* Phóng viên: TP HCM đang đối mặt với nhiều thách thức cần phải vượt qua và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP đã đề ra 7 chương trình đột phá. Theo ông, mục tiêu nào cần ưu tiên tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ này?
- Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong: Có thể thấy trong 7 chương trình đột phá thì 3 chương trình: giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và chỉnh trang, phát triển đô thị được đông đảo người dân quan tâm. Chính quyền TP đang tập trung triển khai hàng loạt dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông đô thị, chống ngập với quy mô lớn nhằm tổ chức khai thác hiệu quả hệ thống giao thông hiện hữu; tổ chức chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch và di dời, tháo dỡ, cải tạo, xây mới để thay thế chung cư cũ xuống cấp, giai đoạn 2016-2021.
* Được xem là đô thị “giàu có”, ông có thể phác thảo sự “giàu có” này của TP HCM trong tương lai gần?
- Đúng là tổng thu ngân sách của TP hiện giữ vị trí cao nhất cả nước nhưng để nói đô thị TP HCM “giàu có” thì chưa đủ; bởi lẽ dù TP có khấm khá hơn nhiều địa phương khác nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra rất cấp bách về hạ tầng, ngập nước, chỉnh trang đô thị cũng như công tác chăm lo an sinh xã hội. Năm 2016, kinh tế TP đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,05% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,72%); chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt; thị trường ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm; thu ngân sách vượt dự toán và tăng 10,8% so cùng kỳ. Tình hình đầu tư trong nước có chuyển biến tích cực với 36.000 doanh nghiệp (DN) được thành lập mới, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung đạt 496.571 tỉ đồng, tăng 35,8% so cùng kỳ. Đầu tư nước ngoài tiếp tục có chiều hướng phát triển tốt, đạt 3,7 tỉ USD. Hoạt động tín dụng ngân hàng ổn định và tăng trưởng tốt.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, TP tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 từ 8%-8,5%/năm. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo. Đặc biệt, tới năm 2020, TP sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn có thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm.
* Bên cạnh văn minh và hiện đại thì một trong những “đặc sản” của TP HCM là “nghĩa tình”. Ông có thể nói rõ hơn và chính quyền thành phố có những hành động cụ thể nào để phát huy yếu tố này?
Với đặc thù về lịch sử và tự nhiên của vùng Sài Gòn - Gia Định, con người TP hội tụ đầy đủ nét đẹp và trượng nghĩa của người dân Nam Bộ. Sự “nghĩa tình” được thể hiện rõ nét qua những việc làm, cách ứng xử của người dân TP trong cuộc sống hằng ngày cũng như những nghĩa cử cao đẹp “lá lành đùm lá rách” chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước khi gặp thiên tai. Có thể nói, phong trào “tương thân tương ái” của TP được người dân hưởng ứng nhiệt tình bằng cách này hay cách khác khiến cho TP trở thành nơi xuất phát trong công tác thiện nguyện. Những tấm lòng nhân ái, những gương sáng trong các phong trào, các hoạt động từ thiện xã hội ngày càng được nhân rộng, tạo nên không khí ấm áp trong một xã hội đầy tình người, làm sáng lên chủ nghĩa nhân văn cao cả, đại diện cho một tính cách, đặc trưng trong con người TP HCM. Đây là vốn quý của TP.
Đảng bộ, chính quyền TP sẽ nỗ lực hết mình bằng nhiều giải pháp để xây dựng và nuôi dưỡng nét đẹp ấy để nó trở thành hiện thân của nếp sống, cách nghĩ của mỗi người dân TP và thực sự trở thành nét văn hóa đặc trưng của TP HCM. Ở một góc độ khác, TP sẽ phát huy nét đẹp đó bằng việc hỗ trợ các địa phương khác trong phát triển kinh tế - xã hội thông qua cơ chế phối hợp liên vùng và chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương. Qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người của các địa phương có liên kết với TP với phương châm “TP HCM luôn cùng cả nước, vì cả nước”.
Bình luận (0)