Ngày 14-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), đã chủ trì phiên họp thứ 12 để bàn thảo kết quả công tác PCTN năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ năm 2010.
Khởi tố 289 vụ tham nhũng
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, năm 2009, công tác PCTN tiếp tục có những chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực trên cả hai mặt là phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng; trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế và có xu hướng giảm dần.
Năm 2009, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được phát hiện và xử lý. Một số vụ tồn đọng nhiều năm như vụ án tham nhũng tại Công ty Xăng dầu Hàng không, Công ty Cao su Phú Riềng, vụ cảng Thị Vải,... đã được tập trung giải quyết.
Các cơ quan tố tụng cũng đã có nhiều cố gắng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Trong 12 tháng qua đã khởi tố 289 vụ với 631 bị can (tăng 2,48% số vụ và 1,45% số bị can).
Riêng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C37, Bộ Công an) dù thành lập chưa lâu nhưng đã điều tra 26 vụ với 167 bị can về các tội danh tham nhũng. Trong đó, tội tham ô chiếm tới 52,9% số vụ và 50,3% bị can; tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản chiếm 22,5% số vụ và 13,9% số bị can.
Trong số này, Hà Nội đã phát hiện và khởi tố nhiều nhất với 39 vụ với 93 bị can, Bắc Giang 21 vụ với 36 bị can, Quảng Ninh 11 vụ với 116 bị can...
Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình thực tế, chẳng hạn 16 địa phương chỉ khởi tố được 1-2 vụ án tham nhũng.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Cũng theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng được quan tâm thực hiện. Trong năm 2009, các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương đã xử lý trách nhiệm 195 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, trong đó Trung ương 30 người.
Ông Lê Quả và Huỳnh Ngọc Sĩ tại phiên tòa xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ (tháng 9-2009). Ảnh: T.Thạnh
Bộ Công an xử lý 9 người, Ngân hàng Nhà nước VN 20 người, TP Hà Nội 24 người, Sơn La 7 người, Bình Phước 8 người; các tỉnh Hậu Giang, Cao Bằng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tuyên Quang, mỗi tỉnh có 12 người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức bị xử lý; Bình Thuận 16 người, Đồng Nai 18 người...
Việc xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng tích cực tăng tính chủ động kiểm tra, phát hiện nhằm phòng ngừa tham nhũng ngay trong từ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm này còn ít so với số vụ án tham nhũng đã xét xử. Nhiều nơi còn nhầm lẫn giữa xử lý trách nhiệm người đứng đầu với xử lý người đứng đầu khi có sai phạm.
Nâng tính chiến đấu của cơ sở Đảng
Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2010 cần đẩy mạnh tuyên truyền gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong việc chống tham ô, quan liêu, lãng phí. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, của các cấp ủy, chi bộ Đảng, nâng cao sức mạnh và tính chiến đấu của cơ sở Đảng.
Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý vi phạm và phát hiện sai phạm để phòng ngừa. Phải đẩy mạnh quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, giảm những thủ tục gây phiền hà người dân, doanh nghiệp; giảm điều kiện, nguy cơ gây tham nhũng từ các cán bộ kém phẩm chất.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tại các lĩnh vực còn xảy ra tham nhũng, có nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm như thuế, hải quan, đất đai, xây dựng cơ bản...
Năm 2010, không làm thay nhiệm vụ của cơ quan tố tụng nhưng Ban Chỉ đạo Trung ương cần đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc để quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nổi cộm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội. Thủ tướng đề nghị cần quan tâm đến việc xử lý tố cáo nhưng chú ý đến tính hai mặt của tố cáo - tố cáo sai sự thật.
Kỷ luật 187 cán bộ công chức Năm 2009, các cơ quan đã tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy chế chi tiêu nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. |
Bình luận (0)