH đồng cấp.
Về việc khởi kiện DN, năm 2016 đã có 52 LĐLĐ tỉnh, TP trên cả nước nhận được từ cơ quan BHXH hơn 1.150 hồ sơ DN nợ BHXH. Trong đó có 11 LĐLĐ tỉnh, TP khởi kiện ra tòa 76 DN. “Trong tháng 2-2017, 16 LĐLĐ tỉnh, TP sẽ tiếp tục khởi kiện 74 DN nợ BHXH để đòi lại quyền lợi cho NLĐ” - ông Quảng nói.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo ông Lê Đình Quảng, dù Tổng LĐLĐ, CĐ các cấp đã vào cuộc hết sức quyết liệt, coi việc khởi kiện DN vi phạm pháp luật về BHXH là nhiệm vụ cấp bách nhưng do các quy định, hướng dẫn chưa đồng bộ, khó khăn trong thực hiện nên chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Đến nay, trong số 76 đơn CĐ khởi kiện DN thì có 12 đơn bị tòa án trả lại. Lý do được tòa viện dẫn là chưa đúng thủ tục ủy quyền của CĐ cơ sở cho LĐLĐ cấp huyện hoặc tỉnh; số còn lại vẫn chưa được xét xử.
Một trong những lý do khó khăn chính, theo ông Lê Đình Quảng, là quy trình khởi kiện của BHXH và tổ chức CĐ khác nhau. Trước đây, BHXH khởi kiện DN theo quy trình của luật dân sự nên trình tự, thủ tục đơn giản. Chỉ cần cơ quan BHXH cấp huyện hoặc tỉnh sau khi xác định được DN nợ BHXH, cơ quan BHXH đã sử dụng các biện pháp cần thiết mà không hiệu quả, họ sẽ nộp đơn đến tòa và tòa án sẽ thụ lý ngay.
Tuy nhiên, với tổ chức CĐ, việc khởi kiện DN ra tòa phải theo trình tự, thủ tục của quy định tranh chấp lao động tập thể về quyền. Theo trình tự này, CĐ cơ sở phải là nơi đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho CĐ cấp trên. Trong khi đó, CĐ cơ sở lại nằm trong DN, rất khó thực hiện quyền này.
Ngoài ra, việc áp dụng quy trình tố tụng về giải quyết tranh chấp lao động của pháp luật CĐ vào giải quyết khởi kiện nợ BHXH cũng rất phức tạp. Theo ông Quảng, trước hết, CĐ cơ sở phải đưa vấn đề tranh chấp ra với chủ sử dụng lao động, nếu không giải quyết được phải đưa qua hòa giải viên, nếu hòa giải không thành sẽ chuyển lên chủ tịch UBND quận - huyện xử lý. Ở cấp này, nếu các bên không đồng ý với quyết định của chủ tịch UBND cấp quận - huyện thì mới được khởi kiện.
Dẫn ví dụ tại tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa và TP Đà Nẵng, tòa án đã xử lý nhiều vụ kiện nợ BHXH. Tuy nhiên, ông Quảng cho biết đây là những vụ kiện mà NLĐ ủy quyền cho CĐ đứng ra khởi kiện chứ không phải CĐ chủ động khởi kiện theo quy định của Luật BHXH 2014. “Giữa các văn bản hướng dẫn về quy trình, các quy định của pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật BHXH, Bộ Luật Lao động, Luật CĐ, Bộ Luật Tố tụng Dân sự nên CĐ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai” - ông Quảng nói.
Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục khởi kiện
Để giải quyết những vướng mắc về thủ tục khởi kiện DN nợ BHXH, trong tháng 3-2017, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành với TAND Tối cao, BHXH Việt Nam, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội để bàn cách tháo gỡ những vướng mắc nhằm đưa những quy định về việc CĐ khởi kiện DN nợ BHXH được triển khai hiệu quả.
Bình luận (0)