Nhân lực:
“TPHCM rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo chính quy và có sức sáng tạo. Ðặc biệt trong các ngành chủ lực như tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học...”
(Trích phát biểu của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải, trong buổi giao lưu của đội Telematic tại NVH Thanh niên)
Ngạn ngữ có câu “Ðầu có xuôi, đuôi mới lọt”, nhưng với ba chàng trai của Trường Ðại học Bách khoa TPHCM: Vũ Ngọc Vinh (sinh năm 1979, ngành công nghệ thông tin), Nguyễn Công Văn (1979, điện tử viễn thông), Nguyễn Toàn Thắng (1980, điện tử tự động), thì hoàn toàn khác. Khó khăn đến với họ ngay từ khi lập nhóm tham gia. Lúc biết tin có cuộc thi, đôi bạn thân Ngọc Vinh – Công Văn (rất say mê robot và đã không ít lần táy máy làm đồ điện tử, đồ chơi bằng máy) hăng hái đến đăng ký tham gia. Tuy nhiên, ban tổ chức đã từ chối họ, vì một nhóm ít nhất phải có 3 người. Vinh và Văn về rủ bạn khác cùng thi, nhưng không người nào chịu nhận lời với lý do: Sợ không đậu, đã tham gia nhóm khác, bận học... Ðang tuyệt vọng, cả hai đã gặp Toàn Thắng. Hóa ra anh chàng này cũng đang tìm nhóm dự thi. Họ nhanh chóng kết thành nhóm, lấy tên là Telematic, với sự hướng dẫn của thạc sĩ Huỳnh Văn Kiểm, giảng viên chính bộ môn điều khiển tự động, khoa Ðiện, Trường Ðại học Bách khoa TPHCM.
Khởi đầu gian nan.- Mặc dù là nhóm cuối cùng được nhận, nhưng với sự thông minh và kinh nghiệm, nhóm đã nhanh chóng vượt qua vòng thi tại Trường Ðại học Bách khoa TPHCM với hạng nhì. Ðây là cuộc thi chủ yếu về ý tưởng và chỉ thử “demo” một con robot. Trưởng nhóm Ngọc Vinh nhớ lại: “Vì gặp khó khăn khi đăng ký nên nhóm rất quyết tâm vượt qua vòng thi này”. Không những thế, nhóm đã cố gắng được xếp vào 3 đội đứng đầu toàn trường, vì những đội này sẽ được trường cấp kinh phí 10 triệu đồng. Số tiền này sẽ giúp nhóm đỡ lo về kinh phí, chú tâm vào thiết kế và vận hành robot.
Với thứ hạng cao tại trường, nhóm Telematic tự tin bước vào vòng thi chung kết với các trường khác. Lúc này, khó khăn mới thật sự bắt đầu. Các bạn cho biết theo đúng nguyên tắc, phải thiết kế trước rồi mới thi công lắp ráp robot. Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu thốn, họ lại phải làm ngược quy trình. Nghĩa là tìm linh kiện trước, lập trình mạch điều khiển, tìm thiết bị lắp ráp rồi mới thiết kế chương trình. Tuy nhiên, tìm kiếm linh kiện, thiết bị là việc không dễ chút nào. Thắng nói: “Một cái bo mạch điều khiển vi xử lý loại mới toanh đã 200 USD/cái. Trong khi tụi em có đến những 6 con robot, nếu mua mới thì tiền đâu cho đủ. Chỉ còn giải pháp ra chợ điện tử mua hàng cũ về xử lý lại để dùng”. Vậy là ba người bạn của chúng ta đã rong ruổi nhiều ngày tìm mua linh kiện, thiết bị ở chợ điện tử Nhật Tảo và trên đường Vĩnh Viễn. Tuy nhiên, đồ cũ cũng chẳng rẻ. Một mô-tơ đã mất từ 100.000 đến 300.000 đồng/cái, tùy theo loại. Ðể lắp ráp được robot, họ cần ít nhất 12 mô-tơ với 7, 8 loại khác nhau. Ðã vậy, còn sinh lắm chuyện phiền toái. Do hàng cũ, thiết bị có thông số không chính xác, hàng không đồng bộ nên khi ráp, robot chạy nghiêng ngả, điều khiển một đàng, robot chạy một nẻo. Nhóm đã phải sửa chữa và lập trình lại.
Sự cố nối tiếp sự cố.- Tuy nhiên, khi ra sân thi đấu, sự cố lại phát sinh. Do có quá nhiều ánh sáng của đèn từ máy thu hình, bộ cảm biến quang học trong robot bị nhiễu sóng. Vậy là mấy con robot tự động bị “liệt”, chỉ còn duy nhất một con điều khiển bằng tay là hoạt động. Chật vật lắm, đội mới lọt vào chung kết nhờ vé vớt (đội hạng 3 có số điểm cao nhất).
Dù vào vé vớt, nhưng Telematic đã gây bất ngờ thú vị khi vượt qua các đội, giành ngôi vô địch. Có được kết quả này, gian nan không kém. Trước đó, để khắc phục sự cố cảm biến quang học bị nhiễu, suốt thời gian 10 ngày nghỉ ngơi trước khi vào trận chung kết, nhóm đã ở lì trên sân thi đấu, nghiên cứu cải tiến sự cố. Họ dùng simili che kín cảm biến để tránh tác động của ánh sáng. Họ tranh thủ tập vào cả giờ đội bạn không sử dụng. Cùng lúc đó, các bạn cũng phải lo cho kỳ thi giữa học kỳ ở trường. Thắng kể lại: “Lúc đó nhiều việc nên rất lo. Mặc dù được miễn một số môn thi, nhưng tôi vẫn bị mấy môn thấp điểm”. Với phương châm “khó khăn mấy cũng vượt qua”, đến sát ngày diễn ra trận chung kết, nhóm đã hoàn thiện robot. Vui mừng nên tối đó không bạn nào ngủ được, hồi hộp thử đi thử lại robot nhiều lần. Cuối cùng, sau những vất vả, các bạn đã giành được chiến thắng để trở thành đội duy nhất đại diện VN đi Nhật dự Robocon 2002.
Tuy nhiên, việc đi Nhật lại tạo nên áp lực tâm lý rất lớn đối với nhóm Telematic. Họ lao vào nghiên cứu cải tiến robot sao cho linh động và gọn nhẹ hơn, cũng như cải tiến, lắp lại các mạch xử lý. Công việc khiến cả ba quên ăn quên ngủ. Cô Tạ Thị Lý, mẹ của Vinh, tâm sự: “Chúng nó tội lắm, say việc kinh khủng. Thấy chúng ở trên trường loay hoay chỉnh sửa, tôi đem thức ăn lên bồi dưỡng. Hôm sau lên, thấy thức ăn vẫn còn nguyên. Hỏi ra mới biết, chúng mê làm quá quên cả đói! Gặp trục trặc, đêm tôi vẫn thấy chúng trằn trọc không ngủ được”.
Chỉ còn 3 ngày nữa sang Nhật, một sự cố mới lại xảy ra, tưởng chừng khiến cả nhóm phải bỏ cuộc: Chiếc máy tính xách tay chứa toàn bộ dữ liệu về robot bị mất cắp. Công sức hàng tháng trời mày mò nghiên cứu xem như đi tong. Thầy Kiểm nhớ lại: “Lúc ấy, các em như người “chết rồi”, chúng bần thần cả người”. Lúc khốn đốn đó, các bạn chợt nhớ lại rằng thông tin đã được mã hóa vào robot, muốn phục hồi lại chỉ còn cách dò mã viết ngược trở lại. Công việc này không đơn giản chút nào. Ba chàng trai trẻ phải căng sức ra và thức trắng 3 đêm liền để phục hồi dữ liệu. Trước giờ lên đường, cả ba đều phải uống thêm thuốc bổ mới đủ tỉnh táo.
Chiến thắng với bụng đói.- Sang Nhật, cả nhóm mới biết những trục trặc ở quê nhà chẳng là gì cả. Khi đến sân thi đấu để vận hành thử robot, cả nhóm rất hoang mang khi thấy các robot của bạn trội hơn hẳn về tốc độ, kỹ thuật và hình dáng. Vì thế, lúc các nước bạn khen robot VN di chuyển nhẹ nhàng, cả nhóm... bấm bụng cười bởi đối thủ đâu có biết là mô-tơ của đội VN yếu. Lo nhiều, thức ăn ở Nhật lại không phù hợp, cả nhóm hầu như lúc nào bụng cũng lép kẹp vì thường xuyên nhịn đói hoặc chỉ ăn qua loa mì gói đem theo từ VN. Cuối cùng, nhóm quyết định dùng “nhu thắng cương”, tức dùng chiến thuật để khắc phục điểm yếu về kỹ thuật. Sự mềm mại trong dáng đi của robot VN hoá ra lại có cái hay bởi điều này cùng với bí quyết “sợi dây thun” trong cơ cấu thả quả bóng đã giúp đội vượt lên giành ngôi vô địch hết sức ngoạn mục.
Về đến quê nhà, các bạn trở lại với đời thường của mình. Văn đi làm cho một công ty thuộc Bộ Quốc phòng nhưng vẫn mong có được điều kiện học tiếp. Còn Vinh cho biết, trước khi sang Nhật thi đấu, bạn nghĩ lúc ra trường sẽ đi làm. Trước đó, bạn đã cùng một nhóm bạn thân lập công ty TNHH về tin học, ký được nhiều hợp đồng dù phải tạm ngưng hoạt động khi Vinh đi thi robot. Tuy nhiên, đến Nhật, được tận mắt chứng kiến trình độ kỹ thuật của nước bạn, Vinh lại nuôi tham vọng đi du học để tiếp tục học hỏi về robot và công nghệ tự động hóa. Trong khi đó, thành viên nhỏ tuổi nhất của nhóm là Nguyễn Toàn Thắng tâm sự: “Chuyến đi này giúp em mở mang kiến thức rất nhiều. Qua đó, thấy các sinh viên ở nước bạn thật sướng. Họ được nghiên cứu trong điều kiện trang thiết bị đầy đủ, có CLB để thể nghiệm những sáng tạo mới. Vì thế, họ toàn tâm toàn ý, làm việc hết mình. Trong khi đó, ở VN sinh viên có rất ít điều kiện để thể hiện mình. Trong học tập, sinh viên VN ít được tiếp xúc với thực tế nên rất dễ thụ động. Chiến thắng của chúng em vẫn chưa khiến họ “tâm phục khẩu phục”, vì nhờ nhiều vào chiến thuật hơn là kỹ thuật”.
Qua thành công của cuộc thi tại Nhật, cả nhóm đều có chung một mong ước và đó cũng là hoài bão của nhiều sinh viên: Mong có nhiều sân chơi như thế này hơn nữa để sinh viên có cơ hội sáng tạo, vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn.
Tặng Huy chương “Tuổi trẻ Sáng tạo” cho đội Telematic (NLÐ) - Ngày 5-9, tại Hà Nội, Bí thư Thường trực Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh Trương Thị Mai đã ký quyết định trao tặng Huy chương “Tuổi trẻ Sáng tạo” cho 3 sinh viên trong đội Telematic thuộc Trường Ðại học Bách khoa TPHCM. Ðó là: Vũ Ngọc Vinh, Nguyễn Công Văn, Nguyễn Toàn Thắng, những sinh viên đã giành giải nhất cuộc thi Robocon 2002 – Tokyo (Nhật Bản). Tại cuộc thi này, đội robot Việt L. Thanh
Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh
“Chúng ta chiến thắng vất vả” Trình độ kỹ thuật của nước bạn về lãnh vực này đi trước chúng ta khá xa. Chúng ta chiến thắng họ vất vả bằng chiến thuật chứ không phải kỹ thuật với sự tự tin cao. Tuy nhiên, chiến thắng này rất đáng trân trọng. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa có chuyên ngành đào tạo về robot thật sự. Sinh viên còn học nhiều lý thuyết hơn thực hành nên rất bỡ ngỡ khi tiếp xúc thực tế. Trong khi đó, học kỹ thuật phải thực hành. Do vậy, bên cạnh đầu tư đào tạo, chúng ta cũng cần tạo nhiều sân chơi cho sinh viên tiếp xúc kỹ thuật cao. Vì qua những dịp như thế, sẽ là cơ hội cho sinh viên phát huy sức sáng tạo và thể hiện khả năng của mình. Thời gian qua, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc này. Nếu có chăng chỉ là dạng phong trào.
Thạc sĩ Huỳnh Văn Kiểm, thầy hướng dẫn của nhóm Telematic:
Bình luận (0)