Nhà và đất: Một hay hai giấy?
Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) rất chậm chạp do các thủ tục hành chính rườm rà. Việc ông Nguyễn Trọng Hiệp (phường Lê Đại Hành- Hà Nội) 29 lần đi xin phường chứng nhận để làm sổ đỏ vẫn không xong chẳng phải là trường hợp cá biệt. Chính vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (GCNNƠ) và QSDĐ thành 1 hay 2 loại giấy được nhiều ĐB tranh luận. Một số ĐB cho rằng, nhà và đất luôn gắn liền với nhau nên chỉ cần một loại giấy. ĐB Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) phân tích đối với nhà chung cư, người ta chỉ biết có một căn hộ hợp pháp; nhà biệt thự thì người ta lại quan tâm đến đất. Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ cần ghi rõ loại hình nhà thì không ai đi đòi giấy đất nữa. Vì vậy, nên dùng một loại giấy để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. ĐB Nguyễn Thị Tuyết Mai (Vĩnh Long) phản bác: Nếu “gộp” 2 nội dung này trong một giấy thì các tổ chức, cá nhân hay hộ gia đình trước khi nhận được GCNNƠ cũng phải mang giấy chứng nhận QSDĐ đến cơ quan quản lý về đất đai để đổi và nhận biên lai. Sau đó đến cơ quan quản lý về xây dựng để nhận GCNNƠ, trong đó có cả QSDĐ. Với những người có nhu cầu thế chấp QSDĐ để vay ngân hàng thì phải có cán bộ ngân hàng đi cùng. Như vậy rất phức tạp và khó khăn cho người dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng chung cư, nhà thuộc sở hữu chung, nhà xây dựng trên đất cho thuê ngày càng nhiều. Với các trường hợp này, nếu sử dụng một giấy rất khó khăn. ĐB Mai cho rằng nên quy định 2 loại giấy cho nhà ở và đất ở nhưng trình tự thủ tục thẩm quyền chứng nhận 2 loại giấy này phải đơn giản và thuận tiện cho người dân.
Nhà thương mại: Có nên khống chế giá?
Theo dự án luật, giá mua bán, cho thuê nhà ở thương mại là do các bên tự thỏa thuận. Không nhất trí với quan điểm này, ĐB Tuyết Mai phân tích, việc Nhà nước thu hồi đất với mục đích quốc phòng, công cộng... thì người dân đồng tình. Nhưng nếu Nhà nước thu hồi đất rồi giao cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển nhà ở, sau đó bán lại với giá cao so với mức giá người dân được bồi hoàn thì đã và sẽ bị phản ứng mạnh mẽ, thậm chí khiếu kiện. ĐB Mai cho rằng Nhà nước phải đưa ra giá khung theo từng cấp nhà xây dựng. ĐB Trần Thị Thanh Huyền (Thanh Hóa) lại quan tâm đến vấn đề công khai, minh bạch trong việc mua bán nhà thương mại. Để tránh tình trạng mua bán lòng vòng và nâng giá bán nhà thương mại bởi các trung tâm môi giới, cò..., bà đề nghị phải công khai về giá, về quy hoạch, thời điểm bán và phương thức thanh toán để tránh thiệt hại cho người thực sự có nhu cầu. Không đồng tình với quan điểm này, ĐB Cù Thị Hậu (Phú Thọ) nói, không nên khống chế giá nhà thương mại, thậm chí bán càng cao càng tốt. Số tiền chênh lệch đó sẽ điều tiết sang xây dựng nhà ở chính sách.
Phát triển nhà ở: “Bỏ quên” nhiều đối tượng
Một trong những vấn đề quan trọng nhất của dự thảo là vấn đề phát triển nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người có thu nhập thấp; nhà công cộng phục vụ nhu cầu luân chuyển cán bộ; những đối tượng chính sách, xã hội... Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Nghệ An), phát triển nhà ở trong dự luật mới chỉ đề cập đến đối tượng có thu nhập thấp ở khu vực đô thị mà “quên” lực lượng vũ trang, cán bộ công chức ở các vùng đặc biệt khó khăn như biên giới, hải đảo. ĐB Cù Thị Hậu bổ sung: Chúng ta có 750.000 công nhân làm việc tại các công ty liên doanh ở KCX- KCN, 1, 7 triệu công nhân làm tại các công ty tư nhân và gần 2 triệu công nhân làm ở các công ty Nhà nước với mức lương theo quy định của Nhà nước hiện nay là 30 - 45 USD/tháng. Đây là lực lượng quan trọng nhưng lại không được điều chỉnh trong dự luật. ĐB Hậu đề nghị miễn thuế cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho các đối tượng này. ĐB Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) góp thêm: và cả đối tượng ở khu vực miền núi, cho các đồng bào dân tộc thiểu số...
Hôm nay, 3- 6, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Công an nhân dân.
Việt kiều sở hữu nhà ở, nên hay không nên? Theo dự án luật, đối với người nước ngoài được phép về VN và có thời gian tạm trú liên tục từ 3 tháng trở lên thì được sở hữu một nhà ở hoặc một căn hộ. ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng không tạo kẽ hở cho người có tiền mua bán nhà. Ông nói: “Người VN ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại VN, lâu dài là bao lâu? Người có công đóng góp với đất nước, có công như thế nào? Về thường xuyên là sao? Tất cả những cái này phải xác định bằng luật để không tạo kẽ hở. Đơn cử như một gia đình nước ngoài 10 người về VN. Nếu quy định mỗi người được mua một căn nhà thì họ có quyền mua 10 cái. Chín người sau khi ở 3 tháng họ lại ra nước ngoài và nhường quyền thừa kế cho 1 người ở lại. Đương nhiên người đó sở hữu 10 cái nhà. Đây chính là kẽ hở để cho những người VN ở nước ngoài có tiền về kinh doanh nhà. Trong khi đó, ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) thì cho rằng thị trường bất động sản hiện nay đang đóng băng. Giá nhà ở, đất ở của chúng ta hiện nay so với các nước phát triển trên thế giới từ bằng đến cao hơn chứ không thấp hơn. Nếu quy định họ chỉ được mua một nhà, họ có thể chạy chọt bằng nhiều cách để mua được 2 - 3 căn nhà, phát sinh một dạng tiêu cực. Do vậy, nên cho người VN ở nước ngoài được sở hữu nhà ở như người VN đang sống trong nước. Họ mua nhà theo giá thị trường, mình không đến nỗi sợ họ thu hết đất, hết nhà của chúng ta. H. Khanh ghi |
Bình luận (0)