Lục Thị Mói là con cả trong 5 người con bị khối u trên mặt của gia đình ông Lục Văn Quân và bà Trương Thị Năm (người dân tộc Sán Dìu), được phẫu thuật cắt bỏ khối u khổng lồ nặng 6 kg, sau ca mổ kéo dài 4 giờ tại Bệnh viện K (Hà Nội) vào ngày 6-4 vừa qua.
Sau gần 3 năm kể từ ngày bài báo đầu tiên viết về hoàn cảnh gia đình ông Quân, bà Năm với sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa và đặc biệt là tấm lòng nhiệt huyết của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện K, họ đã thoát khỏi bóng tối của cuộc sống tật nguyền.
Lục Văn Cường (thứ 2 từ trái qua) bên bạn bè sau khi phẫu thuật
Vượt qua số phận
Tôi còn nhớ như in một ngày đầu tháng 7 cách đây gần 3 năm, tôi trở lại thôn Đá Bàn, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên để đón Lục Thị Hai và Lục Thị Linh về Hà Nội khám bệnh.
Lúc đó, ông Quân và bà Năm cùng các con mừng vui lắm nhưng cũng còn nhiều băn khoăn. Tôi cũng vậy. Bởi nhìn những khối u có kích cỡ như những chiếc ấm tích đeo bám trên mặt 5 người con nhiều năm cho thấy nguy cơ rủi ro là rất lớn.
Vậy mà nói đến chữa bệnh, nói đến “tiêu diệt” các khối u là những con người trong căn nhà đơn sơ nằm dựa lưng vào vách núi sẵn sàng đối diện với thử thách. Ngay chiều hôm đó, Lục Thị Hai và Lục Thị Linh là 2 người con được gia đình chọn đưa về Hà Nội khám đầu tiên.
Về đến Bệnh viện K, với kích thước khối u quá lớn trên mặt, Lục Thị Hai bỗng trở thành nhân vật gây chú ý, ngay cả đối với nhiều y, bác sĩ. Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K, trực tiếp khám bệnh cho Hai và Linh đã đón nhận thử thách khó khăn này và quyết tâm theo đến cùng trong cuộc chiến đấu với căn bệnh loạn sản xơ xương hàm và mặt.
Biết là rủi ro rất cao nhưng cả hai không lo sợ, vẫn muốn được phẫu thuật sớm. Chị Hai đã nói: “Bác sĩ hãy mổ cho cháu. Cháu và các chị em cháu sẽ sống khỏe mạnh”.
Nối dài thêm lòng nhân ái
Để thực hiện quyết tâm giúp đỡ 5 người con tật nguyền, Báo Người Lao Động đã vận động nhiều nơi hỗ trợ tài chính cho việc phẫu thuật, điều trị. Và nguyện vọng tốt đẹp này đã nhận được sự chung tay, hỗ trợ từ nhiều tấm lòng hảo tâm. Lần lượt, Hai và Linh đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u, rồi phẫu thuật chỉnh hình và có sức khỏe tốt.
Kinh phí đã cạn nhưng vẫn còn Mói, Cường, Long chưa được phẫu thuật. Nhưng niềm hy vọng đã không tắt khi có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm, nghĩa cử từ bạn đọc đã nhận tài trợ cho những ca phẫu thuật của 3 bệnh nhân còn lại. Và Bệnh viện K trở thành mái ấm thứ hai trong suốt thời gian dài của gia đình ông Quân, bà Năm.
Trong gần 3 năm, tôi và bác sĩ Bảo cùng đồng nghiệp Ngọc Dung (phóng viên Báo Người Lao Động) và nhiều bác sĩ, nhân viên trong Bệnh viện K luôn nhắc nhau “sẽ làm đến cùng”. Sự quyết tâm của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện K đã mang lại kết quả vượt mong đợi.
Hiện trên thế giới chỉ có 7 gia đình có nhiều người trong gia đình mắc chứng bệnh này. Nhưng điều đáng nói là gia đình nhiều nhất cũng chỉ có 3 người mắc bệnh, trong khi gia đình ông Quân là 5 người và kích thước khối u lại lớn hơn rất nhiều so với những trường hợp trong y văn.
Em Lục Thị Linh (bìa trái) đi học trở lại với bạn bè sau khi được cắt bỏ khối u trên mặt. Ảnh: Thế Dũng
Mở ra cuộc sống mới
Cách đây gần 3 năm, sau khi được cắt bỏ khối u, Lục Thị Hai đã hy vọng, đã ước mơ được trở thành một công nhân may. Nay, ước mơ đó đã thành hiện thực. Lành bệnh, có sức khỏe tốt và khuôn mặt dễ nhìn hơn, Hai đã có đủ tự tin để bước vào cuộc sống mới.
Công ty TNHH Mái Ấm (Long Biên, Hà Nội) đã đón nhận Hai về đào tạo nghề may, lo chỗ ăn ở. Đến nay, Hai đã bắt đầu có những sản phẩm đầu tiên với mức lương ổn định. Hai khoe với tôi: “Tôi có thể tự lo cho bản thân”.
Cùng hạnh phúc như chị, cô em út Lục Thị Linh mới đây được lương y Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch Tập đoàn Y dược Bảo Long, nhận đỡ đầu và nuôi dạy tại Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long. Giờ đây, Linh đã có thêm nhiều bạn, được học ở một ngôi trường tốt và tự tin về tương lai sau này.
Cường và Long đã trở về nhà lo việc chăn nuôi, trồng trọt. Hai em đã đủ tự tin để giao lưu với bạn bè, chòm xóm. Ca mổ của Mói thành công, ông Quân và bà Năm mừng rơi nước mắt. Đối với người cha, người mẹ, việc các con được cứu sống chẳng khác gì như sinh ra lần thứ hai.
Trong buổi chúc mừng ca mổ Lục Thị Mói thành công với tập thể y, bác sĩ, tôi và bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, người được xem là người cha thứ hai của các con ông Quân, bà Năm, đã cùng thốt lên: “Vậy là chúng ta đã vượt qua”.
Thực tế đúng là vậy vì những người bệnh cùng gia đình đã vượt qua sự sợ hãi, vượt qua số phận; các y, bác sĩ vượt qua những thử thách nghề nghiệp; và chúng tôi gồm những người làm báo và những tấm lòng hảo tâm, bạn đọc gần xa đã cùng chung tay vượt qua được những lo toan đời thường để làm thêm nhiều điều có ích.
Bệnh về gene nặng và hiếm gặp nhất
B.T |
- Ngày 4-7-2007, Báo Người Lao Động đăng bài viết đầu tiên: “Một gia đình ở Thái Nguyên có 5 con bị căn bệnh quái ác - Nỗi đau tột cùng” (tác giả Thế Dũng). Ngay sau đó, Báo Người Lao Động đã nhận được sự hưởng ứng, giúp đỡ và sẻ chia của bạn đọc gần xa, đặc biệt là sự đóng góp tài chính của Tổng Công ty Thuốc lá VN, Tổng Công ty Phong Phú... để hỗ trợ điều trị cho Lục Thị Mói, Lục Thị Hai, Lục Văn Cường, Lục Thị Long và Lục Thị Linh. - Ngày 9-7-2007, Báo Người Lao Động đưa Lục Thị Hai và Lục Thị Linh về Bệnh viện K (Hà Nội) khám bệnh và bắt đầu quá trình phẫu thuật, điều trị cho 5 bệnh nhân ròng rã từ đó đến nay.
|
Bình luận (0)