Đó là nhà máy luyện cán thép Việt Pháp, dự kiến di dời từ thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) lên thị trấn Thạnh Mỹ của huyện miền núi Nam Giang thuộc tỉnh này.
Không lo mới lạ, khu vực dự định xây dựng nhà máy thép thuộc Công ty TNHH thép Việt Pháp nằm ở thượng nguồn của sông Vu Gia - Thu Bồn - nơi cấp nước sinh hoạt cho người dân rất nhiều huyện, thị, thành phố của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Formosa nằm bên biển, đại dương bao la như thế mà phải mất hàng chục năm (theo các nhà khoa học) thì những độc tố nặng mới có thể phân tán hết. Còn dự án này, nếu vi phạm về môi trường, đầu độc con nước đầu nguồn thì sức khỏe, tính mạng của hàng chục vạn người lập tức bị đe dọa.
Đáng nói nữa là dự án gần 1.000 tỉ đồng này không được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam thống nhất cho phép triển khai, chưa thuộc diện nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt, hiệu quả kinh tế tiên lượng thấp trong khi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, vậy mà vẫn được “đồng ý về mặt chủ trương” để di dời. Ở Điện Bàn, nhà máy đó từng gây ô nhiễm, bị người dân kéo tới phản đối. Khi lên Nam Giang, lấy gì bảo đảm sẽ hoàn toàn “sạch”!?
Quả là tư duy cục bộ, thấy lợi trước mắt thì làm đang khá phổ biến, mặc cho những bài học cay đắng về ô nhiễm môi trường vẫn còn sờ sờ trước mặt. Khi công luận lên tiếng phản biện thì nhà chức trách địa phương mới chịu đề cập tới một vấn đề hết sức quan trọng, đó là còn phải hỏi ý kiến người dân. Trong “tam giác” chính quyền - chủ đầu tư - dân sở tại, thành phần thứ ba đáng lý phải là quan trọng nhất nhưng thường bị xem nhẹ nhất. Nhìn lại các dự án như khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên), thép Cà Ná (Ninh Thuận), nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) và kể cả thép Việt Pháp, chẳng thấy đâu bóng dáng người dân. Chính họ đã chịu mất mát nhiều nhất sau các dự án mà hệ lụy từ các sự cố thủy điện liên tục xảy ra thời gian qua là bằng chứng không thể chối cãi.
Tiếng dân là vậy, vận nước thì sao? Bao nhiêu hồi chuông về thừa mứa thép từ nay đến cả chục năm sau đã gióng lên nhưng có ai nghe. Thép Thái Nguyên chết dở sau khi triển khai mở rộng dự án giai đoạn 2, đội vốn hàng ngàn tỉ, nay xin Chính phủ 1.000 tỉ đồng để giải cứu mà không được, bán thì chưa ai dám mua. Thế mà người ta vẫn lao vào thép và lao vào các dự án ngàn tỉ khác. Những đại án kinh tế tại Vinashin, Vinalines, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng Xây dựng, PVC… cộng dồn đã làm thất thoát mấy trăm ngàn tỉ đồng. Rất nhiều địa phương thu ngân sách èo uột nhưng vẫn chi bạo để rồi ngửa tay xin trung ương hỗ trợ hằng năm. Miếng bánh ngân sách có hạn trong khi nợ công đang bời bời mà ai cũng trông vào đó thì lấy đâu nguồn lực cho những mục tiêu phát triển khác.
Con người là trung tâm, vừa là động lực vừa là mục tiêu của mọi chính sách. Làm bất cứ điều gì mà không lắng nghe dân, không nghĩ đến phận dân thì chủ trương “lấy dân làm gốc” vốn đúng đắn đã bị đem làm bình phong, nói cho sướng miệng!
Bình luận (0)