Rốt cuộc, việc “thú tội tập thể” này chỉ có thể được giải thích là do bà con tin rằng nếu có quá nhiều người cùng nhau nhận đã phạm một tội thì hẳn nhà chức trách phải chịu thua do không đủ khả năng tổ chức việc xử phạt tất cả người vi phạm. Niềm tin đó có cơ sở trước hết từ việc ghi nhận sự yếu kém, nếu không muốn nói là sự bất lực của nhà chức trách, trong việc ngăn chặn nạn trộm chó.
Một khi luật có cũng như không thì con người có điều kiện phát lộ bản năng tự do và xã hội dễ hỗn loạn. Trong hoàn cảnh đó mà muốn được việc thì thường người ta chọn một trong ba con đường.
Dựa vào quyền thế. Người nắm công quyền đồng thời cũng nắm quyền kiểm soát lực lượng trấn áp chuyên nghiệp. Có được sự yểm trợ của người này thì có thể được bảo đảm rằng không ai dám động đến mình và yên tâm. Đặc biệt, khi đi đâu, tìm kiếm gì mà bị làm khó dễ, bị tranh giành hoặc đe dọa đối với bản thân thì cứ gọi điện thoại cho ông này, bà kia trong bộ máy công quyền, dùng uy danh của họ để hù dọa trở lại đối phương.
Dựa vào sức mạnh cơ bắp, vũ khí có được trong tay. Trong không gian sống thống trị bởi quy luật hoang sơ mạnh được yếu thua, ai cao to, ra dáng đầy uy lực và làm chủ được nhiều công cụ trợ lực sẽ được nể sợ, tôn trọng; khi dấn thân vào các cuộc xung đột sẽ có nhiều cơ may giành phần thắng.
Nếu không có quyền lực, sức mạnh thể chất cá nhân lẫn vũ khí thì phải kết nhóm lại để tạo sức mạnh của số đông theo đúng bài bản “lấy thịt đè người”. Đây cũng chính là con đường đã được những người dân trong câu chuyện trộm chó lựa chọn: sự lựa chọn bắt buộc của người không có con đường nào khác để theo.
Con người ta vốn có nhiều ham muốn và có xu hướng sống tùy tiện, thích làm gì thì làm, thích đi đâu thì đi, thích lấy gì thì lấy. Luật pháp được nhà nước đặt ra để tổ chức cho con người tìm kiếm lợi ích trong vòng trật tự.
Nói khác đi, để ngăn chặn các xu hướng sống và ứng xử hoang sơ, cần phải làm cho luật pháp phát huy được vai trò của nó. Hệ thống luật pháp chặt chẽ và được tôn trọng, thực thi nghiêm chỉnh sẽ tạo ra trào lưu sống trong khuôn khổ kỷ cương. Sự phổ biến của ý thức tự giác tôn trọng pháp luật sẽ khiến cho việc vi phạm pháp luật trở thành hiện tượng cá biệt, người phạm pháp phải thấy hổ thẹn về việc mình làm.
Để có được điều đó, nhà chức trách phải nêu gương; bộ máy bảo đảm thực thi pháp luật phải tỏ ra mẫn cán, tận tụy, nhạy bén, có trách nhiệm và công tâm, là chỗ dựa vững chắc của người dân. Tin tưởng vào người ứng xử nhân danh luật pháp, người dân hiểu cần làm gì để có được sự bảo hộ của người đó.
Bình luận (0)