Đơn vị xin phép nghiên cứu là Công ty Infrastructure Development Asia, LLC (IDA - Mỹ), dự kiến sẽ xây một nhà máy phát điện hải lưu một chiều ở khu vực phía Bắc vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh). Đây là tín hiệu vui để tìm nguồn năng lượng sạch, phát huy tiềm năng lợi thế biển ở tỉnh Khánh Hòa.
Nguồn năng lượng sạch
Theo IDA, các dòng hải lưu trên thế giới thường xuyên đổi hướng dòng chảy nên máy phát điện bằng dòng hải lưu phải có kết cấu tự động đổi hướng theo dòng chảy. Nếu thiết kế như vậy, giá của máy phát điện rất cao, hiệu quả lại thấp, không phù hợp với Việt Nam.
Tuy nhiên, ở vùng miền Trung Việt Nam, dòng hải lưu rất đặc biệt vì có dòng hoàn lưu tầng đáy di chuyển 365 ngày/năm. Nhờ sự cộng hưởng của gió mùa Đông Bắc và dòng hoàn lưu tầng đáy nên dòng hải lưu qua miền Trung rất ổn định một chiều và nhiều năng lượng.
Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, IDA nhận thấy khu vực phía Bắc vịnh Vân Phong, gần Hòn Đôi, rất thích hợp để đặt máy phát điện bằng dòng hải lưu. Máy phát điện là những thùng bê-tông cốt thép được đặt chìm dưới đáy biển, có hướng cố định đón dòng hải lưu chảy từ Bắc xuống Nam. Các tuốc-bin với những cánh quạt được đưa xuống đáy biển để nhận năng lượng.
Theo tính toán của IDA, nếu lắp đặt một cụm 20 máy phát điện bằng dòng hải lưu sẽ tốn khoảng 151 triệu USD, cho ra lượng điện khoảng 1.400 MW/ngày; còn nếu chạy máy phát điện bằng than công suất 1.200 MW thì cần đến 1,2 tỉ USD. Như vậy, máy phát điện bằng dòng hải lưu không gây ô nhiễm và tổn hại đến môi trường, không chỉ tạo ra nguồn năng lượng sạch mà còn tiết kiệm chi phí, giá thành rẻ hơn so với các nguồn năng lượng khác. Hiện đơn vị đầu tư đang thu thập tài liệu thủy văn, địa chất tại khu vực phía Bắc vịnh Vân Phong và Hòn Đôi. Sau khi đưa ra những con số chính xác, IDA sẽ làm dự án khả thi để trình các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa xem xét.
Cần tính toán kỹ
TS Lê Đình Mầu, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, hoàn toàn đồng ý với việc triển khai dự án máy phát điện bằng dòng hải lưu. Theo ông, bờ biển vịnh Vân Phong ở độ sâu từ 6 m trở xuống hầu như có dòng chảy quanh năm. Tuy nhiên, muốn triển khai dự án này, cần đặt tuốc-bin ở độ sâu khoảng 70 m. Trước khi triển khai, cần điều tra một năm quy luật dòng chảy ở khu vực này để có những con số chính xác tuyệt đối.
PGS- TSKH biển Nguyễn Tác An cũng cho rằng đây là chủ trương tốt, cần triển khai để phát triển nguồn năng lượng sạch. Các tiêu chí để thực hiện dự án đều đạt như: tốc độ dòng chảy tốt, hướng dòng chảy ổn định, vị trí gần bờ. Dự án triển khai không ảnh hưởng đến đường giao thông hàng hải quốc tế trên vịnh Vân Phong bởi các thiết bị đều được đặt sâu dưới lòng biển…
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, cho biết UBND tỉnh luôn khuyến khích sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Hai nguồn năng lượng này cũng khá phổ biến nhưng đều có quy mô nhỏ và đấu nối hòa vào điện lưới quốc gia chưa nhiều. Nguyên nhân là do bên bán điện đưa ra giá cao, còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải bán theo giá được Chính phủ phê duyệt nên không thống nhất được giá bán điện.
“Chủ đầu tư cần tính toán đến giá cả bởi làm năng lượng sạch thường có giá cao, trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ bán điện theo giá được Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, phía đơn vị đầu tư phải nghiên cứu kỹ để đưa ra phương án hợp lý” - ông Minh nói.
Chỉ có một số nước nghiên cứu
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cũng khuyến khích phát triển năng lượng sạch. Tuy nhiên, máy phát điện bằng dòng hải lưu là lĩnh vực mới, trên thế giới chỉ có một số nước như: Mỹ, Scotland, Singapore… đang nghiên cứu. Ở Việt Nam, bờ biển dài nên lựa chọn địa điểm đặt máy phát điện loại này không khó nhưng phải chọn được vị trí phù hợp.
Bình luận (0)