Hôm nay (30-12), tại TP Hải Phòng, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị với đại diện lãnh đạo công an 18 tỉnh, thành để quán triệt chủ trương ngăn chặn, xử lý nghiêm những người buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo trong dịp Tết Nguyên đán 2014.
18 điểm nóng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VII, cho biết có 18 địa phương hằng năm vẫn được coi là những điểm nóng, nổi cộm với tình hình buôn bán, đốt pháo. “Hội nghị sẽ quán triệt để công an địa phương áp dụng những biện pháp mạnh, kiên quyết trong điều tra, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán và đốt pháo trái pháp luật” - ông Vệ khẳng định.
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2014 nhưng thống kê của Tổng cục VII cho thấy pháo lậu đang ồ ạt tuồn vào Việt Nam.
Tại Hà Nội, Đội 8 Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP ngày 12-12 đã bắt giữ một đối tượng vận chuyển 5 bao tải chứa 1.200 quả pháo hoa có gắn dây dẫn kích cháy. Ngày 16-12, Công an TP Hà Nội tiếp tục bắt giữ một người vận chuyển 18 bệ pháo nổ (loại 36 quả/bệ) với tổng trọng lượng 28 kg...
Gần nhất, ngày 25-12, Công an tỉnh Cao Bằng bắt quả tang Nông Văn Đôn (SN 1985) vận chuyển trái phép 5 thùng pháo nổ (trên 52 kg) từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong tháng 12-2013, lực lượng công an, bộ đội biên phòng và QLTT tỉnh Cao Bằng đã triệt phá gần 10 vụ buôn bán, vận chuyển pháo trái phép; thu giữ hơn 1 tấn pháo các loại. Trong đó, có vụ liên quan đến một người Trung Quốc vận chuyển hơn 700 kg pháo vào Việt Nam tiêu thụ. Trong tháng 11 và tháng 12-2013, lực lượng công an, biên phòng các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang... cũng liên tiếp triệt phá nhiều vụ vận chuyển pháo lậu số lượng lớn.
“Pháo bây giờ không chỉ có xuất xứ từ Trung Quốc mà còn được tuồn về từ Thái Lan, Lào... Pháo lậu đang tiến sâu vào nội địa bằng rất nhiều con đường khác nhau nên Bộ Công an đã phải quán triệt công an các địa phương kiểm soát trên cả đường biển, đất liền, xe khách… để phát hiện, ngăn chặn kịp thời” - ông Vệ nói.
Có thể phạt tiền, khởi tố
Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, địa phương nào để xảy ra tình trạng đốt pháo nhiều trong dịp Tết thì chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Ngay từ tháng 9-2013, Bộ trưởng Bộ Công an đã có công điện gửi giám đốc công an các địa phương đề nghị mở chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng, buôn bán, tàng trữ pháo trái phép. “Chỉ đạo của Bộ Công an rất rõ ràng, địa phương nào xảy ra đốt pháo nhiều, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến an toàn phòng chống cháy nổ thì giám đốc công an tỉnh cũng phải liên đới chịu trách nhiệm” - ông Vệ khẳng định.
Trong khi đó, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) - Tổng cục VII cho biết những người đốt pháo ở gia đình sẽ bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp đốt pháo có tổ chức, với số lượng lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ bị xem xét khởi tố hình sự.
“Theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức, viên chức tham gia đốt pháo ở gia đình thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền còn bị cơ quan công an địa phương gửi văn bản về nơi công tác đề nghị xem xét kỷ luật về mặt Đảng, thậm chí xem xét cho thôi việc” - đại diện C64 cho biết. Vị này nêu ví dụ về trường hợp một cặp vợ chồng ở tỉnh Thái Bình (chồng là quân nhân, vợ là giáo viên) đã bị cơ quan kỷ luật vì đốt pháo đêm giao thừa Tết 2013.
Theo đại diện C64, các địa phương từng bị Thủ tướng phê bình trong năm 2013 vì để xảy ra tình trạng đốt pháo nhiều trên địa bàn cũng sẽ có báo cáo tại hội nghị. Trong đó, phải đưa ra giải pháp để ngăn chặn hiệu quả việc đốt pháo trong dịp Tết năm nay.
Về mức xử phạt hành chính, theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 28-12), hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Ém hàng chờ sát Tết bung ra
Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho rằng buôn bán pháo mang lại lợi nhuận rất lớn nên dù pháp luật đã quy định xử phạt rất nghiêm nhưng hằng năm, vẫn có nhiều đối tượng tìm mọi cách tuồn pháo lậu từ các nước lân cận vào nước ta để tiêu thụ.
Ông Vệ nhận định thủ đoạn của giới buôn lậu pháo năm nay tinh vi hơn: Thay vì cuối năm mới dồn dập đưa hàng về từ bên kia biên giới thì chúng lẳng lặng xé lẻ số lượng để vận chuyển sâu vào nội địa suốt cả năm. Đến sát Tết, các đối tượng bắt đầu xé lẻ hàng để bán cho những người có nhu cầu với giá rất cao. Đây cũng chính là lý do khiến lãnh đạo nhiều địa phương rất đau đầu trong việc kiểm soát pháo lậu.
Bình luận (0)