Phóng viên: Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ông đánh giá sự suy thoái này ảnh hưởng như thế nào đến lòng tin của nhân dân với Đảng?
- GS-TS Hoàng Chí Bảo: Năm nay, chúng ta kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Hồ Chủ tịch, nếu tính từ ngày đặt bút đầu tiên đã là 49 năm. Hồi Cách mạng Tháng Tám, Đảng có chưa đầy 5.000 đảng viên. Nay Đảng cầm quyền đã 69 năm, đảng viên tăng lên gần 5 triệu người, lại hoạt động trong điều kiện có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, mất lòng tin là một thực tế, mà là thực tế nghiêm trọng. Chúng ta phải nhìn thẳng vào một điều rất “đau đớn” là hiện nay, thanh niên ngần ngại vào Đảng. Không phải chỉ thanh niên, nhân dân suy giảm niềm tin vào Đảng mà đang có sự suy giảm niềm tin của đảng viên với Đảng.
Dường như những gì Người vạch ra, tiên lượng từ gần 5 thập kỷ trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong những lời căn dặn của Bác, lời đầu tiên Người viết là “Trước hết nói về Đảng”, coi đó là việc trước tiên phải làm ngay sau khi cách mạng giải phóng miền Nam hoàn toàn thắng lợi. Tháng 5-1968, khi sửa Di chúc, Người viết rõ thêm về điều hệ trọng này: “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.
Trong Di chúc, Người còn khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” và dành cả một đoạn để nói về trách nhiệm của Đảng, về sự rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Toát lên trong toàn bộ nội dung bản Di chúc là lời căn dặn của Người phải củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Lời dặn đó của Bác vào lúc này càng trở nên cấp thiết, bức xúc và có tính thời sự rất cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, vậy đảng viên hiện nay đang ở đâu trong hành trình đi đến mực thước?
- Bác từng căn dặn: “Không phải cứ dán lên trán hai chữ cộng sản mà dân kính trọng yêu mến. Dân chỉ thực sự kính trọng những đảng viên cộng sản nào toàn tâm toàn ý vì dân, hy sinh cho cuộc sống dân tộc, phục vụ nhân dân”, “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Bác cũng nói về Đảng như một cơ thể sống, có quá trình đấu tranh cách mạng vẻ vang. Bác nói Đảng ta là một Đảng vĩ đại nhưng không phải lúc nào cũng vĩ đại nếu không còn trong sáng nữa. Bác cũng nói “đảng viên đi trước làng nước theo sau” và “cùng mắc lỗi như nhau, đảng viên phải xử nặng hơn gấp nhiều lần so với quần chúng ngoài Đảng để làm gương”. Chính vì vậy, Bác mới đặt ra yêu cầu rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên từ cán bộ đảng viên đến từng tổ chức Đảng.
Hiện nay, trong Đảng không phải thiếu tấm gương sáng, có nhiều cán bộ đảng viên toàn tâm toàn ý với dân, tận tụy hy sinh. Cho nên, nếu muốn lấy lại được lòng tin của dân thì phải thực hiện nghiêm túc lời Bác, trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể họ là ai.
Sắp tới là đại hội Đảng các cấp, công tác nhân sự đang trở thành vấn đề thời sự nhưng vẫn còn một số người không xứng đáng nằm trong hệ thống của Đảng. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Bệnh nể nang, dĩ hòa vi quý; nạn chạy chức, chạy quyền, con ông, cháu cha tồn tại rất lâu và thành thói quen khó sửa. Một số người năng lực yếu kém, đạo đức không tu dưỡng nhưng đang đảm đương nhiều cương vị, dân nhìn thấy cả. Chính những bộ phận này làm yếu Đảng. Vì vậy, nếu đánh giá, bố trí cán bộ không đúng, để lọt lưới kẻ cơ hội vào cương vị cấp cao sẽ rất có hại cho sự phát triển của Đảng, đất nước, lợi ích và quyền lợi của dân. Vì vậy, phải lựa chọn người xứng đáng, có đức có tài. Không có cách nào tốt hơn là phải thông qua đánh giá của dân. Dân sẽ cho ý kiến, kiến nghị, thậm chí kiểm tra giám sát để bảo đảm người được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo phải có đức, có tài.
Hiện nay, Bộ Chính trị đang triển khai Chỉ thị 36-CT/TW và Hướng dẫn của Ban Tổ chức trung ương về công tác nhân sự cấp ủy tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chỉ thị đặt ra yêu cầu và đòi hỏi rất cao đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng VKSND và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan ở cấp tỉnh, huyện không là người địa phương là để tránh được sự trì trệ, bảo thủ của cán bộ khi công tác lâu ở một địa phương; hạn chế những tác động không mong muốn của mối quan hệ họ hàng, người thân quen.
Bình luận (0)