Những người mừng trước thông tin trên bởi họ có thêm nhiều năm làm việc, nhiều năm hưởng lương. Trong khi người lo sẽ phải dài cổ chờ nhận những đồng lương hưu ít ỏi trong khi không còn sức lao động.
Tăng tuổi hưu ngoài những lý do hết sức “lý tưởng” được hầu hết cán bộ ủng hộ như tăng thời gian cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho xã hội... thì lý do chính vẫn là giãn thời gian nghỉ hưu, rút ngắn tuổi đời hưởng quyền lợi hưu trí của người tham gia BHXH để chữa cháy cho nỗi lo vỡ quỹ. Nhưng câu chuyện bảo toàn quỹ BHXH nào chỉ như thế bởi nó còn liên quan đến trách nhiệm của hàng loạt cơ quan như BHXH, Bộ Tài chính, ...
Hiện nay, tỉ lệ đóng BHXH tại Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới: 32,5% mức tiền lương tháng. Nhưng oái oăm thay, số người tham gia BHXH chưa tới 25% lực lượng lao động. Nói cách khác, an sinh xã hội trong lĩnh vực này quá thấp, trong khi công tác thu và quản lý thì lại quá kém.
Cụ thể, trong khoảng 480.000 doanh nghiệp (DN) có đăng ký mã số thuế thì cơ quan BHXH mới quản lý được 199.500 DN tham gia BHXH, chiếm khoảng 42%. Trong số DN tham gia BHXH trên, có tới 22.200 DN nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp lên đến 1.900 tỉ đồng. Cả năm 2015, ngành BHXH khởi kiện hơn 7.000 DN trong số này, đang nợ hơn 3.000 tỉ đồng nhưng chỉ thu hồi được 817 tỉ đồng. Những số liệu đáng buồn trên được chính cơ quan BHXH công bố. Chuyện thất thu BHXH, DN chiếm dụng tiền của người lao động cứ diễn ra từ năm này qua năm khác và những người quản lý quỹ này cũng cứ mãi kêu mà chẳng có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Một vấn đề bức xúc khác là người đóng BHXH đến nay không biết nhiều về việc quản lý và vận hành của nguồn quỹ này. Việc sử dụng quỹ BHXH để đầu tư cụ thể ra sao không ai biết được, lãi hay lỗ, hiệu quả hay không chỉ duy mình cơ quan BHXH biết. Điều này thật vô lý. Đây là tiền của người dân đóng, họ có quyền được biết nó đang được sử dụng như thế nào, có an toàn hay không bởi nếu xảy ra rủi ro thì chính người dân nhận hậu quả chứ không phải những người đang quản lý nó.
Nỗi lo của người đóng BHXH đã trở thành sự thật khi cơ quan BHXH dùng tiền này đầu tư vào Công ty Cho thuê tài chính II và đã mất trắng hơn 1.000 tỉ đồng. Càng bức xúc hơn là đến nay, câu hỏi ai chịu trách nhiệm đối với vụ việc trên vẫn rơi vào im lặng.
Với những gì đang diễn ra, nỗi lo của người đóng BHXH không phải là chuyện vỡ quỹ như cơ quan BHXH luôn dọa dẫm mà chính là việc quản lý, vận hành nguồn quỹ này như thế nào, minh bạch ra sao và quyền lợi của họ được bảo đảm đến đâu?
Hãy giải quyết rốt ráo những tồn tại luôn hiển hiện trước mắt này chứ đừng mãi loay hoay với nỗi ám ảnh vỡ quỹ trong khi không có biện pháp gì cụ thể. Tiền của người dân đấy, nguồn sống của họ khi tuổi già đấy, xót lắm!
Bình luận (0)