Phản ứng gì được nữa!
Ông Vũ Khắc Liêm khẳng định Bộ Tài chính đã xin ý kiến đóng góp của các hiệp hội vận tải và bộ, ngành liên quan trước khi ban hành thông tư này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tỏ ra bức xúc: “Họ ký rồi thì phản ứng cái gì nữa? Họ có thèm hỏi ý kiến chúng tôi đâu!”.
Ông Thanh cho biết từ cuối năm 2012, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã rục rịch “đánh tiếng” về việc tăng phí giao thông để các DN vận tải chuẩn bị tinh thần. Hầu hết các DN vận tải đều cho rằng mức tăng phí được Thông tư 159 đưa ra không hợp lý, nhất là vào thời điểm hiện nay.
Ông Thanh cho rằng chủ trương mở rộng Quốc lộ 1 Bắc-Nam thành tuyến đường cao tốc 4 - 6 làn xe đã được thông qua và chủ yếu được thực hiện theo hình thức BOT từng đoạn tuyến. Mức thu cụ thể cũng đã có chủ trương. “Tất nhiên, phí thu trên những tuyến đường này không thể rẻ như quỹ bảo trì đường bộ được nhưng với cương vị quản lý của mình, Bộ Tài chính và Bộ GTVT phải thực hiện việc giám sát nghiêm ngặt. Phải giám sát từ việc tính toán suất đầu tư, thời gian hoàn vốn bao lâu cho hợp lý ; khi hết thời gian quy định thì phải chấm dứt thu, bàn giao lại tuyến đường chất lượng tốt cho người dân sử dụng, như vậy mới đạt yêu cầu” - ông Thanh bày tỏ.
Đã “tính toán kỹ lưỡng”
Trong khi đó, trả lời phóng viên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định từ năm 2014, mức thu phí giao thông tăng gấp 2 lần là “hợp lý rồi”.
Theo ông Trường, Thông tư 159 sửa đổi Thông tư 90/BTC - đã ban hành cách đây 10 năm. Việc sửa đổi thông tư đã được tính toán kỹ lưỡng dựa trên các điều kiện thực tế, trượt giá, thu nhập thực tế của người dân. Hơn nữa, việc sửa đổi Thông tư 90 theo hướng tăng phí cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
“Thông tư 159 có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 nhưng không phải phí giao thông tại tất cả các trạm BOT sẽ tăng ngay từ thời điểm này. Việc tăng phí ra sao, thời điểm nào tăng phải được sự đồng ý của Bộ GTVT và Bộ Tài chính dựa trên các điều khoản hợp đồng cụ thể với các nhà đầu tư”- ông Trường cho hay.
Theo quy định của Thông tư 159, chậm nhất trước 90 ngày kể từ khi dự kiến tổ chức thu phí, nhà đầu tư phải gửi Bộ GTVT (đối với quốc lộ) hoặc UBND cấp tỉnh (đối với đường địa phương) công văn đề nghị quy định mức thu, kèm theo hồ sơ, trong đó ghi rõ cấp đường và độ dài đoạn đường thu phí, mức thu được duyệt theo dự án và thời hạn hoàn thành việc xây dựng, đưa công trình vào sử dụng.
Ông Trường cho rằng Nghị định 18/2012 về quỹ bảo trì đường bộ đã nói rất rõ việc thu tiền hoàn vốn cho các dự án đường được xây dựng theo hình thức BOT vẫn tiến hành song song với việc thu phí qua đầu phương tiện. Việc thu phí qua đầu phương tiện chỉ để duy tu, nâng cấp hệ thống tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chứ không phải các tuyến BOT. Đây là 2 loại phí hoàn toàn khác nhau, sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Đại diện Bộ GTVT cho biết từ năm 2014, sẽ có 3 loại phí được thu: Phí bảo trì đường bộ nộp về quỹ bảo trì đường bộ (thu trên đầu phương tiện), phí BOT cho các tuyến đường cao tốc bình thường theo Thông tư 90 và phí BOT trên đường cao tốc do DN tính toán, quyết định mức giá.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thanh, việc tăng phí giao thông trước mắt sẽ ảnh hưởng đến DN vận tải nhưng cuối cùng, người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu do chi phí hàng hóa tăng lên nên nhà nước cần tính toán kỹ.
Biểu khung mức thu phí (Ban hành kèm theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC) 1. Mức thu Đơn vị tính: đồng/vé/lượt
2. Lộ trình áp dụng - Năm 2014, áp dụng mức thu tối đa không quá 2,5 lần mức thu tối thiểu khung (riêng mức thu xe nhóm 5 tối đa không quá 2 lần mức thu tối thiểu khung). - Năm 2015, áp dụng mức thu tối đa không quá 3 lần mức thu tối thiểu khung (riêng mức thu xe nhóm 5 tối đa không quá 180.000 đồng/vé/lượt). - Định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 trở đi, căn cứ tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh mức thu phí quy định tại thông tư này, bảo đảm nguyên tắc của pháp luật về phí, lệ phí. |
Bình luận (0)