Dựa vào các tư liệu sử học và dấu vết còn lại của Tử cấm thành hiện nay,ngày 2-9 nhóm nghiên cứu đã tiến hành mở 2 hố khai quật. Ở hố khai quật thứ nhất, với độ sâu 0,2m-0,4m đã xuất lộ một kiến trúc hình trăng lưỡi liềm. Trong quá trình khai quật xử lý phần lòng hồ, các nhà KCH đã tìm thấy nhiều mảnh gạch vỡ có nguồn gốc từ thời Chămpa; một số viên gạch lại có hình dáng được chế tác cắt góc, mái vát và một số mảnh sứ men trắng hoa lam, mảnh gốm, đồ sành, đồ đất nung, gốm trang trí kiến trúc… Chứng tỏ đây là vật liệu của 1 công trình kiến trúc khác bị dỡ lấp xuống hồ. Đáy hồ lát gạch phẳng uốn cong dần về giữa lòng hồ. Từ mặt tường xuống đáy hồ sâu 1,6m; tường lòng hồ được xây bằng đá ong, vữa màu trắng.
Đồng thời, lẫn trong lớp đất dày 0,4m, các nhà KCH còn tìm thấy các mảnh gạch ngói, gốm sứ, đạn đá, đạn chì, giáo sắt, chĩa đôi, đinh sắt… Ở hố khai quật thứ 2, dưới lớp đất dày 0,2m xuất lộ mặt tường móng kiến trúc. Giải tường móng xây bằng gạch, chạy dài theo hướng bắc – nam. Tường còn lại cao 0,4m, rộng 0,35m. Tường được xây bằng gạch đá ong, gồm 2 lớp, dưới có 2 hàng gạch dày 0,15m. Từ các nguồn tư liệu, sử liệu, cùng với thực tế khai quật và những hiện vật thu được, bước đầu, các nhà nghiên cứu, KCH đã xác định: dấu móng kiến trúc phía trên thuộc các công trình xây dựng vào thời Nguyễn; Kiến trúc thủy hồ thuộc công trình kiến trúc văn hóa cung đình thuộc vương triều Tây Sơn. Dấu vết nền móng ở hố khai quật thứ 2 thuộc công trình kiến trúc nhà thờ tổ Nguyễn Nhạc.
Tại cuộc họp báo, nhóm tác giả tiến hành khai quật khẳng định: Đây là những dấu tích kiến trúc công trình văn hóa đầu tiên thuộc vương triều Tây Sơn được biết đến tại Tử cấm thành trong khu vực thành Hoàng Đế còn lại khá nguyên vẹn. Đồng thời, trong lòng đất khu vực Tử cấm thành – thành Hoàng Đế vẫn còn tiềm ẩn nhiều dấu tích kiến trúc cung đình thuộc vương triều Tây Sơn. Kết quả ban đầu của cuộc khai quật không chỉ là nguồn tư liệu tin cậy, mà còn làm cơ sở cho công tác tôn tạo quần thể di tích này trong tương lai. Các nhà nghiên cứu, KCH cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định cần có kế hoạch vệ, bảo quản khu khai quật, hiện vật và có kế hoạch dài hơi để tiếp tục công tác khai quật tiếp theo.
Bình luận (0)