xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phi đội bay quyết tử

MẠNH DUY

Quân chủng Phòng không - Không quân đã bí mật xây dựng phi đội bay đêm gồm những phi công thiện chiến, dũng cảm để đọ sức với không lực Mỹ trên bầu trời Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm

Các cuộc tập kích của “pháo đài bay” B52 đều là những trận tấn công ban đêm. Vì thế, từ cuối những năm 1960, Quân chủng Phòng không - Không quân  (PK-KQ) đã ý thức  rõ: Nếu ta có được lực lượng bay đêm giỏi, máy bay Mỹ sẽ không thể làm mưa làm gió.

Người xuất kích

Năm 1968, 30 phi công tốt nghiệp Trường Không quân Krasnoda - Liên Xô đã được bổ sung biên chế của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ. Lúc này, trung đoàn chỉ có 3 đại đội phi công, số máy bay cũng ít ỏi nhưng các chuyên gia bay đêm đã bất ngờ xuất hiện làm máy bay Mỹ nhiều phen khiếp vía.

Chúng tôi tìm đến nhà đại tá Trần Cung trong một ngõ nhỏ trên đường Trường Chinh - Hà Nội. Thời 12 ngày đêm năm 1972, ông Cung là thượng úy, tiểu đội phó tiểu đội bay đêm, nằm trong nhóm những phi công tiêu biểu và có nhiều kinh nghiệm đối đầu “pháo đài bay”.

Với đại tá Cung, đêm mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đã để lại những ký ức không thể quên được. “19 giờ ngày 18-12-1972, tôi nhận lệnh xuất kích. Ngay sau đó, phi công Phạm Tuân cũng được lệnh sẵn sàng chiến đấu với B52 trên bầu trời Hà Nội. Trước khi vào buồng lái, chúng tôi đều xác định nếu gặp máy bay B52 sẽ quyết hạ bằng được dù phải hy sinh” - ông nhớ lại.

img
Đại tá Trần Cung kể lại cuộc giáp mặt B52 trên bầu trời Hà Nội đêm 18-12-1972

Trước trận chiến này, ông Cung chưa từng giáp mặt “pháo đài bay”. “Tất cả những gì chúng tôi học được đều chỉ là lý thuyết. Chúng tôi biết B52 không quá đáng sợ nhưng nó được hộ tống bởi rất nhiều máy bay chiến đấu F4. Ngoài ra, nếu gặp B52 thì phải phóng tên lửa ở khoảng cách dưới 15 km và phải bắn ít nhất 2 quả mới tiêu diệt được vì nó có tới 8 động cơ” - ông phân tích.

Ngay trong đêm đầu tiên xuất kích mở màn chiến dịch, phi công Trần Cung đã có cơ hội tiếp cận B52. Ông hồi tưởng: “Tôi đang tìm đánh những tốp B52 thả bom, phá hoại các sân bay xung quanh Hà Nội thì nhận được lệnh từ đài chỉ huy thông báo “pháo đài bay” đang tiến vào trung tâm thủ đô với vận tốc khủng khiếp 1.200-1.400 km/giờ. Khi đó, mục tiêu chỉ còn cách tôi 25 km. Tôi liền mở ra-đa để tên lửa tìm diệt B52. Tuy nhiên, mở ra-đa cũng có nghĩa là tôi tự biến mình thành miếng mồi của dàn máy bay F4 đi xung quanh hộ vệ cho B52”.

Đại tá Cung cho biết vào thời điểm sinh tử ấy, ông chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để tiếp cận gần hơn nữa và phóng tên lửa trúng mục tiêu B52. Chỉ 5 giây sau khi phát hiện “pháo đài bay”, chiếc Mig 21 do ông Cung điều khiển đã bám sát phía sau. Ngay lập tức, B52 phát nhiễu dày đặc, đồng thời máy bay F4 phía dưới lao lên quần nhau với chiếc Mig 21 của ông.

Trong cuộc chiến đấu giáp lá cà với F4, ông Cung tránh được nhiều quả đạn và tiếp tục truy đuổi B52 nhưng lại để lỡ thời cơ tiêu diệt “pháo đài bay”. Bởi lúc ấy, chỉ mình ông đơn thương độc mã trong khi tốp B52 lại có hàng chục chiếc máy bay chiến đấu F4 hỗ trợ. “Tôi tiếc đứt ruột vì không hạ được B52 ngay đêm đó. Dù vậy, việc “pháo đài bay” bị Mig 21 truy kích cũng khiến giặc lái Mỹ bị một đòn tâm lý khá mạnh” - ông Cung luyến tiếc.

Không màng trở về

Những người trong phi đội bay đêm quyết tử bí mật ngày ấy sau này đều trở thành phi công giỏi, là lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất của không quân miền Bắc. Những tên tuổi: Phạm Ngọc Lan, Bùi Doãn Độ, Trần Cung, Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng, Hoàng Biểu, Đặng Vân Đình… đều là niềm tự hào của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Theo đại tá Trần Cung, thời điểm đầu của chiến dịch 12 ngày đêm, không quân của ta gặp rất nhiều khó khăn vì cho tới tận ngày 23-12-1972, dù đã nhiều lần xuất kích nhưng Mig 21 vẫn chưa thể tiếp cận được B52. Nhiều phi công của ta không khỏi hoang mang vì cho rằng Mig 21 khó thể tiếp cận và không bắn rơi được “pháo đài bay”. “Những ngày cuối của chiến dịch mới là lúc không quân ta lập công. Ngày 29-12-1972, phi công Bùi Doãn Độ hạ thêm một chiếc F4 - máy bay cuối cùng mà không quân Việt Nam bắn rơi từ ngày mở đầu chiến dịch - khiến Mỹ phải ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc” - ông Cung cho biết.

Với phi đội bay đêm, một khi đã nhận lệnh cất cánh, tất cả đều xác định không màng có thời khắc trở về. Thế nên, những trận chiến trên không của phi đội này cho đến nay đã trở thành huyền thoại được nhắc mãi.

Trước chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, không quân miền Bắc đã có những cuộc thử sức không khoan nhượng với không lực Mỹ. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến là trận chiến ngày 8-5-1972, khi Trung đoàn 925 tổ chức xuất kích trận đầu chủ động tấn công địch. Hai biên đội với 4 chiếc Mig 19 đã đánh địch ngay trên bầu trời Yên Bái trong 8 phút, hạ 2/12 chiếc F4 và trở về căn cứ an toàn.

Người đầu tiên hạ “pháo đài bay”

Trước Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều, đã có một phi công khác hạ được B52, dù “pháo đài bay” này không bị rơi tại trận. Đó là ông Vũ Đình Rạng, người mà lịch sử quân sự Mỹ ghi nhận là phi công duy nhất của Bắc Việt đã làm hư hỏng nặng một chiếc B52 khiến nó không thể sử dụng được nữa. Đây cũng là lần đầu tiên, không quân của một nước bắn bị thương được “pháo đài bay”.

Ông Rạng hào hứng: “Ngày 20-11-1971, một tốp B52 xuất hiện trên tuyến lửa Vĩnh Linh, tôi được giao nhiệm vụ truy kích bằng chiếc Mig 21. Chiếc “én bạc” của tôi bay dọc dãy Trường Sơn truy đuổi cùng lúc 3 chiếc B52 đang chuẩn bị rải bom Bình Trị Thiên. Khi còn cách tốp B52 khoảng 15 km, tôi mở ra-đa và reo lên: “Xin cho công kích!”.
 
Trung tá Trần Hanh, Phó Tư lệnh Không quân, hạ lệnh cho phép công kích. Tôi bèn tăng tốc độ cho chiếc Mig 21 tiếp cận tốp B52. Một chiếc B52 được đưa vào vòng ngắm, vùng phóng đã xuất hiện, tôi nhẩm đếm 1, 2, 3… Đến khi chỉ còn cách dưới 2,5 km, đường ngắm ổn định, tôi bấm nút phóng, một quả tên lửa lao thẳng trúng đích chiếc B52”.

Kỳ tới: Tuổi trẻ can trường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo