Đây không phải là trường hợp hôi của đầu tiên nhưng lại là sự việc gây phẫn nộ cao độ trong dư luận và phơi bày một hình ảnh xấu xí về lòng tham với phạm vi lan truyền rất rộng, không chỉ trong nước. Dư luận, trong đó có những người thận trọng và bình tĩnh nhất, cũng đã ném những lời lẽ nặng nề và ánh nhìn lạ lẫm về phía những người bất chấp đạo lý và tình người, lao vào chụp giật những lon bia mặc cho người tài xế gặp chuyện xui rủi rơi nước mắt khẩn cầu!
Sau khi sự việc xảy ra, trong cái nóng sôi sục của hàng triệu người cũng có vài ý kiến thốt ra lạc lõng, lạnh tanh. Họ cho rằng chuyện hôi của cũng giống như tham nhũng, ở đâu, xã hội nào cũng có. Họ quên rằng chuyện đáng lên án như vậy có thể đã không xảy ra nếu những người hôi của đã từng được giáo dục điều mà cả thế giới đều được dạy ngay từ lúc chập chững vào trường: “Đừng lấy bất cứ thứ gì không thuộc về mình!”. Họ cũng cần được giáo dục về ý chí để không bị tâm lý bầy đàn thôi thúc cùng với lòng tham quyến dụ.
Từ cảm giác xấu hổ vì người khác, những người tự trọng có thể nhận thấy rằng hiện tượng hôi của xảy ra, với độ xấu và ác tăng dần lên, xét cho cùng chính là sự thất bại của giáo dục và tự giáo dục. Rõ ràng, với một hiện trường mà hàng hóa, tiền bạc rơi vãi như nhau, có nhóm người biến thành “bầy đàn” và lao vào “kiếm ăn” lập tức thì ở nơi khác, nhóm người khác lại thể hiện thái độ chân thành giúp đỡ và an ủi người gặp nạn với đầy ắp tình người.
Những chuyện như vậy không hề hiếm. Nó gieo vào chúng ta niềm hy vọng lớn rằng giáo dục có thể thay đổi hoàn cảnh, thay đổi con người; và rằng những điều tốt đẹp, cho dù trong chừng mực nào đó còn bị khuất lấp, vẫn luôn hiện hữu, đủ sức lấn át cái xấu.
Tuy nhiên, để đưa dần quan hệ giữa người với người vào trong môi trường đậm chất văn hóa, cần phải có quyết tâm lớn, kể cả sự “mạnh tay” trên tinh thần nơi nào đạo lý bất lực thì nơi đó pháp luật phải lên tiếng!
Bình luận (0)