Tại buổi tọa đàm Vấn đề hạn - mặn ĐBSCL và giải pháp được Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) tổ chức ngày 1-4, các chuyên gia cho rằng để chủ động hơn trong nguồn nước ĐBSCL nên xây dựng các không gian tích trữ nước vừa giảm ngập, giảm hạn.
Hậu quả dễ thấy
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về đất ngập nước, cho rằng ĐBSCL được thiên nhiên thiết kế rất tài tình với 3 túi nước có thể ví như 3 trái tim điều hòa mạch máu Mê Kông gồm Tonle Sap (Biển Hồ, Campuchia) và 2 vùng trũng tự nhiên ở Việt Nam là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. “Ba túi này cất giữ bớt nước để mùa lũ hiền hòa hơn rồi từ từ nhả ra để giúp sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn trong mùa khô” - ông Thiện nhấn mạnh.
Nguồn nước ở ĐBSCL đang cạn kiệt dần Ảnh: Ngọc Trinh
Thế nhưng cũng theo ông Thiện, trong quá trình phát triển kinh tế, khoảng 20 năm trở lại đây, 2 túi nước ở Việt Nam đã được xây dựng đê bao khép kín để canh tác 3 vụ lúa/năm. Nước lũ về không vào được bên trong túi nước đã gây ngập lụt các vùng bên dưới và nhanh chóng thoát ra biển. Đến nay, khả năng trữ lũ của Tứ giác Long Xuyên từ 9,2 tỉ m3 đã giảm xuống còn 4,5 tỉ m3 nên cũng giảm lượng nước hỗ trợ các dòng sông đẩy mặn, góp phần trầm trọng hóa tình trạng hạn mặn hiện nay.
Ngoài nguyên nhân trên, PGS- TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, phân tích thêm: Dung tích hồ Cảnh Hồng khoảng 249 triệu m3 nước, nếu xả 2.190 m3/giây như lãnh đạo Trung Quốc hứa thì chỉ khoảng 30 giờ là hồ cạn, cho nên chắc chắn không có chuyện xả liên tục mà chỉ có thể xả gián đoạn. Chưa kể dù cho Trung Quốc có xả đúng lượng cam kết cũng không có tác dụng đáng kể vì để đẩy mặn, ĐBSCL cần lượng nước hơn 10.000 m3/giây. Trong khi đó, các hồ đập thượng nguồn đang đe dọa lớn đến an ninh nguồn nước ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. Số liệu quan trắc trạm thủy văn trên dòng Mê Kông đổ vào Việt Nam như Neak Luong (Campuchia), Tân Châu, Châu Đốc... cho thấy mực nước bắt đầu giảm dần từ năm 2000, trùng khớp với thời điểm bắt đầu xây dựng hồ đập trên thượng nguồn.
“Tôi đi về vùng hạn, nghe người dân hát “Mỗi năm đến hè, mình xin nước xài…” mà giật mình. Rõ ràng, chúng ta đang rất bị động về nguồn nước trước các nước trên thượng lưu, trong khi chúng ta hoàn toàn có khả năng và giải pháp để chủ động hơn” - ông Tuấn nhận xét.
Theo ông Tuấn, một vấn đề đáng lo ngại khác là khi nghe thông tin Trung Quốc sẽ xả nước, nhiều nông dân đã vội vã xuống giống vụ hè thu. Đến nay vẫn chưa có nước, cây một số chết, một số chỉ mọc được loe ngoe, đơn cử như khu vực Hậu Giang. “Tuần này, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đưa thông tin dự báo về việc trong tháng 4, triều rút bớt, một số khu vực ven biển sẽ có nước ngọt. Đây là thông tin tốt để các tỉnh tranh thủ bơm nước ngọt sử dụng. Tuy nhiên, chi cục thủy lợi các tỉnh nên tính toán cụ thể nước ngọt có ở khu vực nào, trữ lượng cỡ bao nhiêu… để khuyến cáo, cảnh báo cho người dân. Tránh để lặp lại tình trạng người dân đổ xô xuống giống mới nhằm những vùng không có nước để rồi tiếp tục thiệt hại như đợt Trung Quốc xả nước vừa rồi!” - ông Tuấn đưa ra lời khuyên.
Chưa xem trọng chuyên gia!
Đáng lẽ trong tình hình hiện tại, các địa phương khu vực ĐBSCL cần những lời khuyên xác thực thì một điều trùng hợp là không ít chuyên gia tại tọa đàm đều cho biết có không ít các kết quả nghiên cứu của họ nhằm đối phó với hạn được công bố rộng rãi nhưng chính quyền lại... ngó lơ!
TS Dương Văn Ni, Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ - người nhiều kinh nghiệm dở khóc dở cười khi đưa những nghiên cứu của mình vào thực tế, tâm sự: Mấy năm trước, tôi thử nghiệm mô hình trồng sen ở Đồng Tháp, sen phát triển tốt, người dân bán được 70.000 đồng/kg nên phấn khởi vô cùng. Thế nhưng, qua năm sau rớt giá chỉ còn 10.000 đồng/kg!
Theo ông Ni, câu chuyện trên thể hiện việc địa phương nào cũng thấy cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng chuyển đổi và tỉ lệ cơ giới hóa đến đâu thì chưa có sự tính toán, nhất là không có một sự đầu tư đồng bộ.
“Thực tế, khoảng 40 năm trở lại đây, toàn bộ tập trung cho cây lúa, tỉ lệ cơ giới hóa cao, hạ tầng phục vụ cây lúa đã quá xa cho nên để quay lại là cả một quá trình. Cho tới giờ phút này, phần lớn cũng chỉ là những nghiên cứu đơn ngành về: giống, nước... mà thiếu công trình nghiên cứu tổng hợp từ đầu đến đũa! Chuyên gia thì cũng chỉ đứng xớ rớ bên ngoài khuyến cáo thôi chứ không có quyền quyết định” - ông Ni nêu lên các khiếm khuyết trong chính sách.
Chính vì vậy, theo ông Ni, đợt hạn, mặn năm nay cũng có mặt tích cực là một dịp để... giật mình! Chính quyền giật mình để nhìn nhận đầy đủ hơn về những tác động đến ĐBSCL, người dân giật mình về tính chia sẻ và liên kết về nguồn nước vì nhà bên cạnh bị mặn thì nhà mình cũng khó mà tránh được.
ĐBSCL đang chìm dần
TS Dương Văn Ni cho rằng điều đáng lo ngại nhất ở ĐBSCL hiện nay là các đập thượng nguồn đang “giết” ĐBSCL bằng việc ngăn phù sa. “Các đập thủy điện giữ từ 75%-90% lượng phù sa thô (cát, sỏi). Không có phù sa bù đắp nên đồng bằng này đang chìm từ từ, đây là vấn đề vĩnh viễn không có cơ may hồi phục” - ông Ni nhấn mạnh.
Bình luận (0)