Lễ hội khai ấn Đền Trần năm 2015 sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ 11 đến 16 tháng giêng năm Ất Mùi (từ ngày 1 đến 6-3).
Phục dựng lễ rước kiệu Ngọc Lộ
Lễ hội Đền Trần năm nay sẽ có đầy đủ các nghi thức trang trọng như lễ rước nước, tế cá và rước kiệu Ngọc Lộ. Để việc khai ấn có đầy đủ nghi lễ, năm nay, ban tổ chức phục dựng lại lễ rước kiệu Ngọc Lộ. Đây là nghi lễ rước kiệu đặt bát hương thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Phổ Minh (chùa Tháp) sang đền Thiên Trường-nghi thức rất quan trọng của Vương triều Trần vốn đã bị mai một.
Trong ngày 1-3, nghi thức rước kiệu Ngọc Lộ đã được tiến hành từ 7 đến 9 giờ, với hơn 200 người tham gia. Ngày 2-3, lễ rước nước, tế cá diễn ra từ 6 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút. Đây là lễ hội đã được phục dựng thành công trong năm trước.
Không để bán ấn tràn lan
Trong năm 2014, có trên 50 vạn ấn đã được phát. Theo ban tổ chức, năm nay, số lượng ấn phát ra cho người dân và du khách thập phương sẽ không hạn chế. Lễ phát ấn sẽ diễn ra từ 6 giờ ngày 5-3 (15 tháng giêng) tại 3 nhà Giải Vũ và nhà trưng bày Đền Trùng Hoa.
Những năm trước, tại Đền Bảo Lộc (thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) - di tích lịch sử quốc gia và là nơi yên nghỉ của các danh tướng triều Trần - thường xảy ra tình trạng bán ấn tràn lan trước ngày khai ấn. Năm nay, để xử lý tình trạng này, ngày 27-2, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã có công văn đề nghị UBND huyện Mỹ Lộc chỉ đạo UBND xã Mỹ Phúc và Ban Quản lý Đền Bảo Lộc chấm dứt ngay việc đóng ấn thu tiền tại nội cung. Để xử lý triệt để tình trạng này, các camera giám sát sẽ được lắp tại nhiều khu vực.
Mạnh tay với nạn “chặt chém”
Ngoài việc phục dựng các nghi lễ thất truyền, ban tổ chức còn đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự, dẹp bỏ những hình ảnh xấu, phản cảm trong lễ hội như tình trạng “chặt chém” du khách. UBND TP Nam Định đã yêu cầu các chủ nhà hàng, khách sạn thu đúng giá niêm yết và không được tự ý nâng giá. Theo bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, để không còn tình trạng xin ăn tại lễ hội, năm nay, ban tổ chức đưa toàn bộ người xin ăn về quê hoặc gửi, giám sát tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, việc ngăn chặn chen lấn, xô đẩy, ném tiền vào kiệu, cướp lộc như những năm trước đã được ban tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách thập phương thông qua hệ thống phát thanh trong đền.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, chiều 1-3, tại Đền Bảo Lộc vẫn xảy ra tình trạng lộn xộn. Các ki-ốt vẫn tồn tại 2 bên đường vào đền, trong sân đền và cả hành lang lối vào nội cung. Những quầy bán sớ, ấn trạch, bùa hộ mệnh, vàng hương... dựng lên tràn lan, trông rất phản cảm. Thậm chí, trong sân đền còn có cả quầy treo tấm bảng to với dòng chữ xem tướng mạo, xem chỉ tay...
Tại đây, giá giữ xe máy lên đến 10.000 đồng/xe, trong khi niêm yết chỉ 5.000 đồng.
Bình luận (0)