"Dù mất mùa đói kém hay chiến tranh loạn lạc, không năm nào phiên chợ đầu năm ở Trung Phước vắng người. Đó là luật tục bao đời nay của người dân vùng này” - bà Lê Thị Thích, người dân ở làng Khương Hạ nói về sự trường tồn lâu đời của phiên chợ may mắn như vậy.
Đi mua cái may
Phiên chợ họp vào sáng mùng 3 Tết Nguyên đán hàng năm. Khoảng 6 giờ sáng, tiết xuân vùng núi lạnh căm căm, những người đàn bà đã bưng thúng lầm lũi trên các con đường làng đổ về chợ Trung Phước. Các làng xa trên thượng nguồn con sông Thu Bồn như Tí, Sé, Dùi Chiêng, Đá Ngang, Thạch Bích, Nhụ Sơn... người ta phải lên đò dọc từ tờ mờ sáng. Ở các làng này, người lớn đi chợ dẫn theo cả trẻ con để chúng đi chơi xuân. Đò vừa cập bến chợ vào lúc nửa buổi cũng là lúc phiên chợ đông nhất. Dọc theo con đường dẫn từ bến sông lên chợ, hàng quán đã mở cửa bán đầu năm. Người người gặp nhau trong chợ phiên chào hỏi nhau tíu tít. “Năm nay nhà chị có làm bánh tổ hay không?”. “Nhà tôi đang còn tang đâu có đổ bánh tổ được”. “Thịt heo nhà chị được bao nhiêu ký?”. “Tết nay tráng bao nhiêu bánh tráng?”... Hầu hết người ta gặp nhau trong phiên chợ để trao đổi “thông tin” với nhau về cái ăn trong ba ngày Tết của từng gia đình. Cái độc đáo nhất của phiên chợ đầu năm ở Trung Phước là thường thường người ta đến chợ với cái thúng không, ở trên người ta cắt tàu lá chuối tươi đậy lại. Bà Tám Lanh, một người bán mì quảng lâu năm ở chợ này, cho biết đi chợ phiên đầu năm chủ yếu để vui chơi nhưng cái quan trọng nhất là người ta đến đây để mua lấy cái may mắn. Có một thứ mà người đi chợ đầu năm không thể không mua, đó là con cá mương. Đây là một loại cá nhỏ, con lớn nhất chỉ bằng hai ngón tay người lớn, sống thành từng đàn ở ven bờ sông Thu Bồn, có đặc tính bơi rất nhanh. Theo quan niệm của người dân ở đây, “mương may chày rủi” nên cho dù muốn mua bất cứ thứ gì thì người đến chợ phiên cũng mua cho được vài con cá mương trước tiên. Theo anh Khánh, một dân chài trên sông Thu Bồn, trong phiên chợ năm nay chỉ riêng mình anh đã bán được gần 20 kg cá mương. Năm nào cũng vậy, từ nửa đêm mùng 2 Tết, hai vợ chồng anh đã quăng mẻ lưới đầu tiên trên sông cho đến rạng sáng để bắt cá mương về bán chợ phiên. Vào lúc cao điểm của chợ phiên, người ta họp chợ tràn cả ra đường, họp ngay trong hiên các ngôi nhà quanh chợ và tranh nhau mua cá mương. Sau khi mua được cá mương xong người ta đi mua muối, gừng và trầu cau với ước muốn một năm mới mặn mà đằm thắm. Mấy năm trước đây, chợ phiên mùng 3 Tết ở Trung Phước còn có cả các trò chơi dân gian tổ chức ngay trong chợ, chủ yếu là hô bài chòi. Nay, các trò chơi đã bị mai một. Phiên chợ kết thúc vào khoảng đúng ngọ khi người đến đã mua được cái may, đã ăn uống no say và lên đò dọc trở về nhà. Những ngày Tết ở đây coi như đã chấm dứt.
Một chợ quê đặc sắc
Chợ Trung Phước nay thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, là một chợ quê đặc trưng và có vai trò đặc biệt ở vùng đất này. Chợ nằm sát sông Thu Bồn là điểm trung gian để trao đổi hàng hóa giữa miền núi và miền xuôi về cửa Đại Hội An từ những thế kỷ trước. Vùng trung lưu và thượng lưu của con sông lớn nhất nhì miền Trung này nằm kẹp giữa các dãy núi cao ngất. Muốn đến vùng này bằng đường bộ phải vượt qua đèo Phường Rạnh và đèo Le. Từ bao đời nay, việc giao lưu buôn bán phải dựa vào đường thủy của sông Thu Bồn. Không biết chính xác chợ Trung Phước được lập nên từ đời nào nhưng có lẽ nó ra đời cùng lúc khi những người Việt đầu tiên đặt chân đến nơi này. Theo gia phả tộc Nguyễn ở làng Đại Bình mà ông Nguyễn Quốc Tín (82 tuổi) hiện đang giữ thì làng này được lập nên từ năm Thái Đức thứ 3 (năm 1781). Như vậy, có lẽ chợ Trung Phước cũng được lập trong khoảng thời gian này. Chợ Trung Phước cũ cũng nằm bên bến đò ngang qua làng Đại Bình, bên cạnh chợ có một ngôi chùa và đình làng Trung Phước. Theo lời các vị cao niên ở làng này, chợ Trung Phước ngày xưa tấp nập trên bến dưới thuyền. Người Cơtu ở các làng Rô, làng Mực (huyện Nam Giang) theo đường núi mang theo các sản vật vùng cao như trầm hương, sừng hươu nai, ngà voi... xuống chợ này đổi lấy rìu, rựa, muối. Người Hoa, người Kinh ở Hội An chở cá biển, mắm muối, dầu lửa... lên đổi lấy cau khô, tre mang về.
Cũng chính nhờ địa thế đặc biệt bên sông Thu Bồn nên chợ Trung Phước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giao thương với miền xuôi thông qua cảng thị Hội An trong lịch sử buôn bán ở xứ Đàng Trong. Vùng đất có những làng quê trù phú thanh bình trải qua thời gian nay vẫn còn giữ những bản sắc văn hóa độc đáo. Chợ Trung Phước mỗi mùa một sản vật quen thuộc, nhưng hàng năm vào dịp đầu xuân người dân nơi đây vẫn giữ thói quen đi chợ phiên mùng 3 để mua về cái may mắn như niềm ao ước phúc lành đầu năm của người dân nơi đây...
Bình luận (0)