Sau vụ “xẻ thịt” hồ Trị An (hồ thủy điện lớn nhất miền Nam) hồi năm 2004 đầy tai tiếng khiến hàng loạt cán bộ liên quan bị kỷ luật, đúng 10 năm sau, sự việc gần như tái diễn nhưng ở quy mô, cấp độ nhỏ hơn. Mặt hồ bị chia từng lô rộng từ 30 - 100 ha, biến thành của riêng để vài chục người có “máu mặt” hưởng lợi.
Tranh nhau “xí phần”
Khác với vụ việc xảy ra từ nhiều năm trước khi một số người câu kết “xẻ thịt” dùng đất đắp hồ thành nhiều ao cá để nuôi lâu dài, hiện tại, lòng hồ Trị An bị nhiều người “xí phần”, dùng cọc, lưới bao che chắn tạo thành từng ô, khoảnh rộng bát ngát.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những phần bị chiếm hữu này bỗng dưng trở thành tài sản bất khả xâm phạm. Vào mùa khô, nước rút, các “chủ hồ” cho đóng cọc, quây lưới. Lúc đầu, lưới, cọc hạ thấp gần đáy, khi mực nước cao lên dần vào mùa mưa cũng là lúc cá đến mùa vào bờ sinh sản. Khi đó, lưới được kéo lên cao, nhốt tất cả cá lớn, nhỏ vào bên trong. Khi mùa khô đến, “chủ hồ” chỉ việc thu gom lượng cá khổng lồ, thu lợi lớn mà không phải mất công nuôi.
Hạt kiểm lâm, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa (BTTNVH) Đồng Nai cho biết khu vực bị “phân lô” xí phần nhiều nhất là mặt nước hồ ở phía xã La Ngà, huyện Định Quán.
Hồ Trị An rộng 323 km2 thuộc địa bàn 2 huyện Định Quán và Vĩnh Cửu. Nếu đi xuồng cao tốc từ phía trụ sở Khu BTTNVH (huyện Vĩnh Cửu) về phía huyện Định Quán cũng phải mất vài giờ. Lợi dụng địa hình rộng lớn cộng với sự lơ là, chồng chéo trong quản lý của cơ quan chức năng, các “đại gia” nuôi cá có máu mặt tha hồ móc nối với nhau, ngang nhiên “làm ăn”.
Khi mặt hồ đã được xẻ ra từng khoảnh, trên mặt nước chi chít cọc, lưới và chòi canh của các “chủ ao” thì cơ quan chức năng có mặt cũng... không làm gì được vì không có đủ quy định, biện pháp chế tài. Thậm chí, các “chủ ao” còn thuê tay chân thân tín canh chừng, thấy có người lạ xuất hiện là lập tức tỏ thái độ hăm dọa.
Theo Khu BTTNVH Đồng Nai, vụ việc manh nha và lớn dần lên từ khoảng vài năm nay. Với trách nhiệm của mình, Khu BTTNVH Đồng Nai đã kiểm tra, cảnh cáo và xử phạt hành chính hơn chục trường hợp nhưng rồi đâu lại vào đó, thậm chí vấp phải sự chống đối quyết liệt.
Theo tìm hiểu, có 29 hộ dân là “chủ” của những diện tích lòng hồ chiếm giữ trái phép. “Chỉ những người có tiền và thế lực mới đủ điều kiện đầu tư như vậy. Còn cả ngàn hộ dân nghèo sinh sống bằng nghề đánh bắt thì chỉ bị thiệt thòi” - một ngư dân đánh bắt cá trên lòng hồ Trị An nói.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu BTTNVH Đồng Nai, cho biết việc xâm chiếm cả vùng rộng lớn lòng hồ khiến môi trường nước bị đe dọa, nguồn thủy sản tự nhiên cạn kiệt dần, gần 1.500 hộ dân ký hợp đồng được phép đánh bắt mưu sinh trên lòng hồ đối mặt với khó khăn.
“Đây là hành vi vi phạm quy định bảo vệ lòng hồ, làm ảnh hưởng đến an toàn, gây ô nhiễm, mất trật tự, mỹ quan, tận diệt các loài thủy sản, thủy sinh, ảnh hưởng trực tiếp hàng ngàn ngư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên lòng hồ” - ông Mùi bức xúc.
Chồng chéo trách nhiệm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên quan vụ việc, cách đây 2 tháng, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Định Quán và Khu BTTNVH Đồng Nai cùng phối hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm. Thường trực Tỉnh ủy cũng đã kiểm tra thực tế và yêu cầu UBND huyện Định Quán tháo dỡ, giải tỏa các cọc, lưới của các hộ dân bao chắn trái phép.
Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm của khu bảo tồn cho hay đơn vị này chỉ có thể kiểm tra, xử phạt hành chính và thu giữ các ngư cụ, thiết bị vi phạm chứ không thể cưỡng chế. Khu BTTNVH Đồng Nai cho rằng đơn vị mới được UBND tỉnh giao quản lý hồ Trị An thời gian gần đây, trong khi hành vi lấn chiếm trái phép nằm trên địa bàn huyện Định Quán nên UBND huyện phải có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, theo Khu BTTNVH Đồng Nai, việc tổ chức cưỡng chế luôn phải thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. “Đẩy trả lại”, UBND huyện Định Quán khẳng định không đủ thẩm quyền cưỡng chế trong trường hợp này mà chỉ phối hợp với Khu BTTNVH để giải quyết.
Sau nhiều cuộc họp, đến nay sự giằng co giữa các bên vẫn chưa ngã ngũ, còn một số người dân thì nhận định rằng đằng sau các hộ ngang nhiên xâm chiếm mặt hồ đều có sự hùn hạp, “chống lưng” của một số cán bộ chính quyền địa phương (!).
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nam Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết việc các hộ dân ngang nhiên lấn chiếm lòng hồ xảy ra từ năm 2012. Thời gian sau đó, do các hộ lấn chiếm trước không bị dẹp bỏ nên nhiều hộ khác theo nhau tiếp tục làm đăng, bửng vây hồ để thu lợi. Theo ông Biên, hồ Trị An do Khu BTTNVH Đồng Nai quản lý chính nên nếu huyện đứng ra tổ chức cưỡng chế thì phải có văn bản chỉ đạo cụ thể từ UBND tỉnh.
“Việc lòng hồ bị lấn chiếm là đã rõ nhưng vấn đề giải quyết phải được phân định cụ thể để cùng phối hợp chứ không thể chồng chéo nhau…” - ông Biên lý giải.
Chưa phát hiện cán bộ “chống lưng”
Về ý kiến của một số người dân cho rằng có cán bộ “hùn hạp” với những hộ dân lấn chiếm lòng hồ để làm ăn, ông Trần Nam Biên khẳng định huyện có nắm thông tin này và đã kiểm tra, rà soát nhưng chưa phát hiện trường hợp nào. “Chúng tôi sẽ rà soát ở cả các cán bộ cấp xã, nếu phát hiện tình trạng này sẽ xử lý nghiêm” - ông Biên nói.
Bình luận (0)